Hành trình thoái vốn DGC của Vinachem: Từ đấu giá 'ế ẩm' đến thu về nghìn tỷ
(VNF) - Sau khi đưa cổ phiếu DGC ra đấu giá và nhận cái kết "ế ẩm" khi chỉ bán được vỏn vẹn 200 cổ phiếu, Vinachem đã quyết thực hiện thoái vốn thông qua 2 lần khớp lệnh trên sàn và đã chính thức rút khỏi DGC từ năm 2022.
Liên tục phát hành cổ phiếu trước và sau cổ phần hoá
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (HoSE: DGC) tiền thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng cục hoá chất Việt Nam được thành lập từ năm 1963. Tháng 3/2004, doanh nghiệp hoàn tất công tác cổ phần hoá và chuyển đổi mô hình hoạt động, vốn điều lệ đăng ký là 15 tỷ đồng.
Trong vòng 9 năm sau khi cổ phần hoá, DGC liên tục tiến hành phát hành cổ phiếu tăng vốn lên mức 334 tỷ đồng. Tổng cộng, doanh nghiệp đã có 6 lần phát hành cổ phiếu dưới nhiều hình thức như chào bán cho cổ đông, phát hành cổ phiếu thưởng, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Vào đầu năm 2012, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sau khi xem xét giải trình về các đợt phát hành cổ phần ra công chúng đã quyết định xử phạt DGC về vi phạm hành chính do thực hiện các đợt phát hành tăng vốn từ 15-66 tỷ đồng nhưng chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành. DGC phải nộp phạt số tiền 250 triệu đồng.
Đến năm 2014, DGC chính thức lên sàn khi đăng ký giao dịch ở Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Tính đến ngày 14/5/2014, theo bản cáo bạch của doanh nghiệp, DGC có tổng cộng 4 cổ đông lớn, bao gồm 3 cá nhân và 1 tổ chức.
3 cá nhân là cổ đông lớn bao gồm ông Đào Hữu Huyền (Chủ tịch DGC hiện tại), sở hữu 26,2%; ông Đào Hữu Kha (em trai ông Đào Hữu Huyền) sở hữu 7,87% và bà Ngô Thị Ngọc Lan (em dâu ông Đào Hữu Huyền) sở hữu 7,76%.
Xuất phát điểm là doanh nghiệp nhà nước, ở thời điểm lên sàn, tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Hoá chất (Vinachem) tại DGC chỉ còn 19,91%, là cổ đông lớn thứ 2 sau ông Đào Hữu Huyền.
Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn nêu trên được giữ nguyên cho đến khi DGC chuyển sàn sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vào tháng 3/2018. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, khi Vinachem công bố thoái vốn DGC, tỷ lệ sở hữu của Vinachem tại DGC đã giảm xuống còn 8,85%.
Được biết, trong năm 2018-2019, DGC đã thực hiện nhiều đợt phát hành cổ phiếu như chào bán cổ phiếu để hoán đổi lấy cổ phiếu, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động. Không ngoại trừ khả năng các đợt phát hành của DGC trong giai đoạn này đã làm giảm tỷ lệ sở hữu của Vinachem.
Đấu giá ế ẩm, khớp lệnh thu về nghìn tỷ
Cuối năm 2019, Vinachem đã thông báo về việc thoái toàn bộ vốn tại DGC thông qua hình thức đấu giá. Bước giá 100 đồng/cổ phiếu, bước khối lượng 100 cổ phần.
Số lượng cổ phiếu DGC mà Vinachem sở hữu và đưa ra đấu giá là hơn 11,4 triệu đơn vị, tương đương 8,85% vốn điều lệ của DGC. Mức giá khởi điểm được đưa ra là 49.100 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền mà Vinachem có thể thu về là hơn 562 tỷ đồng nếu thoái vốn thành công.
Phiên đấu giá diễn ra vào ngày 31/12/2019 với vỏn vẹn 2 nhà đầu tư cá nhân tham gia, mua tổng cộng 200 cổ phiếu DGC với giá 49.100 đồng/cổ phiếu. Vinachem thu về hơn 9,8 triệu đồng sau khi phiên đấu giá kết thúc, “ế” gần như toàn bộ cả lô cổ phiếu DGC.
