Thế giới tuần qua: ‘Xôn xao’ vì tin EU cấm dầu Nga, Mỹ tăng lãi suất cao nhất 2 thập kỷ
Quỳnh Anh -
07/05/2022 18:35 (GMT+7)
(VNF) - Trong khi Liên minh châu Âu đang xem xét gói trừng phạt thứ 6 dành cho Nga vì hoạt động quân sự tại Ukraine đã kéo dài tới ngày thứ 74, thì Mỹ cũng đang trong cuộc chiến cam go không kém nhằm kiềm chế lạm phát và số ca Covid-19 tăng trở lại.
Tình hình dịch Covid-19 thế giới
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 7/5, toàn thế giới đã ghi nhận 516,67 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 6,2 triệu ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 497.045 ca mắc Covid-19 và 1.946 ca tử vong, giảm so với 593.423 ca mắc và 2.583 ca tử vong ghi nhận 1 ngày trước đó. Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (86.026 ca), Mỹ (49.615 ca) và Italy (43.947 ca).
Tại hầu khắp các khu vực và quốc gia, số ca nhiễm mới và nguy cơ dịch bệnh đang có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, chỉ tính trong 7 ngày vừa qua, Đài Loan và Mỹ đã có số ca mới tăng vọt so với con số báo cáo trong tuần trước, cụ thể, Đài Loan có số ca nhiễm mới trong tuần tăng hơn 200% lên hơn 167.000 ca, trong khi Mỹ tăng 14% so với tuần trước, ghi nhận 471.000 ca nhiễm mới.
Tại Trung Quốc, việc đối phó với dịch bệnh vẫn diễn ra đầy căng thẳng trên các thành phố lớn. Trong khi Thượng Hải đã bước vào tuần phong toả thứ 5 và vẫn liên tục ghi nhận hàng chục ca nhiễm mới ngoài cộng đồng mỗi ngày, thủ đô Bắc Kinh cũng đã bắt đầu vòng xét nghiệm axit nucleic thứ 2. Theo truyền thông Trung Quốc, nhiều khả năng, Thượng Hải sẽ bắt đầu dỡ bỏ dần các biện pháp phong toả từ cuối tháng 5.
Phần Lan, Australia và Peru là những quốc gia mới nhất bắt đầu thử nghiệm và triển khai các mũi tiêm tăng cường cho một số độ tuổi nhất định. Trong khi đó, Mỹ, Lào đang xem xét việc nới lỏng xét nghiệm cho khách du lịch quốc tế, nhằm kích cầu ngành công nghiệp không khói trong thời gian tới. Nhật Bản cũng dự kiến sẽ đón khách du lịch quốc tế trở lại từ tháng 6.
Theo báo cáo mới nhất từ Cơ quan Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong thực tế liên quan trực tiếp và gián tiếp liên quan tới Covid-19 trong thời gian 1/2020 - 12/2021 là 14,9 triệu ca, cao gần gấp 3 lần con số được báo cáo chính thức là 5,4 triệu ca. Con số này cho thấy phần nào hậu quả khủng khiếp mà dịch bệnh mang tới cho loài người trong những năm qua.
EU xem xét trừng phạt dầu mỏ Nga
Để gia tăng áp lực lên Moscow khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 3, trong tuần qua, các quốc gia EU đã xem xét, đề xuất gói trừng phạt thứ 6 dành cho Nga.
Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đề xuất yêu cầu các quốc gia thành viên EU loại bỏ nhập khẩu dầu thô Nga trong vòng 6 tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm nay.
Cụ thể, lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ được xây dựng theo giai đoạn, cho phép các quốc gia thành viên có thời hạn 6 tháng để ngừng mua dầu thô của Nga và cho đến cuối năm sẽ ngừng mua tất cả các loại sản phẩm dầu tinh luyện. Lệnh cấm sẽ áp dụng đối với tất cả dầu của Nga được giao dịch qua cảng và đường ống.
Nguồn cung từ Nga chiếm 25% nhu cầu dầu của EU, phần lớn trong số đó dùng cho xăng và dầu diesel cho các phương tiện giao thông.
Liên minh châu Âu cũng là khách hàng dầu mỏ hàng đầu của Nga, mua khoảng 3,5 triệu thùng sản phẩm thô và tinh chế mỗi ngày. Năm ngoái, khối này đã chi hơn 73 tỷ EUR cho dầu của Nga, khoản chi lớn nhất cho nhiên liệu hóa thạch với tỷ suất lợi nhuận lớn.
