Hệ thống kinh tế là gì? Các loại hình hệ thống kinh tế
Minh Anh -
17/07/2018 23:37 (GMT+7)
(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Hệ thống kinh tế (economic system) gì? Các loại hình hệ thống kinh tế.
Hệ thống kinh tế là gì?
Hệ thống kinh tế (economic system) là những quy định về thể chế được đưa ra để giải quyết đồng thời hai vấn đề khan hiếm và lựa chọn. Vì các nguồn lực có hạn so với nhu cầu của xã hội về hàng hóa và dịch vụ, nên người ta cần áp dụng một số phương tiện phân bổ nguồn lực cho các mục đích sử dụng khác nhau. Trong thế giới hiện đại, có ba cơ chế phân bổ cơ bản để thự hiện chức năng này: hệ thống thị trường, trong đó các nguồn lực được phân bổ theo cung và cầu; nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, trong đó các nguồn lực do chính phủ phân bổ dựa trên một kế hoạch tập trung thống nhất; nền kinh tế hôn hợp, trong đó cả thị trường và chính phủ đều tham gia phân bổ nguồn lực.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
Các loại hình hệ thống kinh tế
Như đã nói ở trên, ba loại hình hệ thống kinh tế trong nền kinh tế hiện nay là:
Kinh tế chỉ huy (hay còn được gọi là kinh tế kế hoạch hóa tập trung) là một hệ thống kinh tế trong đó mọi quyết định về sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa đều tập trung vào nhà nước. Thông qua các cơ quan kế hoạch của mình, nhà nước trực tiếp quyết định sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai.
Hệ thống kinh tế chỉ huy đã từng tồn tại ở Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa cũ trước đây, các nguồn lực cho sản xuất được phân bổ một cách tập trung thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội mà các cơ quan kế hoạch của nhà nước soạn thảo.
Trên thực tế, không có một nền kinh tế chỉ huy thuần túy. Tính phức tạp của việc ra quyết định một cách tập trung như vậy về mọi vấn đề kinh tế của xã hội khiến cho nó khó có thể thực hiện một cách trọn vẹn. Ngay cả ở một nền kinh tế được kế hoạch hóa một cách tập trung cao độ như Liên Xô trước đây, một số quyết định kinh tế thứ yếu vẫn được thực hiện một cách phi tập trung. Tuy nhiên, do các hàng hóa chủ yếu được bán trong các cửa hàng của nhà nước, theo giá cả và đôi khi là cả khối lượng mà nhà nước quy định, rõ ràng, sự lựa chọn này bị ràng buộc trong những giới hạn nhất định.
Kinh tế thị trường tự do là hệ thống kinh tế đối nghịch với kinh tế chỉ huy. Ở đây không phải nhà nước mà là các lực lượng thị trường chi phối các quá trình kinh tế. Một nền kinh tế thị trường tự do hàm nghĩa rằng, bàn tay vô hình của thị trường sẽ hướng người ta đi đến các quyết định về các vấn đề kinh tế cơ bản mà không cần đến sự can thiệp của nhà nước.
Đương nhiên, xét một cách trực tiếp, trong nền kinh tế thị trường, các chủ doanh nghiệp vẫn là những người ra quyết định xem những hàng hóa nào cần được sản xuất. Nhưng khi họ sản xuất ra sản phẩm thì không phải vì họ nhận thấy đó là những hàng hóa mà ai đó trong xã hội đang cần và họ có trách nhiệm phải cung cấp hay phục vụ, mà là vì chúng có khả năng mang lại cho họ lợi nhuận. Khi có nhiều người hỏi mua hàng hóa ấy sẽ khiến giá cả của nó trên thị trường tăng lên, người sản xuất sẽ có xu hướng gia tăng sản lượng. Ngược lại, khi nhu cầu của thị trường về loại hàng đó bị thu hẹp, giá giảm làm số lượng sản xuất ít đi.
