'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Trong 7 ngày qua, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 là hơn 3,6 triệu ca, giảm 16% so với con số 4,3 triệu ca của 7 ngày trước đó. Đi kèm với số ca nhiễm mới giảm là số ca tử vong cũng giảm mạnh trên toàn thế giới.
Các quốc gia có số ca nhiễm mới đứng đầu trong tuần này là Mỹ (666,269 ca), Triều Tiên (646,730 ca) và Đài Loan (539,821 ca).
Ngày 3/6, giới chức Philipines cho biết nước này phát hiện 2 ca nhiễm dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron gây bệnh Covid-19. Trước đó, Trung Quốc, New Zealand và Singapore là những quốc gia đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể mới lây lan nhanh này.
Theo tổng hợp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 2/3 dân số thế giới có thể đã có lượng kháng thể Covid-19 đáng kể, có nghĩa là đã từng mắc bệnh hoặc đã được tiêm chủng. Cụ thể, tỷ lệ dân số có lượng kháng thể Covid-19 đáng kể đã tăng từ mức 16% vào tháng 2/2021 lên mức 67% vào tháng 10/2021, và có thể lên cao hơn nữa do tốc độ lây lan nhanh chóng của các dòng phụ thuộc biến thể Omicron.
Theo một nghiên cứu mới từ Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), những người đã mắc Covid-19 có nguy cơ phát triển các cục máu đông nguy hiểm trong phổi cao hơn hơn 2 lần so với người chưa từng mắc.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng 20% người trưởng thành tuổi từ 18-64 và 25% người từ 65 tuổi trở lên gặp các vấn đề về sức khỏe có thể liên quan đến việc từng mắc Covid-19.
Trong đó, nguy cơ phát triển các bệnh tắc mạch phổi nặng, tức là xuất hiện cục máu trong động mạch phổi gia tăng nhiều nhất. Bên cạnh đó là các triệu chứng về hô hấp như ho kinh niên hoặc khó thở.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), tính tới đầu tháng 6, toàn thế giới hiện có hơn 700 ca đậu mùa khỉ tại hơn 300 quốc gia. So với con số 550 ca được WHO công bố ngày 1/6, đã có hơn 150 ca đậu mùa khỉ được cơ quan y tế các nước công bố chỉ trong vòng hơn 3 ngày qua, làm dấy lên lo ngại về sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh.
Theo môt quan chức của WHO, Tổ chức y tế thế giới hiện vẫn chưa biết nguồn gốc của đợt bùng phát và kêu gọi các nước tận dụng "cơ hội" để ngăn chặn các ca bệnh bùng phát thành một đợt bùng phát lớn hơn.
Trong một buổi họp báo của WHO gần đây, bà Rosamund Lewis, trưởng nhóm kỹ thuật về bệnh đậu mùa khỉ từ Chương trình Cấp cứu Y tế của WHO, cho biết mức độ rủi ro sức khỏe cộng đồng toàn cầu của bệnh đậu mùa khỉ ở mức vừa phải, "vì đây là lần đầu tiên các trường hợp và cụm bệnh đậu khỉ được báo cáo đồng thời ở các khu vực địa lý khác nhau rộng rãi của WHO và không có mối liên hệ dịch tễ học nào được biết đến với các quốc gia không lưu hành bệnh ở Tây hoặc Trung Phi".
Tuy nhiên, "nguy cơ sức khỏe cộng đồng có thể trở nên cao nếu loại virus này khai thác cơ hội để tự thiết lập như một mầm bệnh cho người và lây lan sang các nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn như trẻ nhỏ và những người bị ức chế miễn dịch”.
WHO đang kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo dõi chặt chẽ các triệu chứng có thể xảy ra như phát ban, sốt, sưng hạch bạch huyết, đau đầu, đau lưng, đau cơ và mệt mỏi, đồng thời cung cấp xét nghiệm cho bất kỳ ai có các triệu chứng này.
Theo quan chức của CDC Mỹ, nguy cơ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ dường như cao hơn đối với nam giới đồng tính và lưỡng tính. Trong số 17 bệnh nhân đã cung cấp thông tin nhân khẩu học chi tiết cho CDC Mỹ, 16 người tự nhận là nam giới đã quan hệ tình dục đồng giới.
Sau gần 1 tháng cân nhắc, ngày 31/5, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được sự đồng thuận về việc trừng phạt dầu mỏ của Nga.
"Đã có sự thống nhất về lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga vào EU. Điều này ngay lập tức tác động lên hơn 2/3 dầu nhập từ Nga, cắt đứt nguồn tài chính khổng lồ cho cỗ máy chiến tranh của họ. Gây áp lực tối đa lên Nga để kết thúc chiến sự", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel viết trên Twitter đêm 30/5 sau khi kết thúc ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ.
Theo đó, Lệnh cấm vận được nhất trí chỉ bao gồm cấm dầu của Nga vận chuyển bằng đường biển, cho phép loại trừ trừng phạt lên hàng vận chuyển bằng đường ống. Lệnh này cũng bao gồm một số ngoại lệ đối với Hungary, nước thừa nhận quá phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga và hiện không có giải pháp thay thế trong thời điểm hiện tại.
"Ủy ban châu Âu (EC) giờ đây có thể hoàn thiện lệnh cấm 90% nhập khẩu dầu Nga trước năm 2023. Đây là bước đi quan trọng", Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói về quyết định mới của EU.
