Tài chính

Hợp nhất Mộc Châu Milk có thể giúp thị phần Vinamilk tăng 2,2-2,5%/năm trong 3-5 năm tới

(VNF) - Nhờ hợp nhất Mộc Châu Milk, trong kịch bản tích cực, VCBS kỳ vọng thị phần của Vinamilk sẽ tăng trung bình khoảng 2,2-2,5%/năm trong giai đoạn 3-5 năm tới.

Hợp nhất Mộc Châu Milk có thể giúp thị phần Vinamilk tăng 2,2-2,5%/năm trong 3-5 năm tới

Hợp nhất Mộc Châu Milk có thể giúp thị phần Vinamilk tăng 2,2-2,5%/năm trong 3-5 năm tới

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) vẫn duy trì với doanh thu thuần quý I/2020 tăng trưởng 7,3% nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh với Công ty Cổ phần GTNFoods (HoSE: GTN) - đơn vị sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk, "MCM").

Lãi trước thuế quý I/2020 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong báo cáo phân tích về Vinamilk công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng thương vụ M&A với GTNFoods sẽ đem lại tiềm năng tăng trưởng dài hạn cho Vinamilk.

VCBS cho hay nhân sự của Vinamilk cũng đã chính thức tham gia vào ban điều hành GTNFoods và MCM, bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn chăn nuôi bò, gia tăng năng suất tại các trang trại của MCM và trang trại hộ dân liên kết; tham gia cải thiện hệ thống phân phối (dự kiến hoàn thiện trong tháng 6/2020) và hỗ trợ nhân sự, quản trị (dự kiến hoàn thiện trong tháng 7/2020).

Ban lãnh đạo Vinamilk chia sẻ sẽ mất khoảng 2 năm để hoàn thiện tái cơ cấu hoàn toàn GTNFoods và cải thiện khả năng sinh lời từ năm 2021.

VCBS kỳ vọng vào việc nâng cao hệ thống phân phối và quản trị của MCM sau thương vụ sẽ hỗ trợ doanh thu mảng sữa nước, cải thiện chuỗi cung ứng và phục vụ cho mục địch xuất khẩu thị trường Trung Quốc của Vinamilk do vị trí địa lý thuận lợi.

MCM hiện đang nắm giữ khoảng 2,1% thị phần về giá trị với tốc độ tăng trưởng doanh thu dự báo khoảng 4%/năm (tăng so với mức 3,06% năm 2019 do kỳ vọng số đàn bò tăng từ 25.580 lên 28.680 con năm 2020).

VCBS ước tính việc hợp nhất MCM sẽ hỗ trợ tăng thêm doanh thu khoảng 4% (tương ứng khoảng 2.660 tỷ đồng), tương đương với đóng góp gia tăng thị phần từ 1,5%- 2,0%/năm.

Công ty chứng khoán này đánh giá kế hoạch mục tiêu của Vinamilk trước khi thâu tóm MCM là tăng thị phần 1% mỗi năm giai đoạn 2018-2021 khó đạt được do thị phần hiện nay của Vinamilk đã ở mức tương đối cao và lực cản từ hoạt động đẩy mạnh marketing của đối thủ cạnh tranh.

Tuy nhiên, nhờ hợp nhất MCM, trong kích bản tích cực, VCBS kỳ vọng thị phần của Vinamilk sẽ tăng trung bình khoảng 2,2-2,5%/năm trong giai đoạn 3-5 năm tới.

Bên cạnh triển vọng tăng thị phần từ việc hợp nhất MCM, VCBS đánh giá việc mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam vẫn còn tương đối thấp cũng là yếu tố sẽ thúc đẩy thị trường nội địa.

"Mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam được đánh giá là tương đối thấp so với một số nước trong khu vực (26 lít/người/năm). Vì vậy, chúng tôi đánh giá, ngành sữa Việt nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, đặc biệt ở các mảng sản phẩm cao cấp và có nguồn gốc thực vật với tốc độ tăng trưởng bình quân 2018-2022 của nhóm sữa thay thế (sữa đậu nành, sữa hạt…) đạt 13% (theo Euromonitor)", công ty chứng khoán này cho hay.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh đầu tư cho nguyên liệu đầu vào cũng sẽ giúp Vinamilk vững vàng hơn trong bối cảnh kinh tế không mấy sáng sủa.

VCBS ước tính tổng đầu tư năm 2020 của Vinamilk vào khoảng 2.000 tỷ, trong đó khoảng 40% cho đàn bò, còn lại phục vụ cho dây chuyền sản xuất các sản phẩm mới.

Quỹ đất tại Lào được dự kiến sẽ là một trong những vùng nguyên liệu sữa tươi chiến lược trong tương lai của Vinamilk. Giai đoạn 1 (đến cuối năm 2020) của dự án đang được phát triển trên 4.500 ha (và sẽ được cấp thêm 1000 ha), trong đó có 4.000 bò organic và 4.000 bò cao sản, dự kiến sau khi hoàn thành xong giai đoạn 2 sẽ có khoảng 100.000 con.

