Hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa phải đảm bảo sự phù hợp, khả thi

Khánh Nam - 12/11/2024 09:37 (GMT+7)

(VNF) - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã có buổi làm việc với Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp về việc sửa đổi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Nghị định 55)

Báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp về vấn đề sửa đổi Nghị định 55, Phó Cục trưởng Cục phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa cho biết, qua đánh giá thực tiễn triển khai Nghị định 55 của các bộ, ngành, địa phương, cũng như tổng hợp các ý kiến phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, tổ chức đại diện doanh nghiệp thông qua một số hội thảo, tọa đàm về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, đơn vị nhận thấy các quy định tại Nghị định 55 hiện còn có những bất cập, hạn chế khiến các doanh nghiệp, tổ chức đại diện của doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ này từ Nhà nước.

Song song đó, trong bối cảnh mới, cùng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đề ra, yêu cầu cần bổ sung, điều chỉnh các quy định của pháp luật nhằm thực hiện tốt hơn vai trò hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp phòng tránh rủi ro pháp lý, bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: VGP)

Để khắc phục bất cập, hạn chế và bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV được triển khai thực chất, hiệu quả theo yêu cầu của các Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023; Nghị quyết 66/NQ-CP ngày 9/5/2024, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đề xuất sửa đổi, bổ sung toàn diện Nghị định 55 với một số nhóm vấn đề như: Quy định chung; quy định về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; quy định về mạng lưới tư vấn viên pháp luật; quy định về định mức, trình tự, thủ tục hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật cho DNNVV; quy định về cơ chế, chính sách đặc thù về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV tại vùng sâu, vùng xa, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo có tác động xã hội; quy định về tổ chức thực hiện…

Lãnh đạo Cục phổ biến, giáo dục pháp luật tại buổi làm việc (Ảnh: VGP)

Các đại biểu tham dự buổi làm việc cũng nhất trí cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 55 là hết sức cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung này cần bám sát nội dung, định hướng của Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.

Đồng thời, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cần nghiên cứu thêm về cơ chế tăng cường trách nhiệm tham gia các chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV (bên cạnh cơ quan quản lý nhà nước là các bộ, ngành, địa phương thì cần phát huy vai trò của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, nhất là DNNVV; Liên Đoàn Luật sư; Đoàn Luật sư tại các địa phương...); cần thống nhất với Bộ Tài chính trong quá trình nghiên cứu sửa đổi thủ tục thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ tư vấn pháp luật...

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao kết quả nghiên cứu ban đầu của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời đề nghị đơn vị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, gói gọn các nhóm vấn đề và đánh giá nhằm đảm bảo sự phù hợp, tính khả thi của việc sửa đổi Nghị định 55.

Mặt khác, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cần tiếp tục rà soát các quy định về mạng lưới tư vấn viên pháp luật, nhóm quy định về tổ chức thực hiện; bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách, tập trung ưu tiên hỗ trợ một số đối tượng doanh nghiệp (doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp tạo tác động đến xã hội...); tham khảo, nghiên cứu mô hình từ các đơn vị đi trước để áp dụng về định mức, trình tự, thủ tục hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật cho DNNVV…

Cùng chuyên mục
Tin khác