2 năm sau, vào tháng 10/2021, Vinachem tiếp tục thực hiện thoái vốn DGC, tuy nhiên với hình thức khác là khớp lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE). Mức giá dự kiến được công bố là 152.100 đồng/cổ phiếu, tương đương cả lô là hơn 2.300 tỷ đồng.
Mức giá này thấp hơn thị giá của DGC ở thời điểm đó trên thị trường khoảng 3%. Trong khi đó, giá cổ phiếu DGC đã tăng gấp khoảng 10 lần kể từ khi Vinachem thoái 1 phần vốn vào cuối năm 2019, đầu năm 2020. Ở thời điểm đó, số tiền mà Vinachem dự kiến thu về từ thoái vốn DGC cao gấp hơn 17 lần giá trị sổ sách khoản đầu tư ghi nhận tại báo cáo tài chính.
Sau khi đăng ký bán cổ phiếu DGC qua sàn theo hình thức khớp lệnh, kết quả mà Vinachem thu về đã khá khẩm hơn lần đấu giá trước rất nhiều. Theo đó, Vinachem bán thành công tổng cộng 9,1 triệu cổ phiếu DGC trong thời gian từ ngày 8/11/2021 – 7/12/2021, trong số hơn 15,1 triệu cổ phiếu đăng ký bán (số lượng cố phiếu DGC do Vinachem nắm giữ gia tăng vì Hoá chất Đức Giang chia cổ tức bằng cổ phiếu vào tháng 5/2021).
Trong thời gian Vinachem thực hiện giao dịch, giá của DGC biến động trong khoảng từ 169.300 – 154.500 đồng/cổ phiếu (giá chưa điều chỉnh). Tạm tính theo mức giá trung bình của khoảng giá này, Vinachem có thể đã thu về khoảng 1.474 tỷ đồng.
Sau đó, Vinachem tiếp tục đăng ký bán hơn 6 triệu cổ phiếu DGC trong thời gian từ ngày 3/3/2022 – 10/3/2022 theo phương thức khớp lệnh, chính thức thoái vốn thành công tại DGC, đưa tỷ lệ sở hữu về 0%.
Cổ phiếu DGC giao dịch trong khoảng giá từ 172.000-188.710 đồng/cổ phiếu (giá chưa điều chỉnh) trong khoảng thời gian Vinachem thực hiện giao dịch. Như vậy, số tiền mà Vinachem đã thu về khi thực hiện thoái vốn DGC có thể lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Tổng số tiền mà Vinachem có thể đã thu về tạm tính theo thị giá của DGC ở thời điểm các giao dịch khớp lệnh được thực hiện trên thị trường có thể lên tới hơn 2.400 tỷ đồng.
Trở lại đỉnh cũ hậu thoái vốn
Sau khi Vinachem chính thức rút khỏi DGC vào giữa tháng 3/2022, cổ phiếu của doanh nghiệp này liên tục có những biến động trong ngắn hạn. Vào phiên 21 và 22/112022, DGC rơi về mốc đáy của năm 2022, đạt 47.920 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh). Cho đến giữa năm 2023, cổ phiếu DGC chỉ dao động trong vùng giá từ 49.000 – 62.000 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh).
Theo các chuyên gia về chứng khoán, những thông tin về thoái vốn sẽ khiến cổ phiếu của doanh nghiệp biến động trong ngắn hạn. Khi thông tin thoái vốn không còn nóng, dòng tiền không còn đổ mạnh vào những cổ phiếu này sẽ làm giá cổ phiếu khó duy trì mức giá cao. Đối với những doanh nghiệp kinh doanh tốt, tạo ra giá trị tốt, giá cổ phiếu vẫn sẽ tăng trưởng khi doanh nghiệp phát triển.
DGC có lẽ đã chứng minh được nhận định trên của các chuyên gia. Theo đó, sau giai đoạn điều chỉnh hậu thoái vốn, kể từ giữa năm 2023 cho đến nay, cổ phiếu DGC đã phục hồi mạnh mẽ, thậm chí đạt được mức đỉnh mới 128.300 đồng/cổ phiếu trong phiên 14/3/2024.
