Thế giới tuần qua: Nga giảm khí đốt tới châu Âu, thị trường tiền số ‘đỏ lửa’

Quỳnh Anh - 19/06/2022 11:08 (GMT+7)

(VNF) - Một tuần lễ nhiều biến động đã xảy ra với các thị trường trên toàn thế giới, từ thị trường chứng khoán Mỹ cho tới các sàn tiền ảo trên thế giới, được thúc đẩy bởi thông tin về việc Fed tăng lãi suất và biến động giá năng lượng tại châu Âu. Tuy nhiên, trên thế giới tuần qua vẫn ghi nhận điểm sáng từ Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được tổ chức tại Geneva (Thuỵ Sĩ).

VNF
Thị trường thế giới đã trải qua 1 tuần đầy biến động.

Tình hình dịch Covid-19 thế giới

Theo trang thống kê worldometers.info, trong tuần từ ngày 11-18/6, toàn thế giới đã ghi nhận 3,716 triệu ca nhiễm Covid-19, giảm 5% so với tuần trước , nâng tổng số ca nhiễm toàn cầu lên mức 543,770 triệu ca nhiễm.

Tính trong 7 ngày vừa qua, các quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 hàng đầu là Mỹ (784.805 ca), Đài Loan (487.390 ca) và Đức (291.954 ca). Mặc dù số ca nhiễm mới trên toàn cầu giảm trong tuần, nhưng 113/196 lãnh thổ/vùng quốc gia đã chứng kiến số ca nhiễm tăng trở lại trong tuần qua, đáng chú ý là Hong Kong, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Anh, Italy.

Trên toàn cầu, nhiều quốc gia đang thúc đẩy việc tiêm vắc-xin cho trẻ em dưới 5 tuổi, tiêu biểu là Mỹ mới đây đã phê duyệt 2 loại vắc xin của Pfizer và Moderna cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi. Mexico cũng bắt đầu chương trình tiêm phòng cho trẻ từ 5-11 tuổi cho hơn 15 triệu em từ ngày 16/6.

Trong khi Trung Quốc tiếp tục duy trì các biện pháp phong toả để kiểm soát tốt làn sóng lây nhiễm từ một quán bar tại Bắc Kinh, nhiều quốc gia cũng đang gấp rút chuẩn bị cho các đợt lây nhiễm mới trong mùa hè và mùa thu, ví dụ như Italy, Đức.

Ngày 17/6, các thành viên thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nhất trí thông qua thỏa thuận tạm thời miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19, tạo điều kiện cho các nước đang phát triển sản xuất vắc xin trong thời gian 5 năm mà không cần xin phép bên nắm giữ bản quyền. Động thái này nhận được sự hoan nghênh của nhiều quốc gia vì vừa thúc đẩy sản xuất vắc xin, vừa giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn cung giữa nước giàu và nước nghèo.

Nga giảm nguồn cung khí đốt tới châu Âu

Việc Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu từ lâu đã là một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của EU. Và tuần này, nỗi sợ đã phần nào trở thành hiện thực khi quyết định hạn chế khối lượng trên đường ống Nord Stream 1 đến Đức, giảm khoảng 40% nguồn cung cho khu vực.

Cụ thể, Italy và Slovakia cho biết đã nhận được 1 nửa khối lượng khí đốt thông thường thông qua Nord Stream 1, trong khi Pháp đã bị cắt nguồn cung từ Đức kể từ ngày 15/6. Công ty dầu mỏ Uniper của Đức cũng báo cáo lượng khí đốt từ Moscow giảm khoảng 60% so với thoả thuận.

Trước đó, ngày 14/6, tập đoàn Gazprom của Nga cho biết sẽ giảm 40% lượng khí đốt giao hàng qua đường ống Nord Stream 1 đến Đức, do công ty Siemens của Đức không đưa các thiết bị bơm khí đốt trở lại trạm nén khí đúng hạn vì bị vướng bởi các lệnh trừng phạt của Canada với Nga.

