Hoàn thiện pháp lý chuyển đổi số: Doanh nghiệp Fintech cần có tiếng nói chung

Khánh Nam - 07/05/2023 09:26 (GMT+7)

(VNF) - Tạp chí Đầu tư Tài chính có cuộc trò chuyện với ông Dương Quốc Anh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xung quanh việc làm thế nào để Việt Nam thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

VNF

- Nhiều ngân hàng hiện nay rất chật vật để số hoá, ông có thể phân tích kỹ hơn về thực trạng này?

Đúng vậy, có 3 thách thức. Thứ nhất là khó khăn về nhân lực, vì để số hóa đòi hỏi phải có một lực lượng cán bộ giỏi về công nghệ thông tin (CNTT) và cũng phải hiểu biết tài chính, ngân hàng.

Thứ hai, chi phí đầu tư và vận hành số hóa rất lớn, thống kê sơ bộ đối với 10 ngân hàng lớn đang số hóa mạnh mẽ cho thấy các ngân hàng này chi khoảng 15.000 tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động số hóa, tức trung bình mỗi ngân hàng chi khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. Hiện Việt Nam có hơn 30 ngân hàng nên khoảng 20 ngân hàng khó theo kịp chi phí này.

Thứ ba rất quan trọng chính là vấn đề pháp lý. Chính phủ đã có Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử (eKYC) phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Riêng Ngân hàng Nhà nước cũng có Quyết định 810/2021, phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ qua eKYC, ban hành tiêu chuẩn chung về thẻ chip, QR Code, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo trình cho Quốc hội sửa Luật Giao dịch điện tử 2005.

Vậy nhưng các quy định cho số hóa trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng vẫn chưa rõ ràng, chưa đồng bộ. Một số quy định về thủ tục, quy trình đang tồn tại nghịch lý là dù số hóa nhưng vẫn yêu cầu giao dịch trực tiếp, bên cạnh đó, chưa có nguồn dữ liệu xác định khách hàng qua kho dữ liệu dân cư. Các quy định về hợp đồng điện tử, chữ ký số, tài sản số chưa bắt kịp với quá trình chuyển đổi số. Các quy định liên quan đến tố tụng, sở hữu trí tuệ chưa rõ ràng. Ngoài ra còn thiếu các quy định về bảo mật thông tin khách hàng, trong bối cảnh vừa qua, các vụ lộ lọt thông tin đã khiến cho nhiều người dân lo lắng.

- Hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng có 3 xu hướng: Các ngân hàng áp dụng công nghệ số để tự cải tiến quy trình; các công ty công nghệ tài chính (Fintech), các công ty công nghệ thông tin lớn (Bigtech) tham gia cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính; và xu hướng xây dựng ngân hàng số hoàn toàn. Vậy Việt Nam nên đi theo hướng nào, thưa ông?

Trước đây, một ngày chỉ có khoảng 50.000 giao dịch thanh toán qua ngân hàng, hiện nay lên đến 8 triệu giao dịch/ngày, với giá trị giao dịch lên đến 40 tỷ USD. Các ngân hàng và trung tâm thanh toán kết nối liên thông, tốc độ giao dịch nhanh, chi phí thấp, nhờ đó gần như miễn phí dịch vụ. Cùng với ngân hàng, Fintech phát triển rất nhanh và hiện đã có những công ty rất lớn. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có ngân hàng số và Ngân hàng Nhà nước chưa có định hướng cấp phép cho ngân hàng số đúng nghĩa.

Câu chuyện tại Việt Nam là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng như thế nào và làm sao để các ngân hàng, Fintech tận dụng được các thành quả của công nghệ số.

Ở Việt Nam hiện nay có hơn 30 ngân hàng thương mại thì lĩnh vực được số hoá mạnh mẽ nhất là hoạt động thanh toán, trong đó cũng chủ yếu tập trung vào 10 ngân hàng lớn, trong đó 3-4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, còn lại là một số ngân hàng thương mại cổ phần. Khoảng 20 ngân hàng còn lại đang rất khó khăn trong việc số hoá các hoạt động của mình.

Trong khi đó, thực trạng hiện nay là 72% doanh nghiệp Fintech đang có các hoạt động phối hợp với ngân hàng. Theo tôi, hướng phát triển tốt nhất là khuyến khích hoạt động liên kết, hợp tác giữa Fintech với ngân hàng để triển khai số hoá hoạt động.