Trong vòng 1 năm, thị giá của DGC đã tăng gấp đôi từ vùng giá 60.000 đồng/cổ phiếu lên 126.000 đồng/cổ phiếu (giá mở cửa phiên 4/6/2024) với nhiều động lực tăng giá.
Kết quả kinh doanh năm 2023 của DGC dù có phần đi lùi so với mức thực hiện năm 2022, nhưng vẫn được coi là mức lợi nhuận cao trong lịch sử hoạt động. Doanh thu thuần năm 2023 đạt 9.748 tỷ đồng, giảm 32,5% so với mức thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế giảm 46%, đạt 3.241 tỷ đồng.
Trong giai đoạn năm 2020 trở về trước, lãi sau thuế của DGC chỉ đạt mức dưới 1.000 tỷ đồng. Từ năm 2021, lợi nhuận DGC tăng trưởng đột biến, ghi nhận lãi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Theo Công ty Chứng khoán Vietcap, với nhu cầu về chip gia tăng, DGC đang “rộng cửa” giành thị phần photpho công nghiệp (IPC) trên toàn cầu. Doanh nghiệp hoá chất này hiện chiếm gần 1/3 tổng xuất khẩu P4 toàn cầu. Tổng sản lượng bán hoá chất IPC của DGC sang Đông Nam Á và Mỹ đã tăng gấp đôi trong năm 2023 và dự báo sẽ tiếp tục giành thị phần trên thị trường IPC trong trung hạn.
Đầu năm 2023, DGC đã thâu tóm 1 nhà máy nhằm nâng công suất photpho từ 60.000 tấn/năm lên 70.000 tấn/năm. Vietcap kỳ vọng nhà máy này của Hoá chất Đức Giang sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2024.
Ngoài ra, một động lực khác của DGC là Tổ hợp Hóa chất lớn nhất Việt Nam tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Dự án này được dự kiến được khởi công trong tháng 6 này, với tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng (3 giai đoạn). Đây là dự án có mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của DGC, được kỳ vọng đi vào hoạt động từ giữa năm 2025, qua đó, đóng góp lớn vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.
DGC cũng đang tiếp tục nghiên cứu thực hiện dự án Alumin ở tỉnh Đắk Nông với công suất dự kiến là 2 triệu tấn alumin và 300.000 tấn nhôm thỏi.
Mới đây, trước thông tin Kiểm toán Nhà nước đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra việc thoái vốn của Vinachem tại Hoá chất Đức Giang vào ngày 31/5 vừa qua, ban lãnh đạo cho biết rất nhiều nhà đầu tư, cổ đông đại diện cho tổ chức, cá nhân đã gọi điện và nhắn tin hỏi doanh nghiệp về các nội dung liên quan.
“Các nhà đầu tư, cổ đông lo lắng việc thoái vốn của Vinachem có vi phạm quy dịnh của pháp luật không? Hoá chất Đức Giang có bị ảnh hưởng liên đới gì không?”, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết.
Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp hoá chất này, cổ phiếu DGC đã bị ảnh hưởng, điều chỉnh giảm về mức 121.500 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm 4.500 đồng/cổ phiếu so với mức giá đóng cửa ngày 31/5/2024. Giá trị vốn hoá của doanh nghiệp cũng giảm tương đương khoảng 1.700 tỷ đồng.
Trong phiên hôm nay (4/6), cổ phiếu DGC tiếp tục suy giảm.
Giá bán phốt pho giảm, lợi nhuận DGC sụt về mức thấp nhất 2 năm
Chủ tịch DGC: Mục tiêu lãi hơn 3.000 tỷ không đơn giản, đang buồn vì 'ôm bọc tiền'
DGC rục rịch khởi công Tổ hợp Hoá chất Nghi Sơn, tiếp tục nghiên cứu dự án Alumin
Nhu cầu chip tăng, DGC 'rộng cửa' giành thị phần photpho công nghiệp trên toàn cầu
- DAP – VINACHEM: Lợi nhuận đi xuống, suy giảm tới 80% 14/03/2024 08:41
- Kỷ lục buồn của DAP – VINACHEM: Lợi nhuận giảm 99,66% 06/10/2023 09:41
- Phó thủ tướng ủng hộ Vinachem tăng vốn điều lệ, đồng ý bổ sung ngành nghề điện hóa 25/05/2023 06:58
Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.