Sau khi cắt nguồn cung khí đốt sang Bulgaria, Ba Lan và Phần Lan từ cuối tháng 4 vì các quốc gia này không chấp nhận phương án thanh toán tiền khí đốt bằng ruble, Moscow mới đây đã tiếp tục nối dài danh sách khi công bố ngưng chuyển khí đốt cho Hà Lan, Đan Mạch và một phần khí đốt sang Đức, nâng tổng số quốc gia EU bị cắt nguồn cung lên 6 nước.
Trong ngày 31/5, tập đoàn Gazprom của Nga đã gửi thông báo tới công ty năng lượng GasTerra của Hà Lan, công ty năng lượng Đan Mạch Orsted và Shell Energy Europe, nhà cung cấp cho một số khách hàng Đức về việc sẽ ngưng chuyển khí đốt cho các đơn vị này từ 6h sáng ngày 1/6 vì chưa nhận được tiền thanh toán năng lượng.
Trước đó, GasTerra và Shell Energy Europe đã thông báo cho Gazprom rằng họ không có ý định thanh toán khí đốt bằng đồng ruble theo sắc lệnh số 172 của Tổng thống Nga ngày 31/3 và kế hoạch do Gazprom Export đề xuất.
Về phía Đan Mạch, đại diện của Orsted cho biết công ty này đã chuẩn bị cho việc đột ngột ngừng nhập khẩu khí đốt Nga và đã lấp đầy cho các cơ sở lưu trữ khí đốt ở Đan Mạch và Đức.
Việc Nga ngắt vòi khí đốt sẽ khiến Hà Lan mất nguồn cung khoảng 2 tỷ m3 khí đốt từ nay tới tháng 10, và khoảng 1,2 tỷ m3 khí đốt đến Đức mỗi năm.
Nguồn khí đốt từ Nga cũng chiếm khoảng 4% tổng tiêu thụ năng lượng của Đan Mạch, tuy nhiên, vì không có đường ống dẫn khí đốt nối trực tiếp Nga với Đan Mạch, nên Nga sẽ không thể trực tiếp cắt nguồn cung khí đốt tới Đan Mạch, và Đan Mạch vẫn có thể có được nguồn khí đốt khác.
Theo số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố, tỷ lệ lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục 8,1% trong tháng 5, cao hơn nhiều so với mức 7,4% ghi nhận trong tháng 4/2022.
Hiện mức lạm phát của Eurozone đã tăng gấp 4 lần so với mức 2% mục tiêu mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đề ra.
Sự leo thang của tỷ lệ lạm phát chủ yếu được thúc đẩy bởi đà tăng phi mã 39,2% của giá năng lượng và 7,5% của giá thực phẩm.
Tỷ lệ lạm phát dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa khi EU gần đây đã ra lệnh cấm với việc nhập khẩu dầu mỏ Nga và tiếp tục hạn chế năng lượng từ nước này, tạo ra những áp lực lớn đè nặng lên ECB, buộc cơ quan này có thể phải ra quyết định tăng lãi suất thêm 1/4 điểm cơ bản vào tháng 7 tới đây.
Ngoài ra, tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng chứng kiến tỷ lệ lạm phát đạt mức cao nhất từ gần nửa thế kỷ vào tháng 5 vừa qua, với mức 7,9%, thúc đẩy bởi giá năng lượng cao hơn 38,3% so với tháng 5 năm ngoái và giá thực phẩm tăng 11,1%. Tỷ lệ này vào tháng 4 là 7,4%. Trước đó, lạm phát ở Đức đã ở mức cao 5,1% vào tháng 2 và vượt qua mốc 7% vào tháng 3 sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Sau nhiều tháng giữ nguồn cung hạn hẹp dù giá dầu tăng phi mã và phớt lờ lời kêu gọi tăng sản lượng từ các nước phương Tây, ngày 2/6 vừa qua, khối các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác, gọi chung là OPEC+, đã quyết định sẽ tăng sản lượng dầu mỏ từ mức 432.000 thùng/ngày trước đó lên 648.000 thùng/ngày vào tháng 7-8/2022.
Quyết định của các quốc gia OPEC+ được đưa ra sau khi EU chính thức đưa ra các biện pháp cấm vận đối với 90% dầu mỏ Nga từ nay tới cuối năm, khiến giá dầu thế giới tăng vọt.
Trước đó, do mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Mỹ và Arab Saudi, quốc gia trọng yếu của khối OPEC, khối này đã nhiều lần từ chối yêu cầu tăng sản lượng, giữ mức cung chỉ hơn 400.000 thùng/ngày.
Mới tuần trước, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud nói nước này không thể làm gì hơn để kiểm soát thị trường dầu mỏ và thậm chí còn khẳng định không có tình trạng thiếu hụt dầu thô.
Tuy nhiên, tình thế dường như đã thay đổi sau khi Nga, một đối tác quan trọng của OPEC, bị EU, Mỹ và Anh trừng phạt dầu mỏ.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến cũng sẽ có chuyến công du tới Arab Saudi vào tháng này, nhằm ‘củng cố quan hệ với vương quốc dầu mỏ, vào thời điểm lãnh đạo Mỹ đang tìm cách hạ giá xăng dầu trong nước và cô lập nước Nga trên trường quốc tế”, theo Bloomberg.
Xem thêm >> EU thống nhất cấm vận dầu Nga, giá dầu bật tăng
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.