'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Năm 2004, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM Motor) có kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Thanh Hoá. Thời điểm đó, lãnh đạo VEAM Motor tiến hành mua nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô cũ của Tập đoàn Samsung tại Hàn Quốc để chuyển về Việt Nam, sau khi Samsung lâm vào khủng hoảng tài chính năm 1997.
Thời điểm VEAM trúng thầu mua nhà máy sản xuất ô tô tải của Samsung, nhà máy đã dừng hoạt động 5 năm (2000). Và đến khi hoàn tất quá trình bốc dỡ, di chuyển về Việt Nam, đi vào hoạt động, cho ra sản phẩm đầu tiên (2009-2010), dây truyền của nhà máy nói trên đã không hoạt động gần 10 năm. Tuy nhiên, lãnh đạo VEAM khi đó khẳng định, nhà máy này của Samsung tại Hàn Quốc được đầu tư bài bản, có chuyển giao công nghệ của Tập đoàn Nissan (Nhật Bản), đã từng sản xuất xe tải nhẹ và xe tải nặng xuất khẩu.
Cụ thể, nhà máy này có Trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) với các phòng thí nghiệm ô tô, động cơ ô tô, sức bền vật liệu,... và các dây chuyền sản xuất chính như sơn tĩnh điện, sơn phủ; hàn ca bin; lắp ráp động cơ xe tải nhẹ và xe tải nặng; lắp ráp hộp số; lắp nội thất xe; dây chuyền dập chi tiết thân xe,... được đầu tư đồng bộ và rất hiện đại, với tất cả thiết bị của nhà máy đều được chế tạo vào những năm 1995, 1996, 1998... tại Nhật, các nước G7 và Hàn Quốc.
Vào tháng 7/2004, VEAM tiến hành lễ khởi công xây dựng Nhà máy ô tô tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Theo kế hoạch, VEAM sẽ vận chuyển nhà máy ô tô từ Hàn Quốc chuyển về Việt Nam lắp ráp, cho sản xuất sau 18 tháng. Mục tiêu ban đầu Nhà máy này sẽ sản xuất các dòng xe tải nhẹ (dưới 1 tấn) công suất 25.000 xe/năm, dựa trên công nghệ gốc của Samsung; xe tải trung và nặng (dưới 10 tấn) 5.000 xe/năm, dựa trên chuyển giao công nghệ của Daewoo; xe khách 3.000 xe/năm, dựa trên chuyển giao công nghệ của Yutong (Trung Quốc). VEAM đặt mục tiêu nội địa hóa đạt 30%, giá bán xe sẽ thấp hơn xe nhập khẩu và một số loại xe lắp ráp trong nước.
Việc chuyển dây chuyền từ Hàn Quốc về Việt Nam gặp nhiều vướng mắc, phải đến năm 2008 (sau gần 4 năm triển khai dự án), quá trình chuyển dây chuyền này về Việt Nam mới hoàn tất. Năm 2009 - 2010, nhà máy của VEAM hoàn thiện, đi vào sản xuất những chiếc xe đầu tiên.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, lắp ráp không đạt mục tiêu đề ra, VEAM chỉ đạt sản lượng hơn 3.000 xe/năm. Sản lượng thấp, không đạt hiệu quả tài chính nên từ khi hoạt động Nhà máy ô tô VEAM tại Thanh Hoá luôn trong tình trạng bất ổn do thua lỗ. Hàng năm công ty mẹ của VEAM vẫn phải rót tiền để duy trì hoạt động.
Tại Kết luận Thanh tra số 3202/KL-BCT của Bộ Công Thương về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại Tổng công ty máy động lực và Máy nông nghiệp - CTCP, Bộ Công Thương khẳng định, trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda...) mang lại.
Kết luận thanh tra nêu rõ, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót. Cụ thể, có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ… gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước.
Bộ Công Thương đã yêu cầu VEAM, các đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các nội dung Kết luận Thanh tra. Đồng thời, tiếp tục chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế.
