Ireland thu hồi lô mì tôm chua cay Hảo Hảo do 'chứa thành phần thuốc trừ sâu'

Mộc An - 27/08/2021 21:43 (GMT+7)

(VNF) - Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) mới đây đã ra thông báo thu hồi một số lô mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam sản xuất vì phát hiện có chứa chất Ethylene Oxide, thành phần thuốc trừ sâu.

VNF
Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland ngày 20/8 ra thông báo thu hồi một số lô mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất.

“Một số lô sản phẩm mì ăn liền đang bị thu hồi do có chứa Ethylene Oxide – thành phần thuốc trừ sâu. Thành phần này không được phép sử dụng trong thực phẩm bán tại Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù việc tiêu thụ sản phẩm có chất này không gây nguy hiểm cấp tính, nhưng có thể gây vấn đề về sức khỏe nếu tiếp tục tiêu thụ trong một thời gian dài. Do đó, cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với chất này”, thông báo ngày 20/8 của FSAI nêu rõ.

FSAI cho biết thông báo thu hồi sẽ được hiển thị tại tất cả các cửa hàng cung cấp những lô sản phẩm liên quan.

Mì Hảo Hảo vị tôm chua cay và miến Good vị sườn heo do công ty Acecook Việt Nam nằm trong danh sách sản phẩm bị thu hồi của FSAI.

FSAI đã liệt kê 3 sản phẩm trong danh sách bị thu hồi, trong đó có 1 dòng sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc và 2 dòng sản phẩm do Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam sản xuất gồm mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77 g, hạn sử dụng đến 24/9/2022) và miến Good vị sườn heo (loại 56 g, hạn sử dụng đến 10/11/2022).

Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) đã cho phép các cơ quan chức năng có thẩm quyền thu hồi và xử lý sản phẩm phở bò do Acecook sản xuất vì hàm lượng Benzopyrene vượt quá giá trị tiêu chuẩn trong dầu hương liệu có trong sản phẩm.

Lên tiếng trước thông tin này, ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam cho biết sản phẩm được cho là có chứa chất Bezopyrene là phở ăn liền Peacock. Đây là sản phẩm của Acecook Việt Nam gia công theo đơn đặt hàng của Emart Hàn Quốc (chuỗi siêu thị bán lẻ của Hàn Quốc). Sản phẩm này không lưu hành tại thị trường Việt Nam.

"Bezopyrene không phải là một chất phụ gia, không được dùng trong sản xuất, chế biến thực phẩm công nghiệp nói chung và phở ăn liền Peacock nói riêng. Chúng tôi cam kết Bezopyrene không được cho vào sản phẩm vì mục đích của nhà sản xuất", đại diện Acecook Việt Nam nêu rõ.

“Vua mì ăn liền” tại Việt Nam

Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam – chủ sở hữu thương hiệu “Mì Hảo Hảo”, được xem là “vua mì ăn liền” tại Việt Nam. Trong suốt giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu của công ty tăng trưởng đều đặn, đạt tới hơn 10.000 tỷ đồng vào năm 2019 với lãi ròng hơn 1.600 tỷ đồng.

Tài liệu của VietnamFinance cho thấy tính tới năm 2020, Acecook Việt Nam có vốn điều lệ 298 tỷ đồng, trong đó, cổ đông Nhật Bản là Acecook Co., LTD nắm giữ 16,9 triệu cổ phần, bằng 169 tỷ đồng, tương đương 56,64%. Cổ đông Hà Lan là Marubeni Foods Investment Asia Cooperatie FU.A nắm 5,459 triệu cổ phần, bằng 54,59 tỷ đồng, tương đương 18,296%. Cổ đông Việt Nam duy nhất là ông Hoàng Cao Trí, nắm khoảng 25% cổ phần còn lại. 

Về tình hình kinh doanh, có thể nói Acecook là doanh nghiệp gặt hái được thành tựu vượt trội so với mọi đối thủ xét riêng trên thị trường mì ăn liền Việt Nam.

Giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu thuần của công ty tăng trưởng liên tục, từ : 8.413 tỷ đồng (2016) lên 8.878 tỷ đồng (2017) rồi 9.828 tỷ đồng (2018) và cán mốc 10.647 tỷ đồng (2019). Doanh thu này đều cao gấp nhiều lần các thương hiệu có danh khác như: Thực phẩm Á Châu (mì Gấu đỏ), Uniben (mì Ba miền), Colusa-Miliket (mì Miliket) hay Vifon (đối tác cũ)…

Biên lãi gộp của công ty cũng rất cao và liên tục được cải thiện, lần lượt các năm trong cùng giai đoạn là: 29,7%, 30,9%, 32% và 34%.

Tương ứng, mức lãi gộp các năm cũng tăng trưởng liên tục: 2.507 tỷ đồng (2016), 2.717 tỷ đồng (2017), 3.151 tỷ đồng (2018) và 3.628 tỷ đồng (2019).

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của công ty cũng không ngừng gia tăng với tốc độ rất nhanh, từ 920 tỷ đồng (2016) lên 1.115 tỷ đồng (2017), lên tiếp 1.382 tỷ đồng (2018) rồi đạt 1.660 tỷ đồng (2019). Tính chung 4 năm, lợi nhuận sau thuế đã tăng tới 80%!

Với lợi nhuận khổng lồ đó, quy mô vốn chủ sở hữu của Acecook “nở” ra vô cùng nhanh chóng, từ 4.141 tỷ đồng (2016) lên 5.156 tỷ đồng (2017) rồi 6.032 tỷ đồng (2018) trước khi đạt tới 7.096 tỷ đồng (2019). Cần nhắc lại, vốn điều lệ của công ty tính tới năm 2020 chỉ là 298 tỷ đồng.

Với vốn chủ sở hữu lớn như vậy, không ngạc nhiên khi quy mô tài sản của Acecook được bồi đắp liên tục và phình ra theo thời gian: năm 2016, tổng tài sản mới là 5.366 tỷ đồng thì tới năm 2019 đã đạt tới 8.402 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 47%.

Xem thêm >> Kiếm tiền như ‘Mì Hảo Hảo’: Vốn điều lệ chưa đầy 300 tỷ nhưng doanh thu vạn tỷ, mỗi năm lãi hơn nghìn tỷ

Theo fsai.ie
Cùng chuyên mục
Tin khác