'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
“Rất nhiều nhà đầu tư cá nhân coi đầu tư tài chính như một canh bạc, một nghề tay trái, không đầu tư thời gian, công sức nhưng lại kỳ vọng một tỷ suất sinh lời vượt trội”, bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc (CEO) của Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) chia sẻ với VietnamFinance xung quanh chủ đề “Sự trỗi dậy của nhà đầu tư cá nhân và vai trò của các trung gian đầu tư tài chính”.
Tính đến hết tháng 5/2022, tổng giá trị tài sản SSIAM quản lý là hơn 14.000 tỷ đồng (tương đương với 640 triệu USD), bao gồm các quỹ đầu tư cổ phiếu niêm yết với chiến lược chủ động, quỹ ETF đầu tư thụ động, quỹ đầu tư trái phiếu, quỹ đầu tư cổ phần tư nhân (private equity - PE)…
- Bà có nhìn nhận như thế nào về quy mô vốn cũng như năng lực (kiến thức, kỹ năng, tâm lý giao dịch) của nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam? Đâu là ưu điểm, hạn chế?
CEO SSIAM Lê Thị Lệ Hằng: Trong vòng 2 năm qua, thị trường chứng khoán đã ghi nhận sự tăng trưởng đột phá, có thể nói là mang tính bước ngoặt về số lượng và quy mô của các nhà đầu tư cá nhân.
Có lẽ sẽ là thừa khi nói về những số liệu này, nhưng năm 2020, cả thị trường chỉ có thêm 395.000 tài khoản mở mới thì con số này là 1,5 triệu trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022 ghi nhận gần 1,4 triệu tài khoản đầu tư cá nhân mở mới ở các công ty chứng khoán trong nước. Tổng số tài khoản đầu tư do vậy cũng ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục lên gần 5,7 triệu và con số thống kê này từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thậm chí có thể còn chưa phản ánh hết số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường thông qua các nền tảng công nghệ fintech như Finhay, Tikop.
Đây là điều đáng mừng từ góc nhìn của SSIAM ở 3 khía cạnh. Thứ nhất, các nhà đầu tư cá nhân đã và đang nhìn nhận thị trường chứng khoán như một kênh đầu tư hấp dẫn, có tiềm năng sinh lợi nhuận tốt. Thứ hai, sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân khiến thị trường chứng khoán ngày càng trở thành một kênh huy động và phân bổ vốn tốt cho các doanh nghiệp để phát triển, qua đó tạo ra giá trị thặng dư cho nền kinh tế. Thứ ba, thanh khoản cao sẽ giúp thị trường hoạt động ngày càng hiệu quả và minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần giúp sức nâng hạng thị trường.
Những ảnh hưởng của nhà đầu tư cá nhân lên thanh khoản thị trường quả thật là không nhỏ. Nếu như năm 2020, trung bình giá trị giao dịch mỗi phiên trên toàn chỉ số VN-Index chỉ khoảng 274 triệu USD thì con số này năm 2021 đã tăng hơn gấp 3 lần lên tới 942 triệu USD với nhiều phiên giao dịch có tổng giá trị chứng khoán được chuyển nhượng lên đến hơn 2 tỷ USD. Mặc dù thị trường có nhiều biến động trong năm 2022, thanh khoản của VN-Index vẫn ở mức rất tốt, đạt 997 triệu USD trung bình mỗi phiên trong 5 tháng đầu năm, với trên 80% đến từ hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân. Đây chính là điểm đáng chú ý nhất.
Điều dễ nhận thấy là các nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường có tần suất giao dịch rất cao, cùng với đó là việc sử dụng các công cụ đòn bẩy như vay margin hay tham gia thị trường phái sinh, mà không có sự cân nhắc, nghiên cứu kĩ lưỡng về giá trị nội tại của khoản đầu tư, tiềm năng lợi nhuận cùng mức độ rủi ro. Điều này cũng dễ hiểu vì không phải ai cũng có kiến thức và kĩ năng chuyên môn về kế toán, tài chính, kinh tế để có thể phân tích như một nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Rất nhiều nhà đầu tư cá nhân coi đầu tư tài chính như một canh bạc, một nghề tay trái, không đầu tư thời gian, công sức nhưng lại kỳ vọng một tỷ suất sinh lời vượt trội. Khi thị trường diễn biến tích cực, nhà đầu tư rất dễ nhầm lẫn giữa kỹ năng đầu tư và sự may mắn, gây ra tâm lý tự tin quá đà và đánh cược với mức rủi ro lớn. Ngược lại, khi thị trường đảo chiều hay có nhiều biến động, các nhà đầu tư cá nhân thường bị chi phối bởi các yếu tố tâm lý, cảm xúc sợ hãi bị phóng đại, cùng các thiên kiến về nhận thức (cognitive and emotional biases), dẫn đến những hành động đi ngược lại với lợi ích đầu tư của chính mình trong dài hạn.