Ngoài ra, Vinamilk cũng đang xây dựng trang trại bò organic quy mô 2.000 con ở Thanh Hóa.

"Chúng tôi đánh giá đây sẽ là nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho các sản phẩm organic của Vinamilk và giúp Vinamilk thực hiện kế hoạch giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu hàng năm xuống 60% vào năm 2022", VCBS nhấn mạnh.

Tổng đàn bò của Vinamilk đã được mở rộng lên 155.000 con từ tháng 12/2019 (bao gồm 25.000 con bò từ GTN), kỳ vọng sẽ tăng lên 160.000 trong quý III/2020 và 168.000 vào cuối năm 2020.

VCBS nhận định đây là một trong những yếu tố hỗ trợ, giúp Vinamilk giảm thiểu được lo ngại về việc gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu từ New Zealand và Australia nếu tình hịch dịch trở nên nghiêm trọng hơn.

Thâu tóm Mộc Châu Milk giúp Vinamilk giải bài toán tăng trưởng thị phần

Đánh giá thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng tăng trưởng nhưng VCBS khá thận trọng khi nhìn nhận về thị trường xuất khẩu của Vinamilk, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Theo công ty chứng khoán này, thị trường Trung quốc sẽ chưa có nhiều đóng góp đáng kể với tổng doanh thu của Vinamilk bởi 3 lý do. Một là mặc dù tác động của dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã suy giảm đáng kể, tốc độ tiêu thụ sữa tại đây vẫn sẽ hồi phục chậm khi chính phủ duy trì lệnh giới hạn di chuyển.

Thứ hai, đối với mảng sữa tươi và sữa bột, Vinamilk sẽ gặp phải sự cạnh tranh tương đối lớn với các sản phẩm nội địa cùng loại tại Trung Quốc (với mức dự báo tốc độ tăng trưởng kép CAGR giai đoạn 2019-2024F lần lượt là 3,3% và 2,1%).

Bên cạnh đó xu hướng tiêu thụ sữa của Trung Quốc cũng đang dịch chuyển sang các dòng sữa hạt, organic và sữa chua uống.

"Với lợi thế về văn hóa tiêu dùng sản phẩm sữa tương đồng với Trung Quốc và vị trí địa lý thuận lợi, Vinamilk sẽ có cơ hội có được thị phần tại thị trường này trong giai đoạn 3-5 năm tới từ các phân khúc ngách như sữa chua và sữa đặc", VCBS nhìn nhận.

Báo cáo của VCBS cũng nhấn mạnh đến các rủi ro cho Vinamilk trong thời gian tới, bao gồm: sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các doanh nghiệp ngành sữa tại thị trường nội địa và thị trường nước ngoài nhiều biến động.

Thống kê cho thấy, có tới hơn 238 công ty kinh doanh, sản xuất sữa tại Việt Nam với 85% thị phần thuộc về 5 doanh nghiệp: Vinamilk, Nestle, Nutifood, Frieslandcampina và TH True Milk dẫn đến sự cạnh tranh lớn về danh mục sản phẩm và chiến lược marketing.

VCBS cho hay ở mảng sữa nước, các doanh nghiệp ngoại đang có xu hướng đẩy mạnh quy mô đàn bò thông qua hợp tác với các hộ nông dân, theo đó đe dọa vị thế của Vinamilk trong phân khúc sản phẩm này. Chính vì vậy, Vinamilk tiếp tục mạnh tay đầu tư gia tăng đàn bò, cùng với đó là phát triển các dòng sản phẩm organic phù hợp thị hiếu thị trường.  

Ngược lại ở mảng sữa bột, Vinamilk là tay chơi mới nổi, cố gắng tham gia phân khúc này thông qua hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản để phát triển công thức sữa bột giá trị cao. Tuy nhiên, triển vọng mảng này không thực sự sáng khi các hiệp định thương mại tự do mới ký kết gần đây sẽ mở đường cho một loạt các hãng sữa bột từ Châu Âu tiến vào thị trường Việt Nam.

Đối với thị trường nước ngoài, Iraq là thị trường xuất khẩu quan trọng của Vinamilk (chiếm đến 60% tổng doanh thu xuất khẩu). Tuy nhiên, thị trường này thường không ổn định do những xung đột tại khu vực Trung Đông, khiến doanh thu xuất khẩu của Vinamilk chịu nhiều biến động.

Trong khi đó, hoạt động mở rộng thị trường tại khu vực Châu Á như Indonesia, Philipines, Malaysia, Singapore… hay Trung quốc cần nhiều thời gian để Vinamilk tìm hiểu thị trường cũng như đầu tư hệ thống phân phối trước khi mang lại hiệu quả tăng trưởng doanh thu cho doanh nghiệp.

Tình trạng dịch Covid-19 ở Hoa Kỳ, các khu vực Trung Đông và Đông Nam Á vẫn chưa hồi phục; thị trường Trung quốc hồi phục chậm khi vẫn bị giới hạn di chuyển cũng là các lực cản cho tăng trưởng thị trường nước ngoài của Vinamilk.

Tin mới lên