Tiêu điểm

Hiệp định CPTPP chính thức được ký kết

(VNF) - Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết tại Santiago (Chile) vào sáng 9/3 theo giờ Hà Nội. Đây là một trong những hiệp định thương mại quan trọng nhất nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Hiệp định CPTPP chính thức được ký kết

Hiệp định CPTPP chính thức được ký kết

Theo đó, 11 thành viên tham gia ký kết Hiệp định CPTPP bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam

"Chúng ta đã rất tập trung, có những nỗ lực cho mục đích rất rõ ràng và đã quyết tâm thì khi chúng ta đạt được kết quả cuối cùng, đúng như kế hoạch và mong muốn thì quả thật tâm trạng của tôi lúc này rất là dễ chịu, hài lòng và vui mừng", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ cảm nghĩ sau khi ký kết hiệp định CPTPP.

"CPTPP sẽ tạo ra một tiêu chuẩn mới đối với các hiệp định kinhh tế khu vực khác, thậm chí là cho cả các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới WTO", đại diện Bộ Ngoại giao Chile đánh giá.

Trưởng phái đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản, ông Kazuyoshi Umemoto thì cho hay, sau khi CPTPP có hiệu lực, vấn đề kết nạp thêm thành viên sẽ được bàn đến.

"Bất kỳ quốc gia nào quan tâm đến hệ thống thương mại tự do, đa phương, dựa trên luật lệ và sẵn sàng tuân thủ những quy định của CPTPP cũng đều có thể được chào đón", ông Kazuyoshi Umemoto nhấn mạnh.

Hiệp định CPTPP sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới, với một thị trường 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10,1 nghìn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới. Năm 2016, trao đổi thương mại giữa 11 nước tham gia CPTPP lên đến 356 tỷ USD.

Quang cảnh buổi lễ ký kết Hiệp định CPTPP. Nguồn: Time

Trong thông cáo chung, các bộ trưởng kinh tế thành viên CPTPP khẳng định sau lễ ký sẽ về thực hiện các thủ tục trong nước để thông qua hiệp định, làm sao đưa hiệp định vào thực thi trong thời gian sớm nhất.

Với Việt Nam, trong phiên họp Quốc hội cuối năm nay, Hiệp định CPTPP có thể sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua và đưa vào thực hiện.

CPTPP dự kiến sẽ được chính thức triển khai từ cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019. Các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ giúp định hình tương lai kinh doanh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều năm tới dù không có sự tham gia của Mỹ.

11 nước thành viên tham gia Hiệp định CPTPP.

Với việc tham gia CPTPP, GDP Việt Nam dự báo sẽ tăng thêm 1,3% và kim ngạch xuất khẩu cũng tăng thêm 4%. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế xâm nhập và tiếp cận sâu vào các thị trường bên kia Thái Bình Dương gồm Canada, Mexico và Peru. Đây là những thị trường mà Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại. CPTPP hứa hẹn về một triển vọng tích cực cho các ngành xuất khẩu mà nước ta có thế mạnh, đặc biệt là dệt may, da giày và nông thủy sản.

Hiệp định đối tác toàn diện tích cực xuyên Thái Bình Dương CPTPP được ký kết đã khẳng định: Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng trở lại ở một số nơi, nhiều quốc gian, nhiều nền kinh tế vẫn đang theo đuổi đường lối kinh tế mở cửa và hội nhập. Và Việt Nam là một quốc gia trong số đó.

Hiệp định CPTPP sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới.

Tại sự kiện ký kết CPTPP, Bộ trưởng 11 nền kinh tế cũng đã đưa ra tuyên bố chung. Tuyên bố Bộ trưởng CPTPP gồm có 4 ý chính. Thứ nhất các bên tuyên bố ký hiệp định. Thứ hai khẳng định CPTPP sẽ mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên. Thứ ba, là các Bộ trưởng khẳng định sau lễ ký sẽ về thực hiện các thủ tục trong nước để thông qua hiệp định, làm sao đưa hiệp định vào thực thi trong thời gian sớm nhất. Và ý cuối cùng của tuyên bố chung, là các Bộ trưởng CPTPP hoan nghênh tất cả các nước, các nền kinh tế quan tâm, bày tỏ ý định muốn tham gia Hiệp định CPTPP.

Sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các nước còn lại đã tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới của TPP là CPTPP. Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc với 8.000 trang và chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ, nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên.

Tin mới lên