SSIAM là công ty quản lý quỹ với phong cách đầu tư giá trị, do vậy chúng tôi thường tâm đắc những bài học từ nhà đầu tư lẫy lừng Benjamin Graham: “The investor’s chief problem - and even his worst enemy - is likely to be himself; investing isn’t about beating others at their game. It’s about controlling yourself at your own game” - tạm dịch: kẻ thù lớn nhất của các nhà đầu tư không phải ai khác mà chính là bản thân mình, và đầu tư không phải là chiến thắng ai khác hay thị trường mà là chiến thắng chính bản thân mình. Các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam hiện chưa làm tốt điều này và cần phải giữ một cái đầu lạnh để tỉnh táo hơn trong bất kỳ điều kiện thị trường nào.
- Nhà đầu tư cá nhân Việt Nam phần lớn đang tiếp cận thị trường chứng khoán theo hướng tự thân. Đây liệu có phải là cách tiếp cận hiệu quả? Tại nước ngoài thì sao, thưa bà?
Quả đúng là như vậy. Những số liệu chúng tôi ghi nhận được cho thấy khoảng hơn 80% thanh khoản thị trường đến từ giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân, và chúng tôi đặc biệt lưu ý sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa nhỏ, có biến động giá cao, và mang tính chất đầu cơ (speculative) với mức độ rủi ro lớn. Điều này không có gì quá ngạc nhiên vì thị trường chứng khoán thật ra vẫn còn rất mới mẻ khiến nhiều nhà đầu tư phấn khích, đặc biệt là trong môi trường 2 năm qua khi nhà đầu tư có thể nhìn thấy sự tăng trưởng tốt của lợi nhuận đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân cần quan tâm hơn đến kĩ năng quản trị rủi ro và các phương thức đầu tư giá trị với tầm nhìn dài hạn trong điều kiện thị trường nhiều biến động.
Hiện tượng nhà đầu tư cá nhân tự quản lý tài sản đầu tư thường được nhìn thấy ở các thị trường mới nổi chưa có nhiều định chế, trung gian tài chính và sản phẩm đầu tư có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thêm vào đó, việc thị trường diễn biến tốt cũng thường tạo ra khuynh hướng tự tin vào kỹ năng đầu tư, mặc dù sự thật là nhiều nhà đầu tư cá nhân không dành nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu tìm hiểu một cách kỹ lưỡng cho danh mục đầu tư của mình.
Xu hướng này thường sẽ thay đổi dần theo thời gian. Nếu như những năm đầu thập kỷ 2010, khoảng 60% giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán Trung Quốc được nắm giữ bởi các nhà đầu tư cá nhân, con số này vào năm 2020 đã giảm xuống chỉ còn 42% và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống còn 30% vào năm 2030 (theo Goldman Sachs Global Investment Research). Con số này ở thị trường chứng khoán Đài Loan và Hàn Quốc lần lượt là 35% (năm 2018) và 38% (năm 2013), hay thậm chí còn thấp hơn nữa như ở Nhật Bản với 17% (năm 2018) và Hong Kong với 14% (năm 2019). Do vậy khi nhìn vào các thị trường phát triển hơn đi trước, chúng tôi nhận định rằng Việt Nam cũng sẽ không phải ngoại lệ.
Lý do dễ nhận thấy nhất đó là quy mô thị trường ngày càng lớn với nhiều danh mục chứng khoán (hiện thị trường có hơn 800 cổ phiếu niêm yết, chưa tính sàn UPCoM), cùng nhiều công cụ chứng khoán nợ, phái sinh, và loại hình tài sản khác như chứng chỉ quỹ, bảo hiểm, bất động sản, cổ phần tư nhân (private equity - PE)… sẽ khiến việc tự quản lý tài sản đầu tư ngày càng phức tạp. Các nhà đầu tư cá nhân không có đủ thời gian, kỹ năng, công cụ phân tích sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư hiệu quả. Đây là yếu tố thuận lợi cho mô hình dịch vụ quản lý tài sản/gia sản chuyên nghiệp có nhiều dư địa phát triển.
