Tài chính

HSG: 'Phác họa' hình hài một cổ phiếu đầu cơ

(VNF) - Điều gì tạo nên một cổ phiếu đầu cơ hấp dẫn trong thời gian dài như HSG?

HSG: 'Phác họa' hình hài một cổ phiếu đầu cơ

Tính đầu cơ của cổ phiếu HSG xuất phát từ ngay trong nội tại doanh nghiệp

Từ đầu năm đến nay, bất chấp dịch Covid-19, thị giá cổ phiếu HSG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen đã tăng tới trên 50%, trở thành cổ phiếu lớn hiếm hoi ghi nhận đà tăng vượt trội trong bối cảnh thị trường chung suy giảm mạnh.

Nhìn lại lịch sử thị giá, có thể thấy cổ phiếu HSG mang nặng tính đầu cơ với rất nhiều sóng tăng và sóng giảm đan xen cùng mức độ dao động lớn, thậm chí rất lớn.

Trong khoảng thời gian dài, HSG cũng là cổ phiếu có khối lượng giao dịch mỗi phiên rất lớn, nhiều quãng thời gian lọt top 10 cổ phiếu giao dịch nhiều nhất sàn HoSE, kể cả thời gian gần đây. Tín hiệu này cho thấy HSG luôn có sức hút lớn đối với các nhà đầu cơ và đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Điều gì tạo nên một cổ phiếu đầu cơ hấp dẫn trong thời gian dài như vậy?

Tính đầu cơ của HSG xuất phát từ ngay trong nội tại doanh nghiệp. Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất thành phẩm là tôn, thép dẹt, ống thép với nguyên liệu đầu vào chính là thép cuộn cán nóng (HRC), bên cạnh việc bán thành phẩm, Hoa Sen cũng tham vọng kiếm lời từ việc đầu cơ HRC.

"Phật tử" Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen không giấu diếm tham vọng này. Trong đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, ông Vũ khẳng định: "50% lợi nhuận của Hoa Sen đến từ đầu cơ nguyên liệu và sẽ tiếp tục như vậy".

Chiến lược này cho phép Hoa Sen kiếm lời lớn ở nhiều thời kỳ thuận lợi và ngược lại ở những thời kỳ không thuận lợi. Lợi nhuận theo đó cũng rất trồi sụt.

Chẳng hạn như niên độ tài chính 2016 và 2017, Hoa Sen đạt lợi nhuận trước thuế rất cao, lần lượt 1.907 tỷ đồng và 1.643 tỷ đồng thì sang niên độ tài chính 2018 và 2019, mức lợi nhuận chỉ đạt lần lượt 529 tỷ đồng và 462 tỷ đồng, bất chấp doanh thu của hai niên độ tài chính gần nhất lớn hơn nhiều hai niên độ trước đó.

Với một doanh nghiệp có lợi nhuận trồi sụt thì thị giá cổ phiếu biến động mạnh cũng là hợp lẽ. Điều này rất khác so với nhiều cổ phiếu đầu cơ vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi "bàn tay hữu hình" tác động trực tiếp vào thị giá mà không có mấy liên quan đến biến động lợi nhuận của doanh nghiệp; nói cách khác, đó là những cổ phiếu đầu cơ rời xa yếu tố cơ bản.

Diễn biến cổ phiếu HSG trong 5 năm qua. Nguồn đồ thị: TradingView

Tuy nhiên, nếu chỉ là biến động lợi nhuận mạnh khiến thị giá dao động mạnh thì chưa đủ để tạo ra sức hấp dẫn lâu dài.

Trên thực tế, dù lợi nhuận có trồi sụt do đầu cơ HRC thì Hoa Sen vẫn mang trong mình rất nhiều lợi thế cạnh tranh, như về danh mục và chất lượng sản phẩm, về thị phần, về thương hiệu, về hệ thống phân phối.

"Vua tôn" Hoa Sen đang sở hữu 536 điểm bán hàng trải dài trên cả nước, phân phối sản phẩm cả dưới hình thức bán lẻ và bán sỉ. Để duy trì lợi thế cạnh tranh về hệ thống phân phối và kéo theo đó là thị phần, tập đoàn này đã chấp nhận tỷ trọng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong tổng doanh thu thuần ở mức cao.

Với ngần ấy lợi thế, Hoa Sen thực sự là một doanh nghiệp có nền tảng cơ bản rất tốt. Đây là cũng lý do quan trọng khiến cổ phiếu HSG luôn có sức hút đối với cả giới đầu cơ và đầu tư.

Trong thời gian dài tới, HSG vẫn sẽ mang trong mình hình hài của một cổ phiếu đầu cơ, bởi Tập đoàn Hoa Sen vẫn không rời xa tham vọng đầu cơ HRC, đặc biệt, doanh nghiệp này khó lòng kỳ vọng bứt phá trong hoạt động kinh doanh khi đã quyết định từ bỏ "siêu dự án" thép Cà Ná.

Giá cổ phiếu theo đó nhiều khả năng vẫn sẽ dao động với biên độ lớn theo đà trồi sụt của lợi nhuận, mở ra cơ hội kiếm lời hấp dẫn cho không chỉ giới đầu cơ mà cả những nhà đầu tư vốn thường tập trung dự báo sự thay đổi của các yếu tố cơ bản. Nhưng đã là quy luật, lợi nhuận lớn luôn đi kèm với rủi ro cao.

Tin mới lên