Ông Dương Quốc Anh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

- Ông từng nhận định việc hoàn thiện pháp lý để chuyển đổi số nhanh trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng trong môi trường số hoàn toàn là rất khác biệt với các quy định pháp lý truyền thống. Vậy ông có khuyến nghị gì để đẩy nhanh tốc độ quá trình hoàn thiện pháp lý?

Việc ban hành các quy định pháp lý cho hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) bao giờ cũng đòi hỏi 3 nguyên tắc: (i) Chặt chẽ, rõ ràng về pháp lý, (ii) tạo ra sự bình đẳng giữa các bên tham gia hoạt động, và (iii) tương xứng giữa mức độ rủi ro với các yêu cầu về mặt pháp lý. Nhưng trong điều kiện công nghệ số phát triển nhanh và khó lường như ngày nay thì 3 nguyên tắc này rất khó áp dụng.

Các quốc gia phải yêu cầu các bộ ngành cùng đại diện của ngành công nghệ tài chính, tức là các Fintech, các chuyên gia, phải trao đổi một cách cởi mở với nhau để hiểu đầy đủ các nội dung, nhất là khả năng phát sinh rủi ro cũng như các giải pháp phòng ngừa rủi ro nếu có.

Khi chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, chưa xác định rõ được rủi ro, đứng trước yêu cầu cần tạo điều kiện cho hoạt động đổi mới, sáng tạo của các Fintech thì các quốc gia phải ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với những sản phẩm mới này.

Trong khi đó, ở Việt Nam vừa qua, trong quá trình soạn thảo và thông qua cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho các Fintech tham gia vào việc cung cấp một số các dịch vụ tài chính, ngân hàng, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nhận được rất nhiều yêu cầu của các bên có liên quan rằng phải cho biết trước các rủi ro có thể phát sinh và cơ chế kiểm soát. Vấn đề là chúng ta chưa biết rủi ro là gì nên mới cần cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Vì vậy, tôi đề nghị các doanh nghiệp Fintech cần ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung, thay vì để một mình cơ quan chủ trì đi giải trình với các bộ ngành và các bên có liên quan. Tôi rất mong các Fintech thành lập hiệp hội có tiếng nói chung và tham gia quá trình xây dựng các văn bản pháp luật, từ đó giải trình cho các cơ quan quản lý để họ có thể hiểu được. Trong bối cảnh này đừng ngồi im chờ đợi cơ quan quản lý làm cho mình vì sẽ rất lâu.

- Nhiều người bày tỏ lo lắng liên quan tới việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ tài chính. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Làm sao để người tiêu dùng yên tâm sử dụng dịch vụ tài chính, ngân hàng số?

Muốn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính thì phải có cơ quan quản lý riêng. Ví dụ, liên quan đến ngân hàng thì có cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng. Liên quan đến bảo hiểm, chứng khoán hay các dịch vụ tài chính khác, cũng phải có cơ quan bảo vệ người tiêu dùng. Khi các doanh nghiệp đưa sản phẩm cho người tiêu dùng, họ cũng phải hình dung được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là như thế nào.

Thực tế tại Việt Nam hiện nay, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính có liên quan đến 4 cơ quan là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, các cơ quan này đều chưa có bộ phận chuyên trách cũng như các quy trình quản lý cụ thể để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Hơn nữa, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trên cũng chưa rõ ràng và thiếu ràng buộc, vì vậy việc xử lý các xung đột lợi ích xảy ra khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính vẫn khá lúng túng.

Do đó, cần thiết xây dựng quy định riêng về bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong hoạt động của các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, cần thành lập các cơ quan chuyên trách và thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan này với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng như Hội Bảo vệ người tiêu dùng nhằm bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Hà Nội gọi đầu tư 6 dự án khu đô thị hơn 34.000 tỷ tại Đông Anh

Hà Nội gọi đầu tư 6 dự án khu đô thị hơn 34.000 tỷ tại Đông Anh

(VNF) - Hà Nội kêu gọi đầu tư 6 khu đô thị tại huyện Đông Anh bằng hình thức đấu thầu rộng rãi. Tổng mức đầu tư của 6 dự án là 34.585 tỷ đồng.