Bên cạnh đó, những nghiên cứu kinh tế học đã chỉ ra rằng phần lớn các nhà đầu tư cá nhân sẽ không kịp giải ngân khi thị trường điều chỉnh hay chốt lời khi thị trường đạt đỉnh, mà các yếu tố tâm lý sẽ khiến hoạt động đầu tư thường ngược lại khi cắt lỗ ở mức cao và mua vào sau khi thị trường đã quá đà tăng trưởng. Hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân thường thiếu hiệu quả, do không phải ai cũng có thể trở thành nhà quản lý quỹ đầu cơ (hedge-fund manager) và có khả năng tạo lợi nhuận đầu tư vượt trội so với thị trường trong dài hạn. Việc có được sự nhạy cảm với thị trường để có thể lựa chọn thời điểm đầu tư nhằm mua rẻ, bán đắt, là rất khó thực hiện trên thực tế. Do vậy, chúng tôi tự tin rằng nhu cầu quản lý đầu tư và quản lý gia sản một cách chuyên nghiệp sẽ ngày càng phát triển trong những năm tới.
- Theo bà, nên làm gì để nhà đầu tư cá nhân tìm đến các trung gian đầu tư tài chính? Ở nước ngoài, việc phát triển các trung gian tài chính diễn ra như thế nào?
Việc đầu tư vào các quỹ được quản lý chuyên nghiệp bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm, với quy trình đầu tư bài bản, chặt chẽ để đảm bảo quản trị rủi ro, hay tự quản trị danh mục và tài sản đầu tư của chính mình, luôn luôn là lựa chọn cá nhân của mỗi nhà đầu tư.
Với các nhà đầu tư muốn tự quản trị gia sản của mình, chúng tôi khuyến nghị nên có sự nghiên cứu kỹ lưỡng trên từng danh mục để có thể đưa ra quyết định đầu tư một cách hợp lý nhất, đa dạng hóa danh mục để giảm thiểu rủi ro phi hệ thống và nên có tầm nhìn chiến lược dài hạn. Để đạt được hiệu quả đầu tư trong dài hạn, quản trị rủi ro nên là ưu tiên hàng đầu và điều này thường được làm tốt nhất ở các quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ.
Chúng tôi lạc quan vào sự phát triển của thị trường chứng khoán nói chung cũng như dịch vụ đầu tư, trung gian tài chính nói riêng. Ngành dịch vụ tài chính và đầu tư là một ngành nhạy cảm và phức tạp, không phải ai cũng làm được do gắn liền với lợi ích trực tiếp của khách hàng, do vậy chuyên nghiệp hóa là xu thế tất yếu. Chúng ta đã thấy các nhà đầu tư tổ chức và các quỹ đầu tư chiếm phần lớn hoạt động đầu tư chứng khoán ở các thị trường phát triển và Việt Nam cũng sẽ không phải là ngoại lệ.
Ở Trung Quốc, các nhà đầu tư tổ chức chỉ nắm khoảng 40% tổng giá trị vốn hóa thị trường những năm 2010 nhưng đã nhanh chóng phát triển lên đến 58% vào năm 2020. Theo nghiên cứu từ Goldman Sachs Global Investment Research, các quỹ mở, quỹ đầu tư PE và các dịch vụ quản lý gia sản tại Trung Quốc dự kiến có mức tăng trưởng thị phần 14% mỗi năm trong vòng 5 năm tới khi các nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu thế sử dụng các dịch vụ đầu tư chuyên nghiệp, với tổng doanh thu dự kiến năm 2025 cho các dịch vu đầu tư và quản lý gia sản lên đến 58 tỷ USD.
Ở Hoa Kỳ, vào những năm 1950, tài sản cổ phiếu tự quản lý bởi các nhà đầu tư cá nhân lên đến hơn 55% nhưng đến 2020, con số này chỉ còn là 11%. Đặc biệt là 65% tài sản đầu tư tài chính của mỗi gia đình Hoa Kỳ được phân bổ vào các quỹ hưu trí, quỹ mở và quỹ bảo hiểm, được quản lý chuyên nghiệp bởi các định chế và trung gian tài chính.
