Tài chính quốc tế

Israel và Ai Cập cung ứng khí đốt 'giải cứu' Liên minh châu Âu

Báo Libération đưa tin Liên minh châu Âu (EU), Israel và Ai Cập vừa ký một thỏa thuận liên quan đến cung cấp khí đốt, cho phép châu Âu giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Israel và Ai Cập cung ứng khí đốt 'giải cứu' Liên minh châu Âu

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Ảnh: THX/TTXVN

Chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tới Ukraine, Israel và sau đó là Ai Cập được các bên đánh giá là “thành công tốt đẹp”. Cụ thể, Liên minh châu Âu (EU) đã ký với hai quốc gia phía đông Địa Trung Hải một thỏa thuận về cung ứng khí đốt tự nhiên cho châu Âu.

Mỗi bên đều được hưởng lợi từ thỏa thuận này, trong bối cảnh châu Âu đang tìm mọi cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, trong khi Israel coi đây là một cơ hội kinh tế và ngoại giao cần tận dụng, và Ai Cập nhờ đó có thể trở thành một trung tâm năng lượng.

Khi có mặt tại Israel, bà Ursula von der Leyen đã có bài phát biểu tại Đại học Ben-Gurion trên sa mạc Negev: “Điện Kremlin đã lấy sự lệ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga làm công cụ trao đổi”.

Loại bỏ sự lệ thuộc này đã trở thành một trong những ưu tiên của EU và châu Âu đang tìm cách phát triển hợp tác năng lượng với các quốc gia khác. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm 2021 EU đã nhập khẩu khoảng 155 tỷ m3 khí đốt từ Nga, tương đương 45% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU.

Việc ký kết thỏa thuận này diễn ra vào thời điểm Nga đang quyết định hạn chế mạnh mẽ các dòng khí đốt đến Đức.

Ngày 15/6, tập đoàn khí đốt Nga Gazprom của Nga đã thông báo sẽ cắt giảm 1/3 lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) nối Nga với Đức, đồng thời tuyên bố buộc phải ngừng một tuabin khí Siemens tại nhà máy nén khí Portovaïa, nơi làm đầy lưu lượng cho Nord Stream.

Ngay sau quyết định trên, sản lượng hàng ngày đã giảm từ 100m3 xuống 67m3 mỗi ngày, sau khi đã giảm từ 167m3 xuống 100m3 thời gian trước đó. Tổng cộng, nguồn cung cấp khí đốt từ đường ống ngầm dưới biển này đã giảm 60%.

Bộ trưởng Năng lượng và Khí hậu Đức Robert Habeck cáo buộc Nga đang thực hiện “chiến lược gây rối loạn thị trường để tăng giá” khí đốt. Gazprom cũng đã giảm 15% nguồn cung khí đốt cho tập đoàn Eni của Italy.

Thỏa thuận vừa được ký kết là một cơ hội kinh tế và ngoại giao giành được cho Israel, quốc gia bắt đầu sản xuất và xuất khẩu khí đốt sau khi phát hiện ra một số mỏ vào đầu những năm 2010.

Israel có 3 mỏ khí đốt tự nhiên đang hoạt động là Tamar, Leviathan và Karish. 

Tuy nhiên, Israel không có đường ống nối các mỏ khí đốt ngoài khơi với châu Âu. Kể từ năm 2020 và khi đã ký kết một thỏa thuận trị giá 15 tỷ USD với Ai Cập, Israel đã có thể vận chuyển khí đốt của mình sang nước láng giềng và nước này giữ lại một phần để sử dụng trong nước.

Phát biểu tại Cairo, Chủ tịch EC khẳng định “đây cũng là cơ hội để Ai Cập trở thành một trung tâm khu vực về năng lượng”, đồng thời kêu gọi lập “quỹ 100 triệu euro” (105,3 triệu USD) nhằm đảm bảo an ninh lương thực ở Ai Cập và một quỹ khác trị giá 3 tỷ euro để tài trợ cho các chương trình nông nghiệp và thực phẩm của nước này.

Ngày 30/5, Bộ Năng lượng Israel thông báo nước này đang chuẩn bị cho một gói thầu mới cho dự án thăm dò khí đốt tự nhiên ngoài khơi và sẽ trở thành nhà cung cấp chính cho châu Âu nhờ khai thác các mỏ ở Địa Trung Hải.

Trước đó vài tháng, Israel từng tuyên bố muốn ngừng thăm dò khí đốt tự nhiên vào năm 2022 để tập trung cho năng lượng tái tạo. Cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt chống Nga đã khiến Israel suy xét lại chiến lược năng lượng của mình.

Tin mới lên