Sau đó chỉ 1 ngày, Gazprom tuyên bố cắt giảm lượng khí đốt chuyển tới Đức qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc lên đến mức 60%. Nguồn cung khí đốt qua đường ống này giảm từ 167 triệu m3/ngày xuống chỉ còn 67 triệu m3.

Với việc cắt giảm khí đốt trùng với thời điểm diễn ra chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Đức, Italy và Pháp tới Kyiv trong tuần này, phó thủ tướng Đức Robert Habeck cho biết bất kỳ vấn đề kỹ thuật nào Moscow nêu ra cũng chỉ là là "cái cớ" để Nga siết chặt nền kinh tế châu Âu.

Fatih Birol, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho biết việc cắt giảm của Gazprom do nhà nước điều hành dường như là một động thái "chiến lược" của Moscow sẽ nhắc nhở châu Âu rằng họ không nên cảm thấy "quá an toàn hoặc quá thoải mái".

Georg Zachmann, thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn Bruegel, cáo buộc Moscow “cố gắng chơi chia để trị”, nói rằng chính quyền Tổng thống Putin muốn “tăng đòn bẩy của mình đối với châu Âu trước mùa đông và bất kỳ cuộc dàn xếp nào cuối cùng ở Ukraine”.

Trừ khi Nga nhanh chóng khôi phục nguồn cung, nếu không nhiều chuyên gia lo ngại châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc tích trữ đủ khí đốt trước những tháng mùa đông khi nhu cầu tăng lên mức cao nhất.

Fed tăng lãi suất cao nhất từ năm 1994

Ngày 15/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo quyết định tăng lãi suất với mức tăng mạnh nhất trong gần 30 năm sau khi lạm phát tăng đột biến vào tháng 5.

Cụ thể, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed cho biết quyết định nâng phạm vi lãi suất cơ bản của ngân hàng 0,75 điểm phần trăm, từ mức 0,75-1% lên 1,5-1,75%. Đây là mức tăng lãi suất cao nhất kể từ năm 1994.

Theo FOMC, việc tăng lãi suất được thúc đẩy bởi xung đột giữa Nga và Ukraine đang tạo thêm áp lực gia tăng đối với lạm phát và đang đè nặng lên hoạt động kinh tế toàn cầu và các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc.

Mặc dù Fed đã cảnh báo trước về các đợt tăng lãi suất trong tháng 6 và tháng 7, tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cùng giá nhiên liệu trong tháng 5 đã khiến Fed quyết định đưa ra mức tăng lãi suất vượt xa so với dự đoán của các chuyên gia kinh tế.

Việc tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát mang theo nguy cơ về suy thoái kinh tế với nền kinh tế Mỹ. Theo Bloomberg, các nhà phân tích phố Wall đã nhận định rằng Mỹ có 40% khả năng bước vào một cuộc suy thoái vào năm 2023, lưu ý rằng tỷ lệ suy thoái xảy ra trong năm nay là thấp.

Ngân hàng Nghiên cứu Toàn cầu của Mỹ cũng chỉ trích Fed đã không có động thái tăng lãi suất sớm hơn trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.

"Những lo ngại tồi tệ nhất của chúng tôi xung quanh Fed đã được xác nhận: Họ đã tụt lại phía sau đường cong và hiện đang chơi một trò chơi nguy hiểm để bắt kịp", các nhà phân tích viết. "Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP sẽ chậm lại gần như bằng 0, lạm phát sẽ ổn định ở mức khoảng 3% và Fed sẽ tăng lãi suất trên 4%".

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell thừa nhận việc kiểm soát lạm phát có thể tạo ra những vết thương kinh tế, thậm chí đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà kinh tế cho rằng Mỹ cần đánh đổi tăng trưởng kinh tế và việc làm để đưa lạm phát xuống mức có thể chấp nhận được.

Thị trường tiền điện tử ‘đỏ lửa’

Thị trường tiền số đã trải qua một tuần đầy bất an khi những biến động trên thị trường chứng khoán Mỹ, khả năng tăng lãi suất của Fed và bê bối liên quan tới công ty tiền ảo Terra đã kéo giá trị của những đồng tiền ảo lớn nhất thế giới xuống mức thấp khó tin.