- Bà có kiến nghị gì với cơ quan quản lý nhà nước để thúc đẩy sự phát triển của các trung gian đầu tư tài chính tại Việt Nam?
Trong nhiều năm qua, cơ quan quản lý đã nỗ lực thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và các ngành dịch vụ, trung gian đầu tư tài chính nói riêng phát triển một cách vượt bậc. Những chính sách hội nhập học hỏi từ các thị trường phát triển như Hoa Kỳ, Hàn Quốc đã và đang tạo ra một môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi và minh bạch. Chúng tôi tiếp tục hoan nghênh những sáng kiến đổi mới ở khía cạnh chính sách để Việt Nam ngày càng tương đồng với những thông lệ quốc tế từ thế giới.
Điều đầu tiên, chúng tôi hy vọng các cơ quan quản lý có thể tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính, loại bỏ các thủ tục, giấy tờ không cần thiết, đẩy mạnh việc chuyển đổi số và xây dựng các cơ sở hạ tầng điện tử. Điều này sẽ làm giảm những gánh nặng trong vận hành và trao đổi thông tin giữa 3 bên: cơ quan quản lý, trung gian tài chính và các nhà đầu tư. Các giấy tờ bản cứng nếu không thật sự quan trọng cần được đơn giản hóa và chuyển thành bản mềm điện tử để có thể thuận tiên hơn cho các trung gian tài chính mở rộng quy mô, tiếp cận và phục vụ hàng triệu nhà đầu tư trong nước, cùng với đó, trao đổi thông tin với các bên liên quan một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Thêm vào đó, các cơ quan quản lý cần cải tiến công nghệ và cơ sở hạ tầng để theo kịp sự phát triển của thị trường. Cụ thể là các cơ quan quản lý cần tăng cường việc xây dựng và nâng cấp các hệ thống vận hành và cổng thông tin điện tử cho những nền tảng thị trường quan trọng như VSD, sở giao dịch VNX và tiếp tục triển khai những nền tảng mới như cổng thanh toán bù trừ, hệ thống thấu chi, các sàn giao dịch phái sinh... Những cải tiến đó sẽ góp phần tăng năng lực thị trường và giúp các quỹ đầu tư, ngân hàng, trung gian tài chính có thể phát triển những sản phẩm ngày càng tốt hơn để phục vụ khách hàng.
Ở khía cạnh sản phẩm tài chính, các cơ quan quản lý nên tăng cường việc trao đổi, hợp tác với đối tác tại các quốc gia có thị trường tài chính, đầu tư phát triển để tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, cải thiện nghiệp vụ vận hành thị trường và hỗ trợ các sản phẩm tài chính ngày càng phức tạp. Điều này là cần thiết để nâng cao kỹ thuật thị trường và nâng tầm ngành công nghiệp dịch vụ tài chính tương đương với các chuẩn mực quốc tế.
Ngoài ra, khả năng chuyên môn của nhà quản lý cùng với công nghệ tiên tiến sẽ giúp đảm bảo việc thị trường hoạt động lành mạnh, giảm thiểu rủi ro hệ thống và thúc đẩy hoạt động đầu tư. Thêm vào đó, các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện để thị trường có thể thử nghiệm, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới theo mô hình thế giới và phục vụ các nhà đầu tư trong thời đại mới.
Với nhận định rằng ngành đầu tư tài chính sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phân bổ nguồn vốn, tạo ra giá trị thặng dư cho nền kinh tế, chúng tôi cho rằng nhà nước nên có các chính sách, biện pháp để khuyến khích đầu tư và tăng độ thâm nhập của các sản phẩm tài chính đến đại bộ phận dân số. Những sản phẩm mang tính nhân văn như quỹ hưu trí với nhiều ý nghĩa cho an sinh xã hội cần được khuyến khích, mà cụ thể nhất sẽ là các chính sách miễn giảm, ưu đãi thuế với nhà đầu tư, người lao động tham gia quỹ hưu trí, cùng với các doanh nghiệp đóng góp vào các mô hình quỹ hưu trí tư nhân tự nguyện. Hiện nay, những ưu đãi về thuế này là rất hạn chế, không tạo ra nhiều khuyến khích cho hoạt động đầu tư tích lũy cho nghỉ hưu.
>>> Xem thêm: Đọc gì trên Đặc san Toàn cảnh Đầu tư Tài chính Việt Nam?
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.