Ngày mai 8/3, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ chính thức ký kết tại Chile.
Hiệp định này dù không có Mỹ nhưng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và các chuyên gia kinh tế, đây vẫn là hiệp định tự do (FTA) thế hệ mới với chất lượng cao, sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm trên dưới 2% GDP.
Quan trọng hơn là các lợi ích chưa tính toán được đến từ thúc đẩy cải cách thể chế trong nước để thực thi hiệp định.
GDP tăng thêm 2%
Trả lời Thanh Niên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, để CPTPP đi đến ký kết có sự đóng góp rất lớn của Việt Nam. Mặc dù đây không phải là nội dung trong chương trình nghị sự của APEC tổ chức tại TP. Đà Nẵng vào trung tuần tháng 11/2017, song với sự nỗ lực của nước chủ nhà, các quốc gia thành viên đã thảo luận và đạt được nhiều kết quả để dần đi đến đồng thuận, để rồi cùng với sự tích cực của Nhật Bản, tại hội nghị hồi tháng 1/2018 ở Tokyo, các nước thống nhất sẽ ký kết chính thức vào ngày mai (8/3) tại Chile.
Đồ họa: Du Sơn
CPTPP không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước (DNNN)...
Hiệp định này cũng đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.
Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.
Theo tính toán sơ bộ của một trung tâm thuộc Bộ KH-ĐT, hiệp định sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm trên dưới 2%. "Nhưng trên thực tế, hiệu quả tăng trưởng GDP không chỉ đến từ xuất nhập khẩu mà còn trong hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ...
Và đặc biệt, những cải cách thể chế sẽ là động lực tăng trưởng", ông Tuấn Anh nhìn nhận, đồng thời dẫn chứng: Cải cách khối DNNN nếu làm tốt thì không chỉ giải phóng nguồn lực mà còn tạo cơ hội thị trường cho các thành phần khác, nhất là trong khi ta đang chủ trương phát triển kinh tế tư nhân. Chưa kể nó giúp cho chúng ta hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường. "Lúc đó, các vận hành của Chính phủ trong các khu vực như xăng dầu, điện... sẽ có những cải cách, bước đi mạnh mẽ", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Nhiều ngành hàng tăng trưởng lớn
Trong một nghiên cứu mới đây, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới nhận định, các ngành được dự báo tăng trưởng lớn khi Việt Nam tham gia CPTPP tập trung lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, dệt may, hóa chất, thuốc lá, sản phẩm nhựa và đồ da, trang thiết bị vận tải, máy móc và các trang thiết bị khác. Xuất khẩu dự kiến tăng 4,2 - 5,3%, năng suất tăng 6,9 - 7,6%...
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng giám đốc Công ty Saigon Food, thông tin công ty tập trung sản xuất gia công và xuất khẩu thị trường chính là Nhật Bản, một trong 11 thành viên của CPTPP. Theo CPTPP, Nhật Bản cam kết xóa bỏ 86% số dòng thuế, tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này (khoảng hơn 10 tỷ USD) ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Đặc biệt, nhiều mặt hàng thủy sản, thực phẩm chế biến không được ưu tiên xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam - Nhật Bản sẽ được xóa bỏ trong CPTPP. Đây rõ ràng là cơ hội lớn. "Hiện chúng tôi luôn trong tình trạng làm không hết việc. Đã xây đến nhà máy thứ 4 nhưng tuyển lao động khó quá. Saigon Food đã có 2.000 lao động và dự kiến phải tuyển đủ 500 lao động trong năm nay để chuẩn bị cho các đơn hàng mới từ Nhật", bà Lâm nói và cho biết, cái khó là khi đã đủ người lao động lại phải ráo riết "săn" tìm quản lý. Nhân sự cao cấp cũng là thách thức lớn cho doanh nghiệp trong hội nhập.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu nông sản cũng kỳ vọng vào thị trường Mexico. Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, Mexico sẽ xóa bỏ ngay lập tức 77% dòng thuế, chiếm 36,5% kim ngạch xuất khẩu (khoảng 282 triệu USD) của Việt Nam sang nước này, trong đó có các mặt hàng gạo lứt và gạo tấm; giảm 50% thuế với cà phê Việt Nam nhập vào năm thứ 5...