Chiều 18/6 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin theo ghi nhận của CoinMarketCap giao dịch ở mức 19.403 USD, giảm 7,12% so với thời điểm cách đó 24 tiếng và giảm 33,13% so với 7 ngày trước. Thậm chí, có thời điểm giá đồng tiền số lớn nhất thế giới xuống 18.732 USD.

Nhiều đồng tiền điện tử khác cũng sụt giá mạnh theo đà giảm của Bitcoin, bao gồm đồng tiền điện tử có giá trị vốn hoá lớn thứ 2 là Ethereum; BNB; XRP; Solana.

Chỉ trong tuần qua, giá Bitcoin đã giảm từ mốc trên 25.000 USD xuống dưới mức 20.000 USD, Ethererum giảm từ khoảng 1.300 USD xuống quanh ngưỡng 1.000 USD, BNB giảm từ 238 USD xuống mức 200 USD,…

Ngày 13/6, tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền điện tử xuống còn 926 tỷ USD, theo ghi nhận của CoinMarketCap. Đây là lần đầu tiên giá trị vốn hoá của thị trường crypto giảm xuống dưới ngưỡng 1.000 tỷ USD kể từ tháng 12/2020.

Trước đó, giá trị vốn hóa thị trường tiền điện tử toàn cầu đạt đỉnh 2.900 tỷ USD vào tháng 11/2021 tại thời điểm giá Bitcoin ở mức cao nhất mọi thời đại 69.000 USD.

WTO thông qua thoả thuận thương mại lịch sử

Ngày 17/6, sau 5 ngày đàm phán của 164 quốc gia thành viên, Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lần thứ 12 đã đạt được một thoả thuận thương mại “chưa từng có” trong lịch sử về các vấn đề trợ cấp cho đánh bắt cá, an ninh lương thực và vắc xin ngừa Covid-19.

Theo đó, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đánh giá thoả thuận thương mại mới có thể mang lại sự khác biệt cho cuộc sống của nhiều người trên thế giới.

“Kết quả trên cho thấy WTO trên thực tế hoàn toàn có thể ứng phó với các tình huống khẩn cấp trong thời đại của chúng ta. Lâu lắm rồi WTO mới chứng kiến một số lượng kết quả các thỏa thuận đa phương đáng kể như vậy”, bà Okonjo-Iweala nói.

Theo Reuters, gói thỏa thuận thương mại đa phương được coi là phép thử khả năng các quốc gia trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang ở mức cao. Trước khi gói thỏa thuận được thông qua, bà Ngozi Okonjo-Iweala nêu trong thư đề nghị các thành viên của tổ chức cân nhắc "sự cân bằng mong manh" đạt được sau các cuộc đàm phán liên tục kéo dài thêm 2 ngày so với lịch trình.

Được biết, thoả thuận về đánh bắt cá là một trong những nội dung khó khăn nhất, vốn được tham vấn trong 2 thập kỷ qua, cuối cùng đã được thông qua tại hội nghị lần này. Các phái đoàn đã rất nỗ lực thảo luận trong sáng 17/6 về việc cấm các khoản trợ cấp tạo điều kiện đánh bắt dư thừa và đe dọa sự ổn định của các vựa cá toàn cầu.

Các thành viên WTO cũng đạt thỏa thuận sơ bộ nhằm kéo dài thời gian hoãn áp dụng thuế thương mại điện tử, cho đến khi Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 được tổ chức, dự kiến vào cuối năm 2023. Nếu hội nghị không diễn ra đúng kế hoạch, thỏa thuận hoãn áp thuế sẽ hết hiệu lực vào tháng 3/2024.

Hội nghị Bộ trưởng WTO thường được tổ chức 2 năm/lần với sự tham dự của các bộ trưởng thương mại và các quan chức cấp cao đến từ 164 thành viên WTO. Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 đã bị hoãn 2 lần do đại dịch Covid-19.

Xem thêm >> Tổng thống Putin: Nga đã vượt qua các lệnh trừng phạt, phương Tây nên 'tự trách bản thân'

Cùng chuyên mục
Tin khác