Tiêu điểm

Hơn 70% đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến Quốc hội là nặc danh, không rõ nội dung

(VNF) – Ban Dân nguyện (trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho hay có tới 72,62% số đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến Quốc hội là đơn trùng lặp, đơn nặc danh, mạo danh, khuyết danh, đơn không rõ nội dung.

Hơn 70% đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến Quốc hội là nặc danh, không rõ nội dung

Hơn 70% đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến Quốc hội là nặc danh, không rõ nội dung (ảnh minh họa)

Theo Ban Dân nguyện, trong kỳ báo cáo, Quốc hội nhận được tổng số 43.324 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (tăng 469 đơn so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, trong đó có tới 31.460 đơn trùng lặp (công dân gửi nhiều lần qua nhiều năm, gửi nhiều cơ quan), đơn nặc danh, mạo danh, khuyết danh, đơn không rõ nội dung…(chiếm 72,62%).

Sau khi nghiên cứu xem xét, cơ quan của Quốc hội, Ban của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã chuyển 6.968 đơn đủ điều kiện xử lý tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đạt tỷ lệ 58,73% (giảm so với cùng kỳ 153 văn bản chuyển); sau khi chuyển, đã nhận được 4.226 văn bản trả lời, đạt tỷ lệ 60,65% (tăng so với cùng kỳ 635 văn bản).

Dù vậy, đến kỳ báo cáo vẫn còn 2.742 vụ việc đã chuyển chưa nhận được văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền (chiếm 39,35%).

Theo đánh giá của Ban Dân nguyện, công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được Quốc hội tiếp tục quan tâm; các cơ quan đã xử lý nhiều đơn và chuyển nhiều đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; một số đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã có cách làm sáng tạo để giải quyết sự việc.

Song nhìn chung, việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo hiện chủ yếu vẫn là nghiên cứu, phân loại, chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và yêu cầu báo cáo kết quả giải quyết. Có trường hợp chưa nghiên cứu kỹ đơn và tài liệu kèm theo, việc chuyển đơn còn hình thức; việc theo dõi, đôn đốc cơ quan có thẩm quyền giải quyết chưa thường xuyên nên hiệu quả chưa cao.

Việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn đai biểu Quốc hội chuyển đến còn chưa được quan tâm đúng mức, chưa kịp thời.

Việc trả lời giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền còn chậm, nội dung thiếu cụ thể. Nhiều trường hợp trả lời còn hình thức như: đã nhận được đơn và đang trong quá trình giải quyết hoặc trả lời chung là đã hết thời hiệu, hết thẩm quyền, không có căn cứ xem xét lại trong khi vụ việc có nhiều nội dung chưa được xem xét thỏa đáng.

“Có những việc đã được giải quyết nhưng cơ quan giải quyết không thông báo kết quả cho các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội nên gặp khó khăn trong việc tổng hợp, theo dõi và trả lời cho người dân”, báo cáo của Ban Dân nguyện cho hay.

Tin mới lên