Thế giới tuần qua: Nga bị loại khỏi Hội đồng nhân quyền, giá lương thực thế giới cao kỷ lục

Quỳnh Anh - 09/04/2022 18:09 (GMT+7)

(VNF) - Sau cáo buộc thảm sát dân thường tại Bucha (Ukraine), Nga bị Mỹ cùng các đồng minh giáng loạt đòn trừng phạt mới và bị loại khỏi Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc, trong khi đó giá lương thực thế giới lên cao kỷ lục do ảnh hưởng từ chiến sự tại Kiev. Trong tuần qua, danh sách tỷ phú thế giới 2022 do Forbes công bố và tin tức tỷ phú Elon Musk trở thành cổ đông Twitter cũng nhận được nhiều chú ý.

VNF
Nga bị loại khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc với kết quả 93 phiếu đồng thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng.

Tình hình dịch Covid-19 trong tuần

Tính đến ngày 9/4, theo số liệu từ worldometer.info, thế giới ghi nhận hơn 497,38 triệu ca mắc Covid-19, trong đó số có gần 6,2 triệu ca tử vong. Số ca hồi phục là hơn 433 triệu ca.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới có thêm hơn 1 triệu ca nhiễm, trong đó Hàn Quốc có số ca nhiễm mới cao nhất 205.289 ca, tiếp sau là Đức 169.454 ca và Pháp 148.768 ca.

Đây cũng là xu hướng chung của thế giới trong vòng 7 ngày qua, với hơn 7,6 triệu ca nhiễm mới, và 3 quốc gia dẫn đầu về số ca nhiễm mới vẫn lần lượt là Hàn Quốc, Đức và Pháp.

Về các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lưu hành trên thế giới, được biết, Viện Y tế Công cộng CH Czech (SZÚ) thông báo việc thu giữ mẫu trong Phòng Thí nghiệm Tham chiếu Quốc gia (NRL) xác nhận sự xuất hiện của một biến thể XE, kết hợp của biến thể phụ BA.1 và BA.2 của Omicron dễ lây lan hơn 10% so với biến thể ban đầu.

Ngoài ra, Australia mới đây đã phát hiện 2 ca nhiễm biến thể Deltacron và Omicron tái tổ hợp, bao gồm một ca nhiễm Deltacron - kết hợp giữa hai biến thể Delta và Omicron - và một ca nhiễm kết hợp hai biến thể phụ BA.1 và BA.2 của Omicron.

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 2/3 dân số ở châu Phi có thể đã mắc Covid-19, cao hơn khoảng 97 lần so với con số công bố chính thức.

Trong khi đó, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cũng thông tin rằng khoảng 49,9% trẻ em Hàn Quốc trong độ tuổi từ 0-9 tuổi, đã từng nhiễm Covid-19. Tỷ lệ nhiễm bệnh của trẻ nhỏ tại nước này cao hơn nhiều so với các độ tuổi khác, được lý giải do hệ miễn dịch của trẻ nhỏ yếu hơn so với người trưởng thành.

Quốc gia phòng dịch nghiêm ngặt hàng đầu thế giới hiện tại vẫn là Trung Quốc, khi nước này trong tuần qua đã nâng cấp việc phong toả Thượng Hải lên mức toàn thành phố và hiện đang thực hiện xét nghiệm toàn dân vòng thứ 2. Trong tuần, Trung Quốc ghi nhận 10.589 ca nhiễm, nhiều hơn khoảng 100 ca so với tuần trước đó.

Nga dính loạt đòn trừng phạt mới, bị loại khỏi cơ quan Nhân quyền LHQ

Ngày 3/4, Ukraine công bố những bức ảnh tại thành phố Bucha cách thủ đô Kiev hơn 30km, cho thấy những thi thể dân thường và những ngôi mộ tập thể tại đây, cáo buộc quân lính Nga đã gây ra một cuộc “thảm sát” trước khi rút quân.

Mặc dù Nga đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc và cho rằng các bằng chứng của Kiev là nguỵ tạo, nhưng những hình ảnh được cho là ghi lại “tội ác quân sự” đã khiến thế giới rúng động, kích hoạt Mỹ và các đồng minh phương Tây xem xét một loạt biện pháp trừng phạt mới với Moscow.

Theo đó, Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt mới bao gồm lệnh cấm đầu tư mới vào Nga, cấm sáp nhập và các liên doanh tài chính với Nga. Mỹ cũng áp đặt “trừng phạt ngăn chặn hoàn toàn” đối với Sberbank, ngân hàng nắm giữ khoảng 1/3 tổng tài sản ngân hàng của Nga và Alfabank, thể chế tài chính lớn thứ 4 của Nga.