Nếu được thông qua, lệnh cấm nhập khẩu dầu sẽ là gói trừng phạt thứ hai của EU nhắm vào ngành năng lượng béo bở của Nga kể từ khi nước này tấn công Ukraine vào ngày 24/2.
Tuy nhiên, để có thể thông qua lệnh trừng phạt, EU sẽ cần sự đồng thuận của tất cả thành viên trong khối. Hungary và Slovakia đã lên tiếng phản đối, trong khi Séc, Hy Lạp, Áo bày tỏ sự quan ngại sâu sắc vì những hệ quả có thể xảy tới nếu không còn nguồn cung dầu từ Moscow.
Ngoài lệnh cấm nhập khẩu dầu, gói trừng phạt thứ 6 của EU cũng nhắm vào 3 ngân hàng lớn, 3 đài truyền hình nhà nước Nga, cùng nhiều cá nhân, tổ chức khác. Mỹ cũng thông báo về việc xem xét các gói trừng phạt bổ sung, sát cánh với các đồng minh trong cuộc chiến trừng phạt Nga.
Fed tăng lãi suất cao nhất trong hơn 2 thập kỷ
Ngày 4/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo sẽ tăng lãi suất chủ chốt trong quá trình vượt qua tình trạng lạm phát cao trong nước.
Cụ thể, mức tăng lãi suất chủ chốt là 0,5%, gấp 2 lần quy mô của một đợt tăng lãi suất thông thường và là mức tăng lãi suất cao nhất kể từ tháng 5/2000.
Theo đó, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hội đồng gồm các quan chức Fed phụ trách chính sách tiền tệ, đã tăng lãi suất thêm 0,5% lên phạm vi mục tiêu 0,75 đến 1%.
Trong những cuộc họp trước khi công bố việc tăng lãi suất mới nhất, các quan chức hàng đầu của Fed đều xác nhận sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% vào tháng 5 sau khi thông qua mức tăng 0,25% vào tháng 3.
Sau gần 1 năm duy trì mức lãi suất cơ bản gần bằng 0 do đại dịch Covid-19, đây đã là lần thứ 2 trong năm Fed nâng lãi suất, với hi vọng điều này sẽ giúp kiềm chế lạm phát bằng cách giảm chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Cùng ngày, Fed cũng công bố kế hoạch giảm gần 9.000 tỷ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp mà họ nắm giữ trên bảng cân đối kế toán.
Ngân hàng này bắt đầu mua hàng tỷ USD trái phiếu mỗi tháng kể từ tháng 3/2020 để giúp giữ dòng tiền chảy qua hệ thống tài chính và kích thích nền kinh tế Mỹ và đã tạm dừng các giao dịch mua trên vào tháng trước.
Mỹ có tân thư ký báo chí Nhà Trắng da màu đầu tiên
Ngày 6/5, Tổng thống Biden đã bổ nhiệm bà Karine Jean-Pierre làm thư ký báo chí thứ hai của Nhà Trắng, thay thế người đương nhiệm Jen Psaki vào cuối tháng này.
Bà Jean-Pierre là cấp phó của bà Psaki kể từ khi ông Biden lên nắm quyền, và hứa hẹn sẽ là người làm nên lịch sử.
Được biết, bà Karine sẽ là thư ký báo chí da đen đầu tiên trong lịch sử Nhà Trắng và là người đồng tính công khai đầu tiên giữ vai trò cao cấp này, phát biểu cho cả Tổng thống và chính phủ Mỹ trong các cuộc họp báo được cả thế giới theo dõi.
"Karine không chỉ mang đến kinh nghiệm, tài năng và sự chính trực cần thiết cho công việc khó khăn này, mà cô ấy sẽ tiếp tục dẫn đầu trong việc truyền thông về công việc của chính quyền Biden-Harris thay mặt cho người dân Mỹ", ông Biden nói trong một tuyên bố.
Phát biểu lần đầu tiên trên chiếc bục nổi tiếng dành cho Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Karine cho biết đây “là một khoảnh khắc lịch sử” và chia sẻ bà hiểu sức mạnh của vị trí này không chỉ của một người mà là “thay mặt cho người dân Mỹ”.
Được biết, bà Karine Jean-Pierre đến với nhóm ông Biden từ tổ chức tiến bộ MoveOn.org, nơi bà là nhân viên truyền thông hàng đầu. Bà từng dẫn đầu một số cuộc họp báo của Nhà Trắng, bao gồm cả khi bà Psaki vắng mặt vì Covid-19. Bà Karine dự kiến sẽ tiếp nhận công việc sau ngày làm việc cuối cùng của bà Psaki, dự kiến là ngày 13/5.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.