hi thị trường không còn cần đến một hàng hóa nào đó (hoặc không bán được, hoặc chỉ bán được với mức giá rất thấp khiến người sản xuất phải thua lỗ trong dài hạn), nó sẽ phải bị đưa ra khỏi danh mục các hàng hóa được lựa chọn của những người sản xuất. Ở đây, việc “sản xuất cái gì” của những người sản xuất bị dẫn dắt bởi bàn tay vô hình của thị trường (được hình thành như kết quả tương tác của nhiều người sản xuất và tiêu dùng trên thị trường) chứ không phải do mệnh lệnh của nhà nước hay một cá nhân nào đó trong xã hội.
Trong hệ thống kinh tế thị trường tự do, thị trường cũng là yếu tố quyết định người ta phải “sản xuất như thế nào”. Khi theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, với áp lực cạnh tranh trên thị trường, những người sản xuất luôn phải cân nhắc để có thể lựa chọn được các cách thức sản xuất phù hợp, cho phép họ tối thiểu hóa chi phí. Sự lên xuống của giá cả các yếu tố sản xuất luôn tác động đến sự lựa chọn này.
Còn về đối tượng sử dụng trong nền kinh tế này, nói một cách đơn giản, thị trường luôn dành các hàng hóa cho những người có tiền, có khả năng trả tiền. Trong nền kinh tế này, một số người nào đó có thể có được phần nhiều hơn trong “chiếc bánh” mà xã hội làm ra, trong khi những người khác lại chỉ có thể nhận được những phần ít ỏi. Cách thức thị trường phân phối hàng hóa hay thu nhập cho các cá nhân trong xã hội liên quan trực tiếp đến sự vận hành của thị trường các yếu tố sản xuất. Tùy thuộc vào việc xã hội có nhu cầu như thế nào về các yếu tố sản xuất cũng như sự khan hiếm, khả năng cung ứng chúng mà giá cả các yếu tố sản xuất cao hay thấp.
Số lượng các yếu tố sản xuất mà người ta nắm giữ và giá cả của chúng trên thị trường sẽ là những nhân tố chủ yếu chi phối mức thu nhập mà mỗi người nhận được. Trong các xã hội thị trường, những người có tài năng lao động đặc biệt (sở hữu một yếu tố sản xuất đặc biệt khan hiếm) như các ca sĩ hay cầu thủ bóng đá nổi tiếng, có khả năng cung ứng ra thị trường những hàng hóa được đông đảo công chúng ưa thích (các bài hát và các show biểu diễn để người ta nghe và xem hay các trận bóng đá để những người hâm mộ thưởng thức) thường có thu nhập rất cao. Trong khi đó, những người chỉ có khả năng làm các công việc giản đơn như lau nhà, bốc vác thường phải nhận những mức lương thấp.
Hoạt động của thị trường yếu tố sản xuất, về cơ bản, quyết định quá trình phân phối thu nhập. Trên cơ sở này, thị trường quyết định phần hàng hóa hay dịch vụ mà mỗi người được hưởng trong tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ mà xã hội tạo ra.
Kinh tế hỗn hợp: Trong khi các mô hình kinh tế chỉ huy cũng như kinh tế thị trường hoàn toàn tự do ít tồn tại trên thực tế, hầu hết các nền kinh tế trong thế giới hiện nay là những nền kinh tế hỗn hợp.
Kinh tế hỗn hợp là một nền kinh tế trong đó cả thị trường và nhà nước, trong mối quan hệ tương tác lẫn nhau đều đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế cơ bản của xã hội: sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai. Trong một nền kinh tế hỗn hợp điển hình, thị trường là nhân tố chủ yếu chi phối, dẫn dắt các quyết định kinh tế của hàng triệu người sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, nhà nước cũng tham gia tích cực và có vai trò quan trọng trong việc xử lý nhiều vấn đề kinh tế của xã hội.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.