Ngoài ra, Mỹ đã chặn thanh toán ngoại hối của Nga, đẩy nước này bên bờ vực bị tuyên bố phá sản do không thể thanh toán ngoại tệ cho các trái phiếu nước ngoài. Hơn nữa, phía Washington còn áp đặt trừng phạt với nhiều cá nhân Nga, bao gồm các thành viên gia đình Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

Hình ảnh người dân tại Bucha bị giết hại được Ukraine cung cấp cho truyền thông.

 

Các đồng minh của Mỹ, bao gồm các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và NATO, cũng thông qua gói trừng phạt thứ 5 với Nga.

Ngày 7/3, các quốc gia Liên minh châu Âu đã đồng ý cấm nhập khẩu than của Nga, đánh dấu biện pháp trừng phạt đầu tiên nhằm vào ngành năng lượng của Moscow. Ủy ban điều hành của EU cho biết lệnh cấm than sẽ khiến Nga thiệt hại 4 tỷ EUR (4,4 tỷ USD) mỗi năm. Tuy vậy, khối này chưa trừng phạt dầu mỏ và khí đốt Nga do còn nhiều quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung này.

EU cũng đưa ra các biện pháp hạn chế đối với các tổ chức tài chính và cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Nga.

Khối lượng xuất khẩu bị trừng phạt ước tính khoảng 10 tỷ EUR, trong khi các hạn chế đối với nhập khẩu "nguyên liệu thô và các nguyên liệu cực kỳ quan trọng" sẽ ảnh hưởng đến tổng số sản phẩm trị giá 5,5 tỷ EUR.

Hơn nữa, các tàu mang cờ Nga sẽ không được phép vào các cảng châu Âu, trong khi các công ty vận tải từ Nga và Belarus sẽ bị cấm hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Liên minh châu Âu.

Cũng trong ngày 7/3, Đại hội đồng LHQ đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền, sau khi 93 nước tham gia phiên bỏ phiếu ủng hộ hành động này, 24 nước bỏ phiếu phản đối và 58 quốc gia bỏ phiếu trắng.

Trước quyết định từ Đại hội đồng LHQ, đại diện Nga bày tỏ Moscow “lấy làm tiếc” trước quyết định trên, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích cốt lõi của họ bằng mọi cách.

Moscow gọi đây là "bước đi phi pháp và mang động cơ chính trị nhằm trừng phạt một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ vốn theo đuổi một chính sách đối nội và đối ngoại độc lập" và tuyên bố sẽ kết thúc sớm nhiệm kỳ tại cơ quan này.

FAO: Giá lương thực thế giới cao kỷ lục do chiến sự tại Ukraine

Ngày 8/4, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết Chỉ số Giá Lương thực, theo dõi sự thay đổi hàng tháng của giá quốc tế đối với một rổ hàng hóa, đạt trung bình 159,3 điểm trong tháng 3, tăng 12,6% so với tháng trước đó, lên mức cao kỷ lục mới kể từ khi ghi nhận các chỉ số năm 1990.

Theo cơ quan của LHQ, giá các mặt hàng thực phẩm như ngũ cốc và dầu thực vật đạt mức cao nhất từ trước đến nay vào tháng trước chủ yếu là do cuộc chiến của Nga ở Ukraine và "sự gián đoạn nguồn cung lớn" mà nó đang gây ra, đe dọa hàng triệu người ở châu Phi, Trung Đông và các nơi khác với nạn đói và suy dinh dưỡng.

FAO cho biết cuộc chiến ở Ukraine là nguyên nhân chủ yếu khiến giá ngũ cốc, bao gồm lúa mì và các loại khác như yến mạch, lúa mạch và ngô, tăng 17,1%. Dầu thực vật tăng 23,2% do giá dầu hạt hướng dương được sử dụng để nấu ăn cao hơn.

Nga và Ukraine lần lượt chiếm khoảng 30% và 20% xuất khẩu lúa mì và ngô toàn cầu, đồng thời cũng là các nước xuất khẩu dầu hướng dương hàng đầu thế giới, do vậy, cuộc khủng hoảng của 2 quốc gia này cũng khiến nguồn cung các mặt hàng nông sản gián đoạn và đẩy giá các sản phẩm lên cao chưa từng có.

Josef Schmidhuber, Phó giám đốc bộ phận thương mại và thị trường của FAO cho biết: “Mặc dù có thể dự đoán được giá lương thực tăng cao, nhưng điều này thực sự đáng chú ý. Rõ ràng, những mức giá thực phẩm rất cao này đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp”.

Giá lương thực tăng vọt và nguồn cung từ Nga và Ukraine bị gián đoạn đã đe dọa tình trạng thiếu lương thực ở các quốc gia ở Trung Đông, châu Phi và một số khu vực của châu Á, nơi nhiều người đã không đủ ăn.