SJC xin từ bỏ vị thế độc quyền, ngân hàng trông chờ 'đũa thần' TT02

SJC xin từ bỏ vị thế độc quyền, ngân hàng trông chờ 'đũa thần' TT02

(VNF) - NHNN quyết định thanh tra kinh doanh vàng. Tổng giám đốc SJC muốn bỏ độc quyền vàng miếng vì 'không được hưởng lợi gì'. NHNN đề xuất gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa. Đó là những thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

'Một tiền đề và ba điều kiện' để huy động 170 tỷ USD trái phiếu DN

'Một tiền đề và ba điều kiện' để huy động 170 tỷ USD trái phiếu DN

(VNF) - Sau những lùm xùm vừa qua, thị trường TPDN vẫn đang đi ngang. Để thị trường thực sự phát triển theo đúng tiềm năng, ông Trần Lê Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam VIS Rating cho rằng cần phải thực hiện được "một tiền đề và ba điều kiện".

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành thanh tra thị trường vàng ngay trong tháng 5

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành thanh tra thị trường vàng ngay trong tháng 5

(VNF) - Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra thị trường vàng và hoàn thành trong tháng 5/2024.

Thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm, vẫn băn khoăn hỏi cách 'tiêu' tiền

Thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm, vẫn băn khoăn hỏi cách 'tiêu' tiền

(VNF) - Ngoài những trường hợp thu nhập thấp đăng đàn trên các nhóm về tài chính nhờ chỉ bảo cách chi tiêu và tiết kiệm. Bất ngờ, có không ít những dòng trạng thái thu nhập cả tỷ đồng/năm, nhưng không biết chi tiêu sao cho hợp lý. Có người sẵn sàng đưa lời khuyên, ngược lại không ít thông tin cho rằng “khoe mẽ”.

Cùng Đạt Phương trúng dự án 470 tỷ, 'soi' lịch sử thắng thầu của Đầu tư xây dựng Minh Tuấn

Cùng Đạt Phương trúng dự án 470 tỷ, 'soi' lịch sử thắng thầu của Đầu tư xây dựng Minh Tuấn

(VNF) - Công ty cổ Tập đoàn Đạt Phương (Hà Nội) và Tổng công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn (Thanh Hoá) là Liên danh nhà thầu duy nhất tham dự thầu gói thầu 16 thuộc Dự án Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường hai đầu cầu thuộc tuyến Đại lộ Đông Tây, TP. Thanh Hóa và trúng thầu với giá 470,148 tỷ đồng.

Trông chờ một tuần chứng khoán vượt đỉnh

Trông chờ một tuần chứng khoán vượt đỉnh

(VNF) - Còn nhiều dư địa để dòng tiền tiếp tục đẩy vào thị trường chứng khoán, đưa chỉ số VN-Index dễ dàng vượt đỉnh hơn, hay nói theo cách ví von, tàu càng nhẹ thì càng dễ vượt sóng.

TT Putin tới Trung Quốc, Triều Tiên lại phóng tên lửa

TT Putin tới Trung Quốc, Triều Tiên lại phóng tên lửa

(VNF) - Trong tuần vừa qua, vụ việc Thủ tướng Slovakia bị ám sát đã thu hút sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc hay việc Triều Tiên phóng tên lửa cũng là những sự kiện nổi bật.

Cho vay trực tuyến: Đợi một hành lang pháp lý để bùng nổ

Cho vay trực tuyến: Đợi một hành lang pháp lý để bùng nổ

(VNF) - Cùng với xu hướng chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, hoạt động cho vay qua nền tảng trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều ngân hàng. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng, hoạt động cho vay trực tuyến vẫn đang đợi một hành lang pháp lý đầy đủ hơn để có thể bùng nổ trong thời gian tới.

Quốc hội họp bầu Chủ tịch nước, chưa miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an

Quốc hội họp bầu Chủ tịch nước, chưa miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an

Sáng 19/5, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Cảnh sắc Mã Pí Lèng

Cảnh sắc Mã Pí Lèng

(VNF) - Mã Pì Lèng là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km đi qua 3 xã thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Từ lâu, nơi đây được coi là đệ nhất danh đèo của Việt Nam, là một trong "tứ đại đỉnh đèo" bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ và Pha Đin. Cùng ngắm vẻ đẹp hùng vĩ của tuyến đường đèo này qua ống kính của nhiếp ảnh gia Thanh Hải.