Tài chính

Khối ngoại bán ròng kỷ lục, TTCK trong trạng thái quá mua: Rủi ro điều chỉnh hiện hữu?

(VNF) - Thị trường chứng khoán (TTCK) vừa ghi nhận tuần bán ròng kỷ lục của khối ngoại. VCSC cho rằng TTCK đã ở sâu trong trạng thái bị mua quá mức và cần có những sự củng cố để hạ nhiệt khi mà khối lượng giao dịch không thể gia tăng mãi mãi. Trong khi đó, SSI cũng nêu quan điểm thận trọng về triển vọng ngắn hạn của thị trường. Ngược lại, VDSC và VCBS đều khuyến nghị nhà đầu tư có thể gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu.

Khối ngoại bán ròng kỷ lục, TTCK trong trạng thái quá mua: Rủi ro điều chỉnh hiện hữu?

Khối ngoại bán ròng kỷ lục, TTCK trong trạng thái quá mua: Rủi ro điều chỉnh hiện hữu?

VN-Index đóng cửa tuần thứ 23 của năm 2021 với 5 phiên tăng điểm, có thêm 53,59 điểm, tương đương 4,06%, dừng lại ở mức 1.374,05 điểm.

Theo thống kê của FiinGroup, thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HoSE đạt 26.441 tỷ đồng, tăng 16,18% so với tuần trước đó và tiếp tục là tuần có thanh khoản cao nhất lịch sử.

Trong tuần, khối ngoại bán ròng 6.052 tỷ đồng trên HoSE, trong đó họ bán ròng khớp lệnh 5.672 tỷ đồng. Đây là tuần bán ròng mạnh nhất của nhà đầu tư nước ngoài trong lịch sử.

Khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong tuần là nhóm Tài nguyên cơ bản và Ngân hàng. Theo mã cổ phiếu, họ bán ròng khớp lệnh mạnh nhất HPG, MBB, VIC, VNM, STB, VCB, VJC, MSN, LPB, CII, CTG, VHM.

Ngược lại, họ mua ròng ngành Dầu khí, Dịch vụ tài chính. Theo mã, họ mua mạnh nhất PLX, OCB, SSI, VRE, VIX, KDH, TPB, NKG, FLC, DBC, DGC.

Riêng với nhóm cổ phiếu họ Vingroup, nước ngoài mua ròng VRE trong khi bán ròng VIC và VHM.

Đối ứng với mức bán ròng lịch sử của khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng 6.670 tỷ đồng trên HoSE, trong đó mua ròng khớp lệnh là 6.218 tỷ đồng, tập trung vào nhóm Tài nguyên cơ bản, Ngân hàng, Dầu khí. Top cổ phiếu được mua ròng là HPG, MBB, VIC, PLX, STB, VNM, ACB, VCB, DXG, LPB.

Trong khi đó, họ bán ròng ngành Điện, Nước, Xăng dầu, Khí đốt. Theo mã, họ bán ròng mạnh nhất OCB, DBC, VRE, SSI, TCB, NKG, FLC, VIX, TPB, KDH.

"Cùng phe" với khối ngoại, tổ chức trong nước bán ròng 903 tỷ đồng, trong đó bán ròng khớp lệnh 1.350 tỷ.

Họ mua ròng khớp lệnh nhiều nhất nhóm Điện, Nước, Xăng dầu, Khí đốt. Theo mã, họ mua ròng mạnh nhất VIC, VPB, GAS, MSB, VJC, TCB, CTG, SSI, FLC, NVL.

Họ bán ròng khớp lệnh mạnh nhất ở ngành Dầu khí, Ngân hàng, Tài nguyên cơ bản. Theo mã, họ bán ròng mạnh nhất PLX, HPG, ACB, MBB, FIT, FPT, DXG, TSC, STB, IJC.

Đối ứng, khối tự doanh mua ròng 806 tỷ đồng, trong đó mua ròng qua khớp lệnh 448 tỷ đồng.

