Kinh tế năm 2025: 'Ẩn số mang tên Donald Trump'

Anh Vũ - 11/11/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Các chuyên gia cho rằng, lạm phát và câu chuyện lãi suất đã ở lại phía sau, còn ẩn số lớn trong giai đoạn tới là các động thái từ chính quyền mới của Mỹ.

Kinh tế 2025: “Thương mại” và “chiến tranh thương mại”

Theo ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, "từ khóa" chính cho nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2025 là “thương mại” và “chiến tranh thương mại”.

Đây được xem là những từ khóa gắn với nhiệm kỳ mới của ông Donald Trump, người sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ sau nhiệm kỳ 2 không liên tiếp tại Nhà Trắng từ tháng 1 năm 2025.

Chuyên gia: Ẩn số cho nền kinh tế năm 2025 mang tên “Trump”.

Cụ thể, theo phân tích của vị chuyên gia Kinh tế trưởng ADB Việt Nam, cuộc chiến lạm phát của các nước thu nhập cao về cơ bản đã đạt mục tiêu và xu hướng giảm lãi suất đã trở nên rõ ràng.

Trong năm 2024, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất ba lần, tổng cộng từ 75 đến 110 điểm cơ bản. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chậm chân hơn nhưng cũng đã hai lần hạ lãi suất, tổng cộng 75 điểm cơ bản.

Do đó, ông Hùng nhận định, lạm phát và câu chuyện lãi suất đã ở lại phía sau, còn ẩn số lớn trong giai đoạn tới là các động thái từ chính quyền mới của Mỹ.

“Điều khiến mọi người khó đánh giá là ông Donald Trump có làm những gì đã tuyên bố hay không và làm tới mức độ nào”, ông Hùng cho hay.

Đồng thời, theo ông Hùng, chính quyền mới không nhất thiết sẽ làm những gì Tổng thống Trump đã hứa trong tranh cử. Nhưng chắc chắn những chính sách của ông Trump sẽ có ảnh hưởng tới thương mại thế giới.

Bên cạnh đó, các hành động tăng thuế, áp đặt lệnh hạn chế có thể dẫn đến một số biến số cho thương mại toàn cầu trong đó có Việt Nam. Bởi, nền kinh tế Việt Nam độ mở thương mại, xuất khẩu đóng góp lớn vào GDP và tăng trưởng, nên sẽ phải đối mặt với thách thức.

Do đó, giải pháp được ông Hùng đưa ra là bên cạnh việc phát huy lợi thế về kinh tế đối ngoại, cần tập trung kích cầu nội địa, kích thích đầu tư và giúp nền kinh tế phục hồi tốt hơn, từ đó biến thành động lực cho tăng trưởng.

“Trump” và “volatility”

Cùng nhìn nhận ông Trump và các chính sách ở nhiệm kỳ Tổng thống mới có thể tác động lớn đến kinh tế thế giới, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital nhấn mạnh “Trump version 2” (nhiệm kỳ hai của ông Trump) không chỉ ở góc độ thương mại mà còn thiên về một số chính sách tiền tệ.

Trong cuộc họp chính sách ngày 8/11 (theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.

Trong cuộc họp chính sách ngày 8/11 (theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Chủ tịch Jerome Powell theo đó cũng đề cập khả năng Fed sẽ hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 12 sắp tới, với xác suất được giới đầu tư dự đoán khoảng 75%. Tuy nhiên, ông Powell dường như không nhận định về tình hình kinh tế và xu hướng lãi suất trong năm 2025.

Theo Giám đốc Khối Đầu tư của Dragon Capital, lý do ông Powell không đưa ra dự báo cho năm 2025 “là bởi khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, khả năng cao ông sẽ muốn USD mạnh”.

“Khi ông Trump tái đắc cử, lợi suất trái phiếu lập tức tăng mạnh. Điều đó có nghĩa rằng khi lãi suất ở Mỹ duy trì ở mức cao thì không gian của mình về chính sách tiền tệ sẽ hẹp đi. Do đó, Chủ tịch Fed chưa thể nói trước gì về mục tiêu lạm phát.”, ông Tuấn giải thích.

Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, để kích thích kinh tế, xu thế Fed giảm lãi suất là tất yếu.

Ngoài ra, vị chuyên gia này chỉ ra rằng khi ông Trump được dự phóng đã giành chiến thắng, thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn tăng mà không giảm, bởi Bắc Kinh đã chuẩn bị những gói kích cầu rất mạnh và sẽ tung ra dựa theo kết quả bầu cử.

“Khi Trung Quốc bị đánh thuế cao, khả năng nước này thực hiện phá giá đồng tiền là rất lớn. Khi Trung Quốc thực hiện chính sách này nền kinh tế Việt Nam sẽ có những áp lực riêng”, ông Tuấn nói.

Tổng kết lại, Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital cho rằng từ khóa cho nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2025 sẽ là “Trump” và “volatility” (biến động).

Ông Trump trở lại Nhà Trắng: Rủi ro hay cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam?

Ông Trump trở lại Nhà Trắng: Rủi ro hay cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam?

Tiêu điểm
(VNF) - Chính sách thuế quan cứng rắn của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là sẽ tạo ra tác động mang tính hai chiều với hàng xuất khẩu Việt Nam.
Cùng chuyên mục
Tin khác