Hụt thu ngân sách, 'xốc nách' bất động sản

Thảo Lê - 28/05/2023 11:48 (GMT+7)

(VNF) - Theo Sở Tài chính TP. HCM, lượng tiền đổ về kho bạc đã giảm dần. Một trong những nguyên nhân cơ bản là mức thu từ các hoạt động bất động sản đã giảm trên 50%, bao gồm cả thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và thu từ hoạt động chuyển nhượng của các công ty bất động sản.

VNF

Bất động sản kéo thu ngân sách giảm mạnh

Theo số liệu của Cục Thống kê TP. HCM, trong 4 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước đạt trên 170.021 tỷ đồng, đạt 36,2% dự toán và giảm 3,2% so với cùng kỳ. Theo Sở Tài chính TP. HCM, lượng tiền mặt đổ về kho bạc đã giảm dần. Trước đây mức thu bình quân mỗi ngày của TP. HCM đạt khoảng 1.700 - 1.800 tỷ đồng, đến cuối tháng 3 và tháng 4 vừa qua, mức thu chỉ còn khoảng 1.500 tỷ đồng/ngày.

Nguyên nhân lớn nhất khiến số thu sụt giảm có liên quan đến khoản thu ở lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Cụ thể, mức thu từ các hoạt động bất động sản đã giảm trên 50%, bao gồm cả thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và thu từ hoạt động chuyển nhượng của các công ty bất động sản. Còn khoản thu từ dịch vụ chứng khoán cũng ghi nhận giảm trên 70% do thanh khoản thị trường sụt giảm sâu.

Dữ liệu của Bộ Xây dựng cho thấy trong quý I/2023, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành chỉ có 14 dự án, chỉ bằng phân nửa so với quý trước. Đáng chú ý, miền Nam chỉ vỏn vẹn 2 dự án với 93 căn hộ (số lượng căn hộ hoàn thành chỉ bằng 1,6% so với miền Bắc). Tại báo cáo vừa gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Xây dựng cho biết hiện các doanh nghiệp gặp các khó khăn liên quan đến pháp lý, vốn, phát hành trái phiếu…

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA), với 156 dự án ách tắc tại TP. HCM, bình quân giá trị mỗi dự án là 2.000 tỷ đồng thì tổng mức đầu tư lên đến khoảng 312.000 tỷ đồng. Nếu tháo gỡ được vướng mắc để triển khai thực hiện trở lại bình thường thì nhà nước có thể thu thuế giá trị gia tăng 10% được 31.200 tỷ đồng; nếu đạt lợi nhuận 20% thì nhà nước còn có thể thu thuế thu nhập doanh nghiệp được 12.480 tỷ đồng và các khoản thu thuế phái sinh khác…

Nếu tháo gỡ khó khăn cho các dự án vướng pháp lý thì thị trường sẽ tăng nguồn cung, doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ hoạt động tốt hơn, kéo theo thị trường bất động sản và các thị trường liên quan ấm trở lại. Hiện, các doanh nghiệp bất động sản mong muốn TP. HCM sớm giải quyết các vướng mắc để vừa xử lý nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân, vừa tăng nguồn cung, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế TP. HCM phát triển ổn định.

Nỗ lực gỡ vướng bất động sản

Theo Bộ Xây dựng, tính đến nay, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được 58 văn bản báo cáo liên quan đến 115 dự án bất động sản. Trong đó, Novaland có 6 dự án, Hưng Thịnh có 44 dự án, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) có 16 dự án… Tổ công tác đã nghiên cứu, rà soát và xử lý theo thẩm quyền 50 kiến nghị, trong đó đã gửi 48 văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố và 2 văn bản gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết theo thẩm quyền.

Theo ông Lê Hoàng Châu, hầu hết trong 156 dự án bất động sản thuộc diện rà soát pháp lý có tính chất phức tạp, xử lý qua nhiều thời kỳ, quy định pháp luật thiếu đồng bộ. Nhiều dự án có nguồn gốc đất công hoặc do doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hoá chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục. Ngoài ra, không ít dự án bị vướng do phải rà soát lại việc tính tiền sử dụng đất, tiền sử dụng đất bổ sung, xử lý tài sản nhà nước tại các chung cư cũ, điều chỉnh quy hoạch, nghĩa vụ xây dựng nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại…

Được biết trong quý II/2023, UBND thành phố đã tập trung gỡ vướng mắc cho khoảng 40 dự án bất động sản, đồng thời rà soát lại danh sách để xác định nhóm các dự án mà HoREA đã tổng hợp để tập trung giải quyết triệt để. Tại buổi làm việc với Thường trực Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong tháng 4/2023 vừa qua, Ban Thường vụ Thành uỷ TP. HCM cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ công tác tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản.

Về 156 dự án bất động sản đang gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ giải quyết dứt điểm cho 50 dự án. Danh sách 156 dự án được phân nhóm, một dự án có thể có 2-3 vướng mắc, kiến nghị cho nên tổng thể có đến 189 kiến nghị. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan 98 vướng mắc, Sở Kế hoạch và Đầu tư 39 vướng mắc, Sở Quy hoạch và Kiến trúc 20 vướng mắc, Sở Xây dựng 20 vướng mắc, Sở Giao thông Vận tải 3 vướng mắc, Ban Quản lý khu Nam 2 vướng mắc, Cục Thuế TP. HCM 4 vướng mắc, Chi cục Tài chính doanh nghiệp 1 vướng mắc, UBND TP. Thủ Đức 1 vướng mắc.

UBND TP. HCM và các sở, ngành liên quan đã vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn. Cụ thể 1 dự án chung cư tại quận 4 và 1 dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh đã được UBND TP. HCM cho ý kiến, chỉ đạo các sở, ngành rà soát, giải quyết. 6 dự án của Hưng Thịnh Group được Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM thống nhất phương án gỡ vướng về thủ tục đầu tư và cấp giấy chứng nhận. Hiện đã có 5 dự án bất động sản của Sơn Kim Land, Công ty TNHH Gotec Việt Nam, Gamuda Land, CapitaLand và Novaland được huy động vốn 50% số lượng nhà ở hình thành trong tương lai, tương ứng 5.432 căn nhà.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cũng đã công bố danh sách 355 dự án nhà ở đã thẩm định đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) cho người mua nhà ở trên địa bàn TP. HCM. Theo đó, có hơn 81.000 bất động sản gồm các loại: căn hộ, nhà ở riêng lẻ, officetel, shophouse sẽ được cấp giấy. Trong danh sách này có các dự án của các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn, có số lượng căn hộ chung cư nhiều như: Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Vingroup, Công ty Phát Đạt, Công ty Him Lam, Công ty Gotec, Công ty Đất Xanh, Công ty TTC Land…

Ngoài ra, Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã thông kê khoảng 50 dự án với hàng nghìn căn hộ đang chờ người mua nhà bổ sung chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai; 39 dự án vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận và các loại hình khác mà Sở Tài nguyên Môi trường đang tiến hành thống kê, rà soát để có hướng tháo gỡ vướng mắc…
 

Cùng chuyên mục
Tin khác