Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Theo worldometers.info, tính đến đầu giờ chiều ngày 14/5, tổng số ca mắc Covid-19 trên thế giới là 520,482,362 ca, trong đó có hơn 6,2 triệu ca tử vong và hơn 475 triệu người nhiễm đã phục hồi.
Chỉ tính trong 24h qua, thế giới ghi nhận trên 505.000 ca mắc mới. Con số này trong 7 ngày qua là hơn 3,6 triệu ca, giảm nhẹ so với mức 3,7 triệu ca của tuần trước.
Không chỉ giữ vững ngôi đầu là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, trong tuần qua, Mỹ đã quay trở lại đứng đầu các quốc gia có số ca nhiễm bệnh mới cao nhất thế giới (592,292 ca), theo sau là Đức (443,990 ca) và Đài Loan (355,113 ca).
Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 67.670 ca), Mỹ đứng thứ hai với 56.072 ca, tiếp theo là Australia (56.015 ca) và Hàn Quốc (51.773 ca).
Tính theo khu vực, châu Âu hiện là châu lục chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 với trên 194 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với gần 149,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 99,5 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 57 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 12 triệu ca và châu Đại Dương 7,83 triệu ca nhiễm.
Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 12/5 công bố báo cáo cho biết số ca tử vong do Covid-19 tại châu Âu đã vượt 2 triệu ca, trong khi số ca lây nhiễm trong đại dịch này đã lên tới 218 triệu ca, tương đương 42% tổng số ca mắc trên toàn thế giới.
Một tâm điểm mới xuất hiện trong cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn thế giới là Triều Tiên. Ngày 12/5 vừa qua, Triều Tiên đã công bố đợt bùng dịch đầu tiên sau khi quốc gia này ghi nhận ca nhiễm chủng Omicron tại thủ đô Bình Nhưỡng, đồng thời ra lệnh phong toả toàn quốc để tập trung phòng dịch.
Đáng chú ý, chỉ 1 ngày sau khi công bố dịch, phía Bình Nhưỡng cho biết nhiều khả năng dịch đã bùng từ cuối tháng 4, sau 1 sự kiện công cộng lớn được tổ chức tại thủ đô nước này. Tính tới nay, Triều Tiên đã ghi nhận hơn 350.000 người có triệu chứng sốt, 27 ca tử vong vì các triệu chứng này, trong đó có ít nhất 1 người được xác định nhiễm Covid-19.
Do Triều Tiên đã từ chối các đợt viện trợ vắc xin theo cơ chế COVAX và từ Trung Quốc, nên tới thời điểm hiện tại, phần đông dân số này vẫn chưa được tiêm phòng, khiến nguy cơ lây nhiễm cũng như bị bệnh nặng tăng cao, đè nặng lên nền y tế vốn không được mạnh mẽ của quốc gia Bắc Hàn.
Trước tình hình khẩn cấp tại quốc gia anh em, ngày 13/5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 13/5 đã đề nghị gửi vắc xin hỗ trợ Triều Tiên. Trong khi đó, Mỹ cho biết sẽ không hỗ trợ vắc xin cho quốc gia này.
Công ty điều hành hệ thống truyền tải khí đốt của Ukraine (OGTSU) ngày 10/5 thông báo sẽ tạm ngừng quá trình vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu qua trạm đo Sochranovka và trạm nén Novopskov ở khu vực Luhansk vào lúc 7h ngày 11/5 (theo giờ địa phương) vì tình huống bất khả kháng.
Theo OGTSU, các nhân viên của họ không thể tiến hành các hoạt động kiểm soát kỹ thuật và vận hành tại các vùng lãnh thổ đang có xung đột, do đó công ty không thể tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng tại trạm đo Sochranovka và trạm nén Novopskov.
Thay vào đó, OGTSU đề xuất chuyển hướng khí đốt sang Sudzha, một điểm nối ở khu vực Sumy và hiện do chính phủ Ukraine kiểm soát.
