Kiểm soát lạm phát 2025: ‘Không quá nặng nề song không thể chủ quan’
(VNF) - Nêu quan điểm về vấn đề lạm phát trong năm 2025, nhiều chuyên gia khẳng định, kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra không quá nặng nề, song không thể chủ quan.
Những kịch bản cho lạm phát
Phân tích về mục tiêu lạm phát trong năm 2025, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra không quá nặng nề, song không thể chủ quan. Tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến mau lẹ, khó lường, các biện pháp trừng phạt và trả đũa ngày càng diễn ra khốc liệt.
Vì vậy, ông Lâm cho rằng cần những chính sách và giải pháp phải nhanh, điều chỉnh ngay khi có vấn đề phát sinh.
“Đồng thời, các chính sách, giải pháp cần thiết thực, đảm bảo minh bạch, gắn với đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, nghiên cứu “ngưỡng lạm phát” phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế để đặt ra mục tiêu lạm phát trung hạn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay vì mục tiêu lạm phát từng năm”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm kiến nghị.
Từ tháng 8/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hoàn thành cuộc điều tra kỳ vọng lạm phát đối với các chuyên gia kinh tế, kết quả cho thấy bình quân lạm phát các năm 2025 và 2026 sẽ giảm xuống mức thấp hơn so với năm 2024.
Theo Ngân hàng Nhà nước, bình quân lạm phát năm 2024 dự báo có thể đạt khoảng 4%. Trong khi đó, bình quân lạm phát năm 2025 dự báo là 3,87% và năm 2026 sẽ là 3,83%. Theo kết quả này, theo ông Lâm lạm phát sẽ có xu hướng giảm dần trong hơn 2 năm tới, từ năm 2024 đến năm 2026.
PGS - TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu Quốc hội đưa ra về kiểm soát lạm phát năm 2025 là khá thận trọng và chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua được. Nếu không có yếu tố bất ngờ như: thiên tai, chiến tranh, hay tình hình lãi suất thay đổi mạnh mẽ, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng vượt mức mục tiêu.
Ông Đinh Trọng Thịnh dự báo 2 kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Ở kịch bản thận trọng, sẽ có mức tăng trưởng GDP từ 6,8 - 7,3% với lạm phát ổn định trong khoảng 3,2 - 3,5%. Còn trong kịch bản tích cực, GDP có thể đạt từ 7,3 - 7,8% và lạm phát nằm trong mức 3,5 - 3,8%.
Nhận diện những yếu tố làm gia tăng chi phí
Theo bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, có nhiều áp lực lạm phát năm 2025.
Theo đó, hiện nay xung đột quân sự ở một số quốc gia leo thang căng thẳng, diễn biến khó lường, có nguy cơ lan rộng. Cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Cùng với đó, hiện tượng thời tiết cực đoan tác động nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội toàn cầu.
“Điều này có thể tạo nên sự đứt gãy chuỗi cung ứng, làm gia tăng chi phí vận tải, tác động đến biến động giá các mặt hàng chiến lược trên thế giới, gây ra các rủi ro về an ninh năng lượng, an ninh lương thực”, bà Oanh nêu.
Đặc biệt, theo bà Oanh, các chính sách thuế trong nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Donald Trump có khả năng rất khắc nghiệt, dẫn đến các phản ứng trả đũa từ các quốc gia; bảo hộ thương mại và rào cản thương mại gia tăng sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, điều này có thể gây ra một đợt lạm phát mới, đồng thời làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ tăng cao trở lại.
Ở trong nước, theo đại diện Tổng cục Thống kê, chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất có thể tăng lên theo giá thế giới và chịu tác động từ biến động tỷ giá. Điều này ảnh hưởng đến chi phí, giá thành sản phẩm, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực hiện lộ trình thị trường đối với các dịch vụ do Nhà nước quản lý như giá điện, học phí, giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, chi phí sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2025.
Các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công giúp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nhưng cũng có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý.
Ngoài ra, theo quy luật, vào các tháng cuối năm và dịp lễ tết, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng, trong năm nếu thiên tai, dịch bệnh xảy ra sẽ gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, những điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI.
Để giảm áp lực lạm phát 2025, TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục Thống kê cho rằng cần chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cụ thể là: Theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.
'Lạm phát không còn đáng ngại, tăng trưởng triển vọng trên 7%'
- Giá nhiều mặt hàng tăng mạnh, vì sao lạm phát Việt Nam ở mức thấp? 10/10/2024 02:30
- Lương tăng đẩy chỉ số lạm phát tiếp tục đi lên 29/07/2024 05:32
- Biến số nào gây sức ép cho lạm phát? 26/07/2024 12:00
Cầu Quảng Đà kết nối Đà Nẵng - Quảng Nam nhìn từ trên cao
(VNF) - Đây là Cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu được Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt đầu tư vào ngày 23/5/2023 với tổng mức đầu tư hơn 274 tỷ đồng.