Các quốc gia đó dựa vào nguồn cung cấp lúa mì và các loại ngũ cốc khác với giá cả phải chăng từ khu vực Biển Đen để nuôi sống hàng triệu người sống bằng bánh mì được trợ cấp và mì giá rẻ, và giờ đây họ phải đối mặt với khả năng thêm bất ổn chính trị.

Các nhà sản xuất ngũ cốc lớn khác như Mỹ, Canada, Pháp, Úc và Argentina đang được theo dõi chặt chẽ để xem liệu họ có thể nhanh chóng tăng sản lượng để lấp đầy khoảng trống, nhưng nông dân phải đối mặt với các vấn đề như chi phí nhiên liệu và phân bón tăng cao do chiến tranh, hạn hán và gián đoạn chuỗi cung ứng.

FAO cũng giảm mức dự báo sản lượng lúa mỳ toàn cầu trong năm 2022 từ 790 triệu tấn xuống còn 784 triệu tấn do lo ngại rằng ít nhất 20% khu vực trồng cấy vụ Đông ở Ukraine có thể không có sản phẩm thu hoạch.

Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới 2022

Hôm 5/4, Forbes đã công bố danh sách thường niên các tỷ phú thế giới năm 2022. Danh sách bao gồm 2.668 tỷ phú trên khắp thế giới với tổng giá trị tài sản 12.700 tỷ USD.

Theo Forbes, chiến tranh, đại dịch và thị trường ế ẩm ảnh hưởng đến các tỷ phú thế giới trong năm nay. Bởi lẽ, tổng tài sản của các tỷ phú trong năm nay ít hơn 400 tỷ USD so với danh sách năm 2021.

Sự sụt giảm nghiêm trọng nhất đã xảy ra ở Nga, nơi có ít hơn 34 tỷ phú so với năm ngoái sau cuộc tấn công quân sự vào Ukraine và Trung Quốc, nơi chính phủ đàn áp công nghệ các công ty đã dẫn đến ít hơn 87 tỷ phú Trung Quốc trong danh sách.

Trái lại, có hơn 1.000 tỷ phú giàu đã chứng kiến khối tài sản gia tăng so với 1 năm trước. Ngoài ra, thế giới cũng có thêm 236 tỷ phú mới, bao gồm cả những người đầu tiên đến từ Barbados, Bulgaria, Estonia và Uruguay.

Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới, với 735 tỷ phú cùng khối tài sản trị giá 4.700 tỷ USD, trong đó có Elon Musk, người lần đầu tiên đứng đầu danh sách Tỷ phú thế giới. Trung Quốc (bao gồm cả Ma Cao và Hong Kong) vẫn đứng thứ hai, với 607 tỷ phú với tổng trị giá 2.300 tỷ USD.

Trong số 10 tỷ phú giàu nhất thế giới năm nay, có nhiều cái tên quen thuộc tới từ Mỹ. Chỉ có 1 tỷ phú duy nhất người Ấn Độ là ông Mukesh Ambani (82 tỷ USD) lọt vào top 10, trong khi có tới 8 tỷ phú người Mỹ.

Người đứng đầu danh sách năm nay là ông chủ Tesla Elon Musk với khối tài sản 219 tỷ USD, theo sau là Jeff Bezos (171 tỷ USD), tỷ phú Bernard Arnault và gia đình từ Pháp (158 tỷ USD), tỷ phú công nghệ Bill Gates (129 tỷ USD) và ông chủ Berkshire Hathaway là Warrent Buffett (118 tỷ USD).

Elon Musk trở thành cổ đông lớn nhất của Twitter

Ngày 4/4, tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk cho biết ông đang nắm giữ 9,2% cổ phần tại Twitter Inc, qua đó trở thành cổ đông lớn nhất của mạng xã hội này và khiến giá cổ phiếu của Twitter tăng 23%.

Theo đó, ông Musk nắm giữ khoảng 73,5 triệu cổ phiếu của Twitter, với tổng giá trị lên đến 2,9 tỷ USD. Số cổ phiếu trên thuộc sở hữu của quỹ Elon Musk Revocable Trust mà ông là thành viên duy nhất.

Động thái trên của ông Musk được đưa ra ngay sau bài đăng của ông trên trang Twitter cá nhân, cho biết ông đang “suy nghĩ nghiêm túc” về việc xây dựng một nền tảng mạng xã hội mới.

Ông Musk hiện có hơn 80 triệu người theo dõi trên Twitter kể từ khi tham gia mạng xã hội này vào năm 2009 và đã sử dụng nền tảng này để đưa ra nhiều thông báo.

Ngày 5/4, Twitter đã gửi hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) về việc bổ nhiệm ông Musk vào ban quản trị của công ty. Với 9,2% cổ phần, tỷ phú này sẽ giữ chức Giám đốc hạng II với nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2024.

Ông Musk cũng cam kết sẽ không sở hữu nhiều hơn 14,9% cổ phiếu Twitter trong giai đoạn này.