Theo kết luận Thanh tra của Bộ Công Thương và báo cáo của VEAM, đến 31/12/2018, tổng vốn đầu tư VEAM chuyển cho dự án nhà máy ô tô này lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng lỗ luỹ kế lớn. Cụ thể, tính đến hết tháng 12/2013, công ty mẹ của VEAM đã chuyển hơn 1.200 tỷ đồng vào Nhà máy ô tô VEAM tại Thanh Hoá; năm 2015 là 194 tỷ đồng, đến hết tháng 12/2018, tổng vốn mà công ty mẹ VEAM đưa vào nhà máy ô tô VEAM lên đến hơn 2.600 tỷ đồng, hàng tồn kho là 2.950 xe. Dù số vốn đầu tư nhà máy này lớn, song nhà máy ô tô của VEAN nhiều năm lỗ, hết tháng 12/2018, số lỗ luỹ kế là hơn 343 tỷ đồng.
Hơn 2.000 chiếc xe nằm phơi nắng mưa của VEAM tại Thanh Hoá là hàng tồn từ nhiều năm trước không bán được hàng. Mặc dù phía VEAM đã tổ chức 4 lần bán đấu giá, nhưng đến nay không có kết quả mà tài sản ngày càng mất đi.
Cụ thể, vào tháng 11/2021, VEAM tổ chức bán đấu giá gần 2.300 xe cũ này, giá khởi điểm gần 972 tỷ đồng, nhưng không thành công. Tháng 12/2021, VEAM thông báo đấu giá lần 2 với 2.260 chiếc xe, đơn giá hơn 962 tỷ đồng, nhưng cũng không ai mua. Đến tháng 2/2022, VEAM thông báo đấu giá lần 3 với hơn 2.200 xe, giá khởi điểm hơn 931 tỷ đồng và tình cảnh cũng tương tự.
Tháng 8/2023, VEAM thông báo đấu giá lần 4 cho hơn 2.100 chiếc xe, giá khởi điểm chỉ còn hơn 626 tỷ đồng, song cũng không khách hàng nào chào mua, dù giá đấu đã giảm rất mạnh.
Tại Báo cáo đại hội cổ đông năm 2022 của VEAM cho biết, đơn vị này đã đấu giá 4 lần số xe tồn kho tại VEAM ở Thanh Hoá song không thành công, trong kế hoạch sẽ tiếp tục triển khai đấu giá lần thứ 5, để tiêu thụ số xe tồn kho nói trên.
Chỉ sau 3 năm, trải qua 4 lần đấu giá bất thành, số xe tồn đọng của VEAM không chỉ han gỉ thêm mà còn bị mất giá nhanh. Cụ thể, trong lần đầu đấu giá vào tháng 11/2021, mỗi chiếc xe của VEAM có giá hơn 422 triệu đồng nhưng đến lần thứ 4, vào tháng 8/2023, giá mỗi chiếc xe của VEAM chỉ còn khoảng 298 triệu đồng/chiếc. Khối tài sản hơn 2.000 xe của VEAM trong lần đầu đấu giá là gần 1.000 tỷ đồng, nhưng sau 3 năm bán không ai mua... đã "bốc hơi" hơn 340 tỷ đồng, chỉ còn nguyên giá chào bán hơn 626 tỷ đồng.
Như vậy, bình quân mỗi chiếc xe của VEAM mất giá khoảng 29%, tương đương 124 triệu đồng sau 3 năm. Và nếu không có giải pháp xử lý lô hàng hơn 2.000 chiếc xe nói trên, nguy cơ các mẫu xe phơi nắng mưa này có thể sẽ trở thành đống sắt vụn, vô giá trị với tài sản trăm tỷ của Nhà nước mất không ngày càng hiện hữu.
Như Dân Việt đưa tin, vào tháng 8/2023, trong Báo cáo giám sát tài chính năm 2022 đối với 8/11 doanh nghiệp trực thuộc của Bộ Công Thương, Bộ này đề nghị chuyển giao nguyên trạng tất cả doanh nghiệp thuộc Bộ sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, trong đó có VEAM.
Theo Bộ Công Thương, tổng doanh thu của VEAM năm 2022 đạt 6.455 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của tổng công ty đạt 533 tỷ đồng. Số còn lại hơn 5.918 tỷ đồng doanh thu đến từ hoạt động tài chính (chiếm 91,68% tổng doanh thu). Tổng lợi nhuận sau thuế của VEAM lên tới 5.624 tỷ đồng, vượt kế hoạch 25%.
Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh rằng, lợi nhuận chủ yếu đến từ phần lãi được chia tại công ty liên doanh Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam. Trong khi đó, VEAM vẫn còn nhiều tồn tại từ các năm trước chưa được giải quyết, xử lý, hoạt động sản xuất của công ty mẹ chưa đạt hiệu quả theo kế hoạch đề ra.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.