Trước tuyên bố từ OGTSU, phía tập đoàn Gazprom của Nga khẳng định vẫn tiếp tục vẫn chuyển khí đốt tới các khách hàng châu Âu nhưng bình thường.
Tuy nhiên, theo một báo cáo được đưa ra 1 ngày sau, khối lượng khí đốt được vận chuyển từ Nga sang châu Âu qua hệ thống đường ống Ukraine đã giảm xuống 72 triệu mét khối (mcm), thay vì công suất 95,8mcm như 1 ngày trước đó.
Gazprom cũng cho biết sự việc này đã khiến an ninh của nguồn cung cấp khí đốt bị suy yếu.
Sự gián đoạn hôm 11/5 đã khiến giá khí đốt chuẩn của châu Âu trong quý thứ 3 lên tới 100 EUR/megawatt giờ khi thị trường mở cửa trước khi giảm trở lại. Giá cao hơn 250% so với mức 1 năm trước.
Không chỉ dừng lại ở đây, sự việc sau đó còn trở nên phức tạp hơn khi ngày 12/5, chính phủ Nga phê duyệt danh sách các pháp nhân phải chịu các biện pháp trừng phạt trả đũa, bao gồm 31 công ty năng lượng đến từ Đức, Pháp và các nước châu Âu khác, cũng như từ Mỹ và Singapore, nhằm đáp trả các đòn trừng phạt từ phương Tây.
Theo đó, trong số 31 công ty năng lượng bị trừng phạt, có cả các công ty con cũ ở châu Âu của Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom, các nhà kinh doanh và vận hành các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất, bao gồm: Gazprom Germania GmbH, Gazprom Schweiz AG, Gazprom Marketing & Trading USA Inc, Vemex, Wingas, EuRoPol GAZ.
Việc Ukraine ngăn van khí đốt và Nga trừng phạt các công ty năng lượng đã khiến thị trường khí đốt tại châu Âu trở nên bất ổn hơn bao giờ hết.
Do tác động từ các sự kiện nay, Gazprom đã không thể tiếp tục trung chuyển khí đốt qua đoạn Ba Lan của đường ống Yamal-châu Âu, chưa kể tới công suất giảm tại đường ống Ukraine khiến đầu vào khí đốt tại châu Âu ngày càng thắt chặt.
Mặc dù từ vài tháng nay, châu lục này liên tục tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga, làm đầy các kho chứa, tìm nhà cung cấp thay thế hay thậm chí tính xây dựng hệ thống đường ống trung chuyển mới, thì nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm cả nền kinh tế hàng đầu như Đức, vẫn chưa thể tự tin nếu bị Moscow “ngắt van” khí đốt.
Trong tình hình đầy bất ổn hiện tại, dường như nhiều quốc gia trong khối đã buộc phải thoả hiệp với sắc lệnh thanh toán khí đốt bằng đồng ruble của Nga, nhằm tránh bị nước này ngưng cung cấp khí sớm nhất vào cuối tháng 5 này.
Theo đó, Bloomberg mới đây đưa tin có khoảng 20 công ty từ các nước châu Âu đã đăng ký mở tài khoản đồng ruble tại ngân hàng Gazprombank của Nga.
Lần đầu tiên sau 45 năm, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có một hội nghị thượng đỉnh với Mỹ được tổ chức ngay tại Washington DC, do Tổng thống Mỹ chủ trì, diễn ra trong 2 ngày 12-13/5.
Theo đó, 8 lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Brunei, Indonesia, Campuchia, Singapore, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Malaysia đã đến thăm Điện Capitol và gặp mặt các thành viên quốc hội Mỹ, sau đó dùng bữa tối với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng vào ngày 12/5.
Sau đó, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ tham gia cuộc hội đàm tại Bộ Ngoại giao và các phiên thảo luận riêng về các đề tài kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực hợp tác khác vào ngày thứ 2 của hội nghị, tức ngày 13/5.
Trong buổi gặp mặt các lãnh đạo ASEAN vào tối 12/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết sẽ viện trợ 150 triệu USD cho khối, tập trung cho các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu và an ninh hàng hải, nhằm thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Mỹ tới khu vực này.
