Thương hiệu vang bóng một thời: Mì hai tôm Miliket, nơi khởi nguồn 'mì tôm Việt Nam'

Hoài Thương - 01/01/2021 06:52 (GMT+7)

Mì ăn liền Miliket đã trở thành một mảnh ký ức của thế hệ những người sinh ra và trưởng thành trong giai đoạn thập niên 80, 90 thế kỷ trước. Mì Miliket nổi tiếng đến mức hình ảnh hai con tôm chụm đầu vào nhau in ngoài bao bì đã trở thành biểu tượng và thành luôn cái tên chung cho các loại mì gói được sản xuất sau này.

VNF
Nhãn hiệu mì ăn liền Miliket từng thống lĩnh thị trường với gói mì giấy kraft và hình ảnh hai con tôm.

Thời hoàng kim chiếm tới 90% thị phần

Miliket là thương hiệu mì ăn liền của Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket, có trụ sở tại quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Thương hiệu mì Colusa đã được sản xuất từ trước năm 1975 bởi công ty thực phẩm Sài Gòn, sau năm 1975, được đổi tên thành Xí nghiệp chế biến lương thực thực phẩm Colusa.

Đến năm 1983, Tổng Công ty Lương thực miền Nam mở thêm Xí nghiệp lương thực thực phẩm Miliket. Năm 2004, Colusa và Miliket sáp nhập thành Công ty lương thực thực phẩm Colusa – Miliket; đến năm 2006 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển đổi thành Công ty cổ phần.

Công ty CP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket

Những năm 1980, mì Miliket được coi là món ăn hảo hạng, có giá khoảng 500 đồng, một mức giá đắt đỏ thời bấy giờ. Cảm giác sung sướng khi được thưởng thức một bát mì nóng hổi đổi vị bữa cơm hàng ngày là ký ức chung về một tuổi thơ vất vả của rất nhiều thế hệ người Việt. Lúc bấy giờ, mì Miliket chính là món ăn được “khao khát” nhất. Thường là lúc nào bị đau ốm, người xưa mới được “tẩm bổ” bằng bát mì tôm.

Đến những năm 1990, khi kinh tế khấm khá hơn, mì Miliket trở nên phổ biến, là món ăn khoái khẩu của mỗi gia đình. Với giá thành rẻ, tiện lợi, hương vị phù hợp, từng có giai đoạn Miliket chiếm tới 90% thị phần mì ăn liền tại Việt Nam. Miliket “xâm chiếm” kệ bếp của hầu khắp các gia đình. Nó quen thuộc đến mức người tiêu dùng lấy hai từ “mì tôm” định danh cho loại thực phẩm này. 

Âm thầm tìm lại chỗ đứng cho riêng mình

Sau năm 2000, sự gia nhập thị trường của nhiều hãng mì ăn liền trong và ngoài nước đã khiến vị thế “độc quyền” của mì Miliket dần mất đi.

Các hãng mì mới xuất hiện với nguồn lực mạnh mẽ và chiến lược quảng cáo rầm rộ như Vina Acecook, Masan, Asia Foods… nhanh chóng chiếm thị phần của Miliket. Từ người dẫn đầu, đến này thị phần của Miliket chỉ ở mức dưới 4% sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam.

Mì Miliket đang chật vật tìm chỗ đứng trước sự đa dạng của thị trường mì ăn liền hiện nay

Đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ, mặc dù không có điều kiện chi nhiều tiền quảng cáo, mì Miliket vẫn tìm được chỗ đứng cho riêng mình, đó là tập trung vào phân khúc nông thôn, những người thu nhập thấp. Nhờ đó, mì 2 con tôm vẫn sống khỏe trong thị trường ngách với tập khách hàng riêng của mình và đang lớn mạnh về doanh thu.

Doanh nghiệp cũng đã phát triển thêm nhiều sản phẩm khác để bắt kịp những thay đổi của thị trường. Miliket sản xuất thêm phở, cháo, hủ tiếu, miến ăn liền và lấn sân sang các mặt hàng gia vị như: nước tương, tương ớt, bột canh, nước chấm thực vật... Các sản phẩm của doanh nghiệp đã xuất hiện tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanmar, Singpore...

Và đặc biệt, Miliket cũng là một trong số ít đơn vị vẫn sản xuất sản phẩm mì ký, sản phẩm mà hầu hết thương hiệu lớn hiện nay không sản xuất.

Không chỉ cố gắng bắt kịp thị trường, để cạnh tranh, Miliket cũng thay đổi cả chiến thuật phân phối hàng. Thay vì đầu tư quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Miliket trực tiếp đem sản phẩm đến với người tiêu dùng qua Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, Hàng Việt về nông thôn, trực tiếp đưa sản phẩm thông qua chợ đầu mối, chợ bán lẻ và đại lý.

Ngoài ra, thương hiệu này nhắm thêm vào phân khúc thị trường mà chưa ông lớn nào chạm tới. Cụ thể, trong khi các doanh nghiệp lớn đang phải căng mình cạnh tranh trong thị phần tiêu dùng hàng ngày của người dân, thì Miliket lại len lỏi vào những quán ăn, hàng lẩu. Từ vỉa hè cho tới nhà hàng, mì ăn liền Miliket vẫn xuất hiện trên bàn ăn chứ không phải là một thương hiệu mì nào khác.

Mì Miliket được ưa thích sử dụng tại những quán ăn, hàng lẩu

Miliket cũng tập trung vào đối tượng người tiêu dùng ở tầng lớp thấp, lao động, đa số ở miền Tây và miền Nam. Phân khúc này đem tới lợi nhuận không cao nên những ông lớn còn chưa muốn chen chân vào.

Để cạnh tranh được bằng chiến lược chi phí thấp, Miliket đã tiết kiệm chi phí sản xuất đến mức tối đa. Việc thực hiện tốt công tác quản lý sản xuất, tiết kiệm, giảm định mức tiêu hao nhiên liệu, tăng thu hồi thành phẩm đã giúp Miliket giảm được trung bình hơn 4 tỉ đồng mỗi năm.

Và nhờ không mất quá nhiều chi phí cho việc quảng bá sản phẩm, giá mì ăn liền Miliket hiện nay được xem là thấp nhất thị trường. Giá một gói mì bao bì giấy 75gr chỉ 2.700 đồng. Các loại khác cũng chỉ ở mức 3.100 – 6.000 đồng.

Tháng 7/2017, ông vua mì tôm một thời đã chính thức chào sàn gần 5 triệu cổ phiếu, CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket đạt vốn hóa 124 tỷ đồng.

Trong một thị trường mì ăn liền cạnh tranh quá khốc liệt hiện nay, việc chọn phân khúc giá rẻ cùng với lợi thế hồi ức và thói quen cũng là một chiến lược an toàn và khá khôn ngoan của Miliket. Dù không thể trở lại thời hoàng kim như trước đây, nhưng ít ra, độ phủ sóng của mì Miliket vẫn được đảm bảo.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.