Nhiều ý kiến đóng góp về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024

Khánh Nam - 07/11/2024 14:02 (GMT+7)

(VNF) - Trong năm 2024, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Bộ Tư pháp đã triển khai nhiều chương trình hội thảo, ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự tại địa phương

Phổ biến Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV trên địa bàn cả nước

Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp Lê Vệ Quốc cho biết vấn đề hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ pháp lý cho DNNVV nói riêng đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu đối với cộng đồng doanh nghiệp bởi những rủi ro pháp lý vẫn luôn tồn tại khi doanh nghiệp tham gia thị trường kinh doanh.

Bởi vậy, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV ra đời với sứ mệnh vô cùng quan trọng trong việc cung cấp thông tin, định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, trang bị kỹ năng ứng phó với rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là DNNVV, từ đó, giúp doanh nghiệp hoạt động, phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững, lâu dài.

Cục trưởng Cục phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp Lê Vệ Quốc phát biểu tại một hội thảo triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV

Trong năm 2024, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp đã tiến hành nhiều cuộc hội thảo trên địa bàn cả nước nhằm thông tin rộng rãi về việc triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV, đồng thời lấy ý kiến hoàn thiện hỗ trợ pháp lý, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, từ đó đưa ra các đề xuất về giải pháp có tính chất đột phá nhằm hoàn thiện chính sách trong thực hiện công tác này.

Phó cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp Ngô Quỳnh Hoa cho hay, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đã ban hành nhiều thể chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV.

Tuy nhiên, hiện nay, các DNNVV vẫn gặp khó khăn, thách thức trong tiếp cận hệ thống pháp luật, nguồn lực con người, kinh phí. Các doanh nghiệp chưa tập trung cho vấn đề phòng ngừa rủi ro mang tính chất pháp lý; chưa tập trung sử dụng quy định pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp mặc dù có nhiều cố gắng, nỗ lực tuy nhiên hiệu quả, phạm vi, tác động đến doanh nghiệp còn hạn chế.

Phó cục trưởng Ngô Quỳnh Hoa mong muốn các đại biểu trao đổi, thảo luận thẳng thắn về những khó khăn mà các DNNVV gặp phải, nhu cầu của doanh nghiệp trong việc tiếp cận pháp luật; đề xuất, mong muốn của doanh nghiệp.

Quang cảnh hội thảo

Đánh giá cao ý kiến đại biểu tại các địa phương, hoàn thiện hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV

Ông Dương Phong Hòa, Phó Viện trưởng Viện đổi mới công nghệ sáng tạo, Hiệp hội Da - Giày – Túi xách Việt Nam nêu lên vướng mắc trong quy trình xuất nhập khẩu tại chỗ, vướng mắc ở thủ tục hoàn thuế đồng thời bày tỏ mong muốn có chương trình chuyên đề riêng để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này.

Nêu ý kiến tâm huyết, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân chia sẻ, qua tổng hợp các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp cho thấy hiện nay doanh nghiệp còn thiếu các thông tin, thiếu các hướng dẫn cụ thể trong quá trình áp dụng pháp luật, trong khi trên thực tế đang tồn tại rất nhiều kênh thông tin pháp luật.

“Trong quá trình xây dựng, triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp cần lựa chọn những vấn đề pháp lý ảnh hưởng đến quyền lợi sát sườn của doanh nghiệp, biên tập từ ngôn ngữ pháp lý thành ngôn ngữ doanh nghiệp hiểu được, phải chọn những vấn đề nóng, ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng tới doanh nghiệp, đồng thời, tập trung ưu tiên sử dụng đội ngũ tư vấn viên pháp luật cho các khu vực thực sự cần hỗ trợ về mặt pháp lý để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chương trình”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy nói.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thủ, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phát biểu tại hội thảo khu vực phía Nam

Đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam, ông Lê Anh Văn – Trưởng ban Pháp chế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực của Hiệp hội trình bày quan điểm ủng hộ và cơ bản nhất trí với dự thảo kế Koạch triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 của Bộ Tư pháp.

Bên cạnh đó, ông đề nghị Bộ xem xét giảm bớt các diễn đàn lớn, mang tính truyền thông mà tập trung tổ chức các diễn đàn thường xuyên, tập trung vào các vấn đề hẹp, cấp thiết cho các doanh nghiệp ở các khu vực nhất định, có thể tham khảo mô hình Trung tâm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp của Hàn Quốc để xây dựng, vận hành đội ngũ cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý pháp lý cho DNNVV.

Còn theo ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, Nghị định 55 có công nhận mạng lưới tư vấn viên pháp lý nhưng 5-7 năm qua, doanh nghiệp vẫn không biết ai là tư vấn viên, nhóm nào, ở đâu để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

"Tới thời điểm này, trên địa bàn ở Đồng Nai không biết ai nằm trong mạng lưới tư vấn viên của tỉnh thực hiện theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp, bởi không có sở ngành nào công bố, ví dụ như Sở Kế hoạch - Đầu tư hay tổ chức nào đó công bố ai là tư vấn viên pháp lý; hoặc có công bố mà không thông tin cho Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nên chúng tôi không biết. Đây là khúc mắc về sự phối hợp của các sở, ngành và các tổ chức hội nghề nghiệp", ông Nguyện nói.

Một số doanh nghiệp cũng kiến nghị, trong quá trình triển khai các chương trình hỗ trợ cần lựa chọn những vấn đề pháp lý nóng, ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng tới doanh nghiệp như: pháp luật về đất đai, tín dụng, thuế, chuyển đổi xanh…

Cục trưởng Lê Vệ Quốc ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu tại các cuộc hội thảo. Theo Cục trưởng, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các Hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp cùng các chuyên gia để triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, đồng thời, có giải pháp tham mưu cho cấp có thẩm quyền đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng, củng cố đội ngũ tư vấn viên của Chương trình một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, xứng đáng là một đội quân tinh nhuệ đáp ứng được yêu cầu về tư vấn pháp lý của doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung vươn mình qua cửa Thuận An

Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung vươn mình qua cửa Thuận An

(VNF) - Cầu vượt qua cửa biển Thuận An đang dần được hoàn thành, trên vùng cửa biển mênh mông, cây cầu và tuyến đường nổi lên như 1 nét chấm phá tuyệt đẹp. Công trình cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy phát triển vùng ven biển Thừa Thiên Huế. Xin giới thiệu những hình ảnh mới nhất về cầu vượt biển dài nhất miền Trung của tác giả Minh Tú tham dự cuộc thi 'Đánh thức những miền đất'.