Đại diện cơ sở sản xuất chế biến các mặt hàng thực phẩm từ gạo lứt HelloRice khẳng định, đây sẽ là cơ hội lớn cho nông sản chế biến của Việt Nam. Doanh nghiệp đã xuất hàng sang một số nước lân cận và cả sang Nhật. Nam Mỹ là thị trường xa song luôn hấp dẫn bởi thị trường này khá chuộng các sản phẩm được làm từ lúa gạo vùng Đông Nam Á.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, cho rằng áp lực cạnh tranh ở đây không chỉ có doanh nghiệp mà cả khu vực quản lý nhà nước. "Doanh nghiệp chỉ là 1 cỗ xe, có thể là xe cũ, hoặc có thể là Rolls Royce. Còn toàn bộ thể chế chính là con đường. Con đường bé, gập ghềnh thì có mua Rolls Royce cũng chỉ chạy ngang bằng Matiz thôi. Nhưng ngay cả khi pháp chế tốt rồi mà người vận hành không tốt, con đường dày đặc barie thì doanh nghiệp sẽ mua Matiz chứ không mua Rolls Royce. Vì chạy đằng nào cũng bằng nhau. Cho nên ở đây là áp lực với cả ba thành tố", ông Trường ví von.
Cải cách để tận dụng cơ hội
Trả lời Thanh Niên, TS Trần Toàn Thắng (Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia thuộc Bộ KH-ĐT - đơn vị trực tiếp thực hiện đánh giá tác động của CPTPP) cho rằng, về cải cách thể chế liên quan đến một hiệp định thông thường có 2 dạng liên quan.
Một là hiệp định quy định bắt buộc phải thế này và nước tham gia buộc thay đổi theo. Hai là không quy định nhưng cần phải thay đổi để hạn chế nhập khẩu, tăng năng lực cạnh tranh nội địa hay muốn chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu…
"Với TPP hay CPTPP thì áp lực là theo kiểu thứ 2, tức đòi hỏi cần cải cách cao hơn để tận dụng cơ hội chứ theo kiểu bắt buộc cải cách vì hiệp định quy định thế là có không nhiều", TS Thắng phân tích và nêu ví dụ: Như chương về lao động, trước nay vẫn có ý kiến rằng chương này sẽ buộc chúng ta phải thay đổi nhiều, nhưng thực ra chỉ lặp lại trong cam kết của chúng ta với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), và bây giờ phải thực hiện chứ quy định bắt buộc tăng thêm không nhiều. Tương tự, với DNNN chẳng hạn, đòi hỏi tiên quyết nhất trong CPTPP là phải hoạt động trên nguyên tắc thị trường, điều này hoàn toàn trùng với mục tiêu cải cách cũng như khuôn khổ luật pháp của chúng ta vẫn nói như thế.
Tuy nhiên, ông Thắng nhấn mạnh, áp lực cải cách để tận dụng cơ hội, để đạt được lợi ích từ CPTPP là động lực để chúng ta thay đổi, điều mà chúng ta không làm tốt sau khi gia nhập WTO.
"Ngay câu chuyện để GDP tăng thêm khi tham gia CPTPP cũng đi kèm điều kiện là chúng ta phải tự do hóa nguồn lực, ví dụ để đặt mức tăng trưởng 1,3% GDP hoặc tăng trưởng xuất khẩu 4,6% hay nhập khẩu 5,6% đòi hỏi ta phải tự do hóa thị trường các yếu tố sản xuất", ông Thắng nói thêm.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận sau khi đàm phán thành công và ký kết, thách thức hội nhập mới trở thành hiện thực đúng nghĩa. "Trong đàm phán, cái cần chủ yếu là năng lực đàm phán. Còn đàm phán xong, mới cần đến năng lực thực thi, năng lực hội nhập thực tế. Mà đó chính là cái ta yếu và thiếu, do vậy vẫn còn nhiều việc phải làm", ông Thiên bày tỏ.
Theo chuyên gia này, vấn đề mấu chốt là phải tích cực chuẩn bị các năng lực thực thi để tuân thủ và năng lực vận hành để đáp ứng các điều kiện khắt khe, đòi hỏi rất cao của một hiệp định được coi là tiến bộ nhất.
"Vấn đề năng lực bộ máy, năng lực con người, hệ thống luật lệ, chính sách và cơ chế bảo đảm sự tương thích, nguồn nhân lực, lực lượng doanh nghiệp. Đó là khối lượng công việc rất lớn và phức tạp, với những chất lượng rất mới. Nghĩa là phải hành động theo tư duy đổi mới mạnh mẽ, với tinh thần cải cách cơ cấu triệt để và xây dựng thể chế vượt trội", ông Thiên nói thêm.
Kết quả của sự chủ động hội nhập quốc tế
Đây là kết quả của sự chủ động hội nhập quốc tế. Thể hiện được rõ vai trò trong chiến lược đối ngoại của Việt Nam, đóng góp xứng đáng, được các quốc gia khác thừa nhận, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang manh nha quay trở lại.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone