Thế giới tuần qua: IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, EU chấp thuận trả ruble cho Nga

Quỳnh Anh - 23/04/2022 17:48 (GMT+7)

(VNF) - “Bóng ma ảm đạm” từ đại dịch Covid-19 và chiến sự tại Ukraine vẫn tiếp tục bủa vây thế giới, gây nên những hệ quả kinh tế to lớn như mất an ninh lương thực, lạm phát tăng cao, khiến Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong báo cáo mới nhất.

VNF
Chiến sự Nga-Ukraine đã chuẩn bị bước sang tháng thứ 3 nhưng vẫn chưa đạt được thoả thuận mang tính đột phá.

Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới

Tính đến ngày 23/4, theo worldometer.info, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 508 triệu ca nhiễm Covid-19. Chỉ trong 7 ngày vừa qua, hơn 4,6 triệu ca nhiễm mới được ghi nhận, giảm 23% so với con số 6,1 triệu ca nhiễm của 1 tuần trước đó.

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 646.000 ca mắc Covid -19 và 2.252 ca tử vong. 3 quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (104.331 ca), Pháp (88.389 ca) và Hàn Quốc (81.010 ca).

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mọi khu vực trên thế giới đều đang ghi nhận số ca mắc mới giảm theo đà từ cuối tháng 3. Mặc dù vậy, cơ quan này cũng lưu ý rằng những số liệu thống kê về giảm số ca nhiễm được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đang thay đổi chiến lược xét nghiệm virus SARS-CoV-2, làm giảm số lượt xét nghiệm, kéo theo số ca mắc Covid-19 được thống kê cũng giảm.

Do số ca nhiễm mới giảm trên toàn cầu, các quốc gia trên khắp các châu lục tiếp tục dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế, chỉ giữ lại những yêu cầu cơ bản nhất để phòng dịch như đeo khẩu trang.

Theo đó, ngày 19/4, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa khoảng 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ra khỏi danh sách khuyến cáo không đi du lịch liên quan đến dịch Covid-19.

Cùng ngày, Thẩm phán Tòa án quận trung tâm bang Florida Kimball Mizelle bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng của CDC Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden đã lên kế hoạch kháng cáo phán quyết này, kéo dài quy định đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng ít nhất tới ngày 3/5.

Nhiều quốc gia châu Á, bao gồm Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia cũng ban hành các quy định mới về việc hạ cấp độ dịch trong nước và đơn giản hoá quy trình đón khách du lịch quốc tế, mở cửa trở lại sau đại dịch. Trái lại, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp phong toả, thắt chặt các ổ dịch trong nước để tránh lây lan.

Chiến sự Nga-Ukraine: Đàm phán đình trệ

Chiến sự tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 59 nhưng vẫn đang ở thế giằng co kịch liệt và các buổi đàm phán giữa hai bên không đem lại kết quả như mong đợi.

Ngày 19/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết chiến sự tại Ukraine đã chuyển sang một giai đoạn mới, chuyển hướng từ những đô thị đông dân cư sang mục tiêu “kiểm soát hoàn toàn” khu vực Đông Nam thuộc vùng Donbass với những đồng bằng rộng lớn.

Cùng ngày, quân đội Nga cũng kêu gọi các lực lượng Ukraine "ngay lập tức hạ vũ khí" và đưa ra tối hậu thư mới cho lực lượng đang cố thủ tại thành phố cảng Mariupol ở miền Nam Ukraine, nhưng không được đáp ứng.

Ngoài ra, phía Moscow cũng cho biết đã gửi một văn bản về đám phán hoà bình, nhưng Tổng thống Ukraine Zelensky phủ nhận việc này, cho biết ông chưa từng nhận được bất kỳ văn bản nào tương tự từ phía Nga.

Ngày 21/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo đã kiểm soát toàn bộ Mariupol ở phía Đông Nam Ukraine, ngoại trừ nhà máy gang thép Azovstal vẫn đang được hơn 2.000 quân lính Ukraine cố thủ.

Mới đây, ngày 22/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev liên quan tới cuộc xung đột hiện nay đã đình trệ. Việc này khiến cả 2 quốc gia, dù đã chịu nhiều thương tổn nặng nề cả về người và của, vẫn tiếp tục kéo dài cuộc chiến đã sắp bước sang tháng thứ 3.

Trong khi Nga phải chịu những đòn trừng phạt nặng nề đã, đang và sẽ được áp đặt nếu cuộc chiến còn kéo dài, thì Ukraine đến nay cũng đã thiệt hại khoảng 60 tỷ USD chỉ tính riêng về cơ sở hạ tầng, theo ước tính của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết GDP của Ukraine có thể giảm từ 30-50%, với tổng thiệt hại trực tiếp và gián tiếp lên tới 560 tỷ USD kể từ khi chiến sự bùng phát ngày từ ngày 24/2 tới nay.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thì tuyên bố rằng nước này cần ít nhất 7 tỷ USD mỗi tháng để tái thiết nền kinh tế. Do đó, ông kêu gọi các nước đã áp đặt trừng phạt và đóng băng các tài sản của Nga dùng số tiền đã đóng băng này để hỗ trợ Ukraine tái thiết sau xung đột và đền bù cho những tổn thất của các nước khác.

IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu

Những tác động từ cuộc chiến Nga – Ukraine đang lan rộng trên khắp thế giới, khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 19/4.

Theo đó, IMF đã dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,6% trong năm 2022 và trong năm 2023, thấp hơn lần lượt 0,8% và 0,2% so với mức dự báo hồi tháng 1 vừa qua, trong bối cảnh giá cả cùng nợ công tăng cao.

Báo cáo cũng chỉ rõ tăng trưởng toàn cầu trung hạn cũng sẽ giảm xuống mức 3,3%, thấp hơn so với mức trung bình 4,1% trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2013.

Theo IMF, do ảnh hưởng từ chiến tranh, quốc gia châu Âu sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm hơn, tăng trưởng khu vực Eurozone dự báo giảm 1,1% xuống mức 2,8%, dẫn tới việc các nước đang phát triển và mới nổi, sẽ chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm tại khu vực này. Tác động sẽ được nhìn nhận rõ nhất tại các quốc gia nghèo nhất.

2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ cảm nhận được sự tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine và làn sóng dịch Covid-19, theo đó nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3,7% trong khi mức tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc là 4,4%.

Uỷ ban châu Âu cho phép doanh nghiệp thanh toán khí đốt bằng đồng ruble

Trong một thông báo ngày 22/4, Uỷ ban châu Âu (EC) cho biết các doanh nghiệp thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) có thể thanh toán các hợp đồng mua khí đốt bằng đồng ruble cho Nga mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU.

Theo tài liệu hướng dẫn mà EC vừa gửi tới các nước thành viên EU, các doanh nghiệp mua khí đốt của Nga không bị cấm mở tài khoản tại Gazprombank, ngân hàng Nga chuyên xử lý các giao dịch thanh toán năng lượng.

Do đó, các khách hàng của Nga có thể chuyển tiền thanh toán khí đốt bằng loại tiền được thống nhất trên hợp đồng (thường là USD hoặc EUR) tới Gazprombank, sau đó ngân hàng này sẽ chuyển đổi sang ruble và thanh toán cho các nhà cung cấp của Moscow như sắc lệnh thanh toán được Tổng thống Putin thông qua vào ngày 31/3.

Tài liệu của EC nêu rõ: “Các công ty EU có thể yêu cầu các đối tác Nga thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng của họ theo cách tương tự như trước khi thông qua sắc lệnh, tức là bằng cách gửi số tiền đến hạn bằng đồng EUR hoặc USD”.

Mặc dù vậy cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng "các thủ tục thanh toán theo yêu cầu của sắc lệnh hiện chưa rõ ràng” và đề nghị các doanh nghiệp EU tìm kiếm các điều kiện bổ sung từ phía đối tác Nga để xác định chính xác những việc cần làm và có được xác nhận thanh toán từ phía chính quyền Nga.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 22/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga sẽ không thay đổi thời hạn yêu cầu các công ty nước ngoài thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble.

Xem thêm >> Thủ tướng Đức: ‘Cấm khí đốt Nga có thể gây ra khủng hoảng kinh tế ở châu Âu’

Cùng chuyên mục
Tin khác