Cam kết tài chính mới bao gồm khoản đầu tư 40 triệu USD vào cơ sở hạ tầng nhằm giúp khử cacbon trong nguồn cung cấp điện của khu vực và 60 triệu USD cho an ninh hàng hải, cũng như khoảng 15 triệu USD tài trợ y tế để hỗ trợ phát hiện sớm Covid-19 và các đại dịch khác. Nguồn vốn bổ sung sẽ giúp các nước phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và luật trí tuệ nhân tạo.
Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ triển khai một tàu tuần duyên đến khu vực để tăng cường hợp tác an ninh. Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins sẽ thành lập một học viện để đào tạo cho ba quan chức của mỗi quốc gia trong số 10 quốc gia ASEAN mỗi năm.
Gói hỗ trợ mới được đưa ra 7 tháng sau khi ông Biden hứa với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng ông sẽ cung cấp khoản đầu tư lên tới 102 triệu USD cho các quốc gia ở Đông Nam Á.
Cam kết này cũng được đưa ra sau những lời chỉ trích từ các nước trong khu vực, bao gồm cả các đồng minh như Nhật Bản, rằng Mỹ đã không quan tâm đầy đủ đến Đông Nam Á, đồng thời là một cách thể hiện cho thấy Mỹ muốn “kéo” Đông Nam Á về phía mình trong cuộc đua ngày càng căng thẳng với Trung Quốc.
Ngày 12/5, Sri Lanka đã bổ nhiệm một Thủ tướng mới trong bối cảnh quốc gia đang tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của đất nước kể từ khi độc lập.
Người được bổ nhiệm là ông Ranil Wickremesinghe, 73 tuổi, một cựu chiến binh chính trị từng là thủ tướng của đảo quốc này 5 lần trước đây.
Ông Ranil đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Sri Lanka lần thứ 6 vào ngày 12/5, vài ngày sau khi Mahinda Rajapaksa, anh trai của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, từ chức Thủ tướng vì các cuộc bạo động chống đối nổ ra.
Chia sẻ với Reuters ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Sri Lanka cho biết: “Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng, chúng ta phải thoát ra khỏi nó”. Ông Wickremesinghe cũng tự tin cho biết thêm rằng hoàn toàn có cách đưa đất nước thoát khỏi tình trạng vỡ nợ.
Người đàn ông 73 tuổi này là một nhà kinh tế tự do, có kinh nghiệm đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hiện đang thảo luận để bảo lãnh cho Sri Lanka.
Ông cũng đã xây dựng mối quan hệ với các cường quốc trong khu vực là Ấn Độ và Trung Quốc, các nhà đầu tư và người cho vay chính, những người tranh giành ảnh hưởng đối với quốc đảo nằm dọc theo các tuyến đường vận chuyển sầm uất nối châu Á với châu Âu.
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã gửi lời chúc mừng tân Thủ tướng thông qua mạng xã hội Twitter: “Tôi gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới Thủ tướng mới được bổ nhiệm, người đã đảm nhận nhiệm vụ đầy thách thức trong việc điều hành đất nước của chúng ta vượt qua một thời gian rất hỗn loạn. Tôi mong muốn được làm việc cùng với ông ấy để đưa Sri Lanka hùng mạnh trở lại”.
Trở lại nhậm chức lần thứ 6, nhưng đây dường như sẽ là nhiệm kỳ khó khăn nhất với ông Ranil, khi khả năng quản lý kinh tế yếu kém, đại dịch Covid-19 và chi phí năng lượng gia tăng sau đã làm kiệt quệ ngân khố nhà nước, có nghĩa là Sri Lanka đang cạn kiệt nhiên liệu và các loại thuốc thiết yếu và phải đối mặt với tình trạng mất điện hàng ngày, chưa kể tới khoản nợ khổng lồ mà quốc gia này hiện vẫn chưa thể thanh toán.
Xem thêm >> Sau tuyên bố muốn gia nhập NATO, Nga cắt nguồn cung điện cho Phần Lan
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.