Họ mua ròng nhiều nhất nhóm Tài nguyên cơ bản, Ngân hàng, Bất động sản. Theo mã, họ mua ròng khớp lệnh nhiều nhất HPG, IJC, DBC, TCB, VCB, POW, VRE, VNM, NKG, CTG.

Họ bán ròng mạnh nhất ngành Dầu khí, Dịch vụ tài chính. Theo mã, họ bán ròng khớp lệnh nhiều nhất PLX, FUEVFVND, ACB, HSG, GAS, SSI,  VHC, NVL, VPB, MSB.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường chứng khoán Việt Nam vừa kết thúc một tuần "hoàn hảo" với chuỗi tăng điểm vẫn được duy trì.

"Sự hiện diện của dòng tiền hiện tại cho thấy rằng thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục tăng điểm lên tầm cao mới. Do vậy, các nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp tăng này để gia tăng cổ phiếu có xu hướng tốt trong danh mục của mình", chuyên gia của VDSC khuyến nghị.

Có phần đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá lực cầu bắt đáy luôn sẵn sàng xuất hiện và nâng đỡ VN-Index mỗi khi chỉ số chung giảm sâu, theo đó tạo ra đà tăng của chỉ số chung đi cùng sự hưng phấn của nhà đầu tư thể hiện thông qua thanh khoản lớn.

"Nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong những phiên tới cho mục tiêu “lướt sóng” nhưng cần hạn chế mua đuổi giá mà nên tập trung nhiều hơn vào nhóm cổ phiếu có cơ sở tăng trưởng kết quả kinh doanh trong quý II/2021 dựa trên các yếu tố cơ bản. Bên cạnh đó, nhà đầu tư dài hạn cũng có thể tận dụng các phiên "rung lắc" có thể có của thị trường để đa dạng hóa danh mục thêm một số cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc các nhóm ngành khác như bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm,...", chuyên gia của VCBS khuyến nghị.

Trên quan điểm phân tích kỹ thuật, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho hay tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của các chỉ số hai sàn vẫn duy trì ở mức Tích cực. Tất cả các chỉ số trên HoSE đều hướng đến các ngưỡng cản ngắn hạn kế tiếp cùng với sức nóng ngày một gia tăng của thị trường.

VCSC dự báo trong phiên giao dịch đầu tuần, thị trường vẫn tiếp tục thể hiện những nỗ lực tăng điểm bất chấp sự giằng co có thể sẽ diễn ra mạnh hơn. Theo đó, chỉ số VN-Index có thể sẽ hướng dần lên kháng cự Fibonacci kế tiếp quanh mốc 1.385 điểm với chỉ số RSI tiến sát vào mốc 90 điểm (chạm vào vùng đỉnh tháng 4).

"Điều này cho thấy thị trường đã ở sâu trong trạng thái bị mua quá mức và cần có những sự củng cố để hạ nhiệt khi mà khối lượng giao dịch không thể gia tăng mãi mãi. Vì thế, chúng tôi cho rằng khi VN-Index tiệm cận vào kháng cự tiếp theo này thì có thể xuất hiện những phiên điều chỉnh. Ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn của xu hướng tăng của VN-Index ở thời điểm hiện tại nằm ở vùng 1.350 điểm", chuyên gia của VCSC khuyến cáo.

Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 6/2021 công bố mới đây, Công ty Chứng khoán SSI cũng thể hiện quan điểm thận trọng rằng cung chốt lời ngắn hạn sẽ được kích hoạt mạnh khi các chỉ số tiếp tục tiến lên vùng điểm số cao hơn.

"Khi sóng 5 tăng giá của mẫu hình Elliott đang dần được hoàn thiện thì nhà đầu tư nên ưu tiên bảo toàn lợi nhuận trong quá trình chỉ số VN-Index hướng về vùng 1.400 điểm và quay lại tìm cơ hội ở vùng hỗ trợ gần là 1.350 điểm và xa hơn là 1.300 điểm khi có điều chỉnh diễn ra", chuyên gia của SSI cảnh báo.

Tin mới lên