Xem thêm >> EU ngừng nhập than, Nga bán cho thị trường khác

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Sổ đỏ mới có QR: Tiện lợi nhưng nguy cơ lộ thông tin cá nhân

Sổ đỏ mới có QR: Tiện lợi nhưng nguy cơ lộ thông tin cá nhân

(VNF) - Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, nhìn nhận việc in mã QR trên sổ đỏ, sổ hồng mới vô cùng tiện lợi nhưng cũng có thể dẫn đến việc làm lộ thông tin cá nhân của chủ sở hữu sổ, bị dùng vào mục đích xấu.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ được giao điều hành Bộ Công an

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ được giao điều hành Bộ Công an

(VNF) - Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, được giao điều hành Bộ Công an, theo quyết định của Thủ tướng.

Cổ phiếu của ‘ông lớn’ năng lượng Nga lao dốc sau báo cáo thu nhập gây thất vọng

Cổ phiếu của ‘ông lớn’ năng lượng Nga lao dốc sau báo cáo thu nhập gây thất vọng

(VNF) - Chính phủ Nga đã chỉ thị cho Gazprom, công ty từng có doanh thu lớn nhất của Nga, không trả cổ tức sau khoản lỗ kỷ lục và giá cổ phiếu lao dốc.

Miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công an đối với Đại tướng Tô Lâm

Miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công an đối với Đại tướng Tô Lâm

(VNF) - Sáng 22/5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an đối với Đại tướng Tô Lâm.

Tâm thế mới với cổ phiếu Sacombank

Tâm thế mới với cổ phiếu Sacombank

(VNF) - Việc Sacombank “sang trang mới” là tin tốt với ngân hàng này, nhưng với cổ phiếu của Sacombank thì không hẳn như vậy. Cổ phiếu thường tạo đáy trong thời kỳ “tranh tối tranh sáng”, còn khi đã “sáng rõ” rồi thì điểm mua tốt nhất đã qua đi từ lâu.

‘Cuộc chiến’ khốc liệt tranh thị phần tỷ USD của các chuỗi cà phê ở Việt Nam

‘Cuộc chiến’ khốc liệt tranh thị phần tỷ USD của các chuỗi cà phê ở Việt Nam

Trong khi Highlands, Phúc Long miệt mài mở cửa hàng mới thì Trung Nguyên đẩy mạnh mở cửa hàng ở nước ngoài còn The Coffee House giảm điểm bán.

Lừa bán dự án ‘ma’ Long Trường Diamond, Giám đốc Thương Tín Real nhận 12 năm tù

Lừa bán dự án ‘ma’ Long Trường Diamond, Giám đốc Thương Tín Real nhận 12 năm tù

(VNF) - Tòa án Nhân dân TP. HCM xét xử Lê Văn Giang (Phó giám đốc ) và Hồ Kim Thuận (Giám đốc) Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Thương Tín Real về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 27 tỷ đồng.

Loạt siêu thị, trung tâm thương mại tại cửa khẩu Mộc Bài bỏ hoang

Loạt siêu thị, trung tâm thương mại tại cửa khẩu Mộc Bài bỏ hoang

(VNF) - Từ năm 2014 do thay đổi chính sách thuế nên hàng loạt siêu thị tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài phải đóng cửa.

Dongfeng ra mắt xe đầu kéo phiên bản ‘rồng thiêng’ GX 450

Dongfeng ra mắt xe đầu kéo phiên bản ‘rồng thiêng’ GX 450

(VNF) - Tập đoàn Dongfeng vừa công bố những thông số của mẫu xe đầu kéo GX 450 - “Rồng Thiêng” độc bản năm Giáp Thìn dành riêng cho thị trường Việt Nam. Thông tin đã gây ấn tượng với nhiều khách hàng bởi các trang bị lần đầu tiên xuất hiện tại dòng xe đầu kéo.

TP.HCM: Chuẩn bị xây thêm 35 nghìn căn nhà ở xã hội

TP.HCM: Chuẩn bị xây thêm 35 nghìn căn nhà ở xã hội

(VNF) - Sở Xây dựng TP. HCM đang tập trung hoàn tất thủ tục pháp lý cho 37 dự án nhà ở xã hội (bao gồm các dự án đang thi công), với quy mô khoảng 35.000 căn.

Điểm những dự án ở TP.HCM mở bán hàng nghìn căn hộ, giá 50 - 200 triệu/m2

Điểm những dự án ở TP.HCM mở bán hàng nghìn căn hộ, giá 50 - 200 triệu/m2

(VNF) - Dù thị trường được đánh giá là chững lại, tuy nhiên các chủ đầu tư vẫn chào giá căn hộ dự án mới tại TP.HCM với mức giá từ 50.000.000 đồng/m2 trở lên.