Ông Trump trở lại Nhà Trắng: Rủi ro hay cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam?
(VNF) - Chính sách thuế quan cứng rắn của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là sẽ tạo ra tác động mang tính hai chiều với hàng xuất khẩu Việt Nam.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 đã ngã ngũ với chiến thắng thuyết phục của ông Donald Trump khi sắc đỏ áp đảo tại hầu hết các bang chiến trường. Trở lại Nhà Trắng với tư cách Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, ông Trump được cho là sẽ khôi phục nhiều chính sách kinh tế từng áp dụng trong nhiệm kỳ đầu, với trọng tâm là các biện pháp thuế quan cứng rắn.
“Người đàn ông thuế quan” (Tariff Man) - cách mà ông Trump tự xưng, dự định tăng thuế nhập khẩu với tất cả các loại hàng hoá từ các quốc gia lên mức 10 - 20% và đặc biệt đề xuất mức thuế 60% trở lên với hàng hoá từ Trung Quốc. Kế hoạch của người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới đặt ra không ít lo ngại cho nhiều quốc gia, đặc biệt là các thị trường xuất siêu sang Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Đồ gỗ và dệt may sẽ là ngoại lệ
Trong cuộc trả lời phỏng vấn giữa tuần, đại diện Agriseco Research chỉ ra rằng, trong kịch bản thông thường, chính sách tăng thuế nhập khẩu nhằm bảo hộ hàng hóa nội địa Mỹ sẽ tạo ra tác động mang tính hai chiều với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Về mặt tiêu cực, việc Mỹ đánh thuế nhập khẩu sẽ trực tiếp làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam so với hàng nội địa. Bên cạnh đó, các cuộc điều tra truy xuất tại Việt Nam nhằm chống lẩn tránh thuế đối với hàng hoá và doanh nghiệp tạm nhập – tái xuất có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc có thể sẽ diễn ra nhiều hơn. Điều này làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Về mặt tích cực, việc hàng Trung Quốc bị đánh thuế nhập khẩu cao hơn không chỉ làm giảm sức hấp dẫn của chúng so với hàng nội địa Mỹ mà còn cả hàng Việt Nam và các nước khác. Khoảng trống thị phần mà hàng hoá Trung Quốc bỏ lại sẽ mở ra cơ hội chiếm lĩnh thị phần, giúp hàng Việt Nam hưởng lợi một cách tương đối.
“Chúng tôi đánh giá hầu hết đều chịu tác động mang tính hai mặt, tích cực và tiêu cực đan xen nhưng hầu hết là tiêu cực nhiều hơn. Một số ngành hàng xuất khẩu chúng tôi kỳ vọng có thể diễn biến ngược lại với xu hướng trên sẽ bao gồm sản phẩm gỗ (nhờ kỳ vọng bất động sản tại Mỹ hồi phục) và dệt may (ngành thâm dụng lao động khó thay thế được bởi chính hàng nội địa Mỹ)”, đại diện Agriseco Research cho hay.
Mỹ có thể không áp thuế nặng với hàng Việt Nam
Có phần lạc quan, ông Michael Kokalari – CFA, Giám đốc Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital cho rằng, Việt Nam không nằm trong danh sách các quốc gia mục tiêu chính.
“Ông Trump là một người theo chủ nghĩa dân túy và Việt Nam được cử tri Mỹ đánh giá cao. Vì vậy, chúng tôi không nhận thấy bất kỳ sự phản đối đáng kể nào đối với việc tiêu thụ các sản phẩm “made in Vietnam” từ người tiêu dùng Mỹ”, ông Michael Kokalari nếu quan điểm.
Theo vị chuyên gia, trên thực tế, Việt Nam có thể được xem là một đối tác hữu ích trong việc giúp Mỹ thoát khỏi việc phụ thuộc vào hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc khi có khả năng sản xuất những mặt hàng mà người tiêu dùng Mỹ muốn mua nhưng quá đắt để sản xuất tại Mỹ.
“Có thể Mỹ sẽ áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu, nhưng chúng tôi cho rằng rất khó có khả năng Mỹ sẽ áp thuế nặng (20-30%) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam”, địa diện VinaCapital nhận định.
Thậm chí, nếu Mỹ áp thuế toàn diện (5-10%) đối với hàng hóa từ tất cả các quốc gia ngoài Trung Quốc, Việt Nam vẫn giữ được lợi thế về dòng vốn FDI so với các đối thủ. Các yếu tố thu hút FDI vào Việt Nam, đã mang lại hàng tỷ USD, sẽ tiếp tục duy trì. Việt Nam sẽ có lợi nếu bắt đầu xem xét cách giảm thặng dư thương mại với Mỹ trước khi vấn đề này trở thành mối quan ngại lớn với chính quyền mới.
Về phía Agriseco Research, đơn vị này cũng không loại trừ kịch bản tích cực nhất rằng chính quyền của ông Trump sẽ không áp dụng bất cứ mức thuế nhập khẩu nào đối với hàng hóa từ Việt Nam. Theo Agriseco Research, trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, Việt Nam từng bị đưa vào danh sách giám sát “thao túng tiền tệ” nhưng không bị áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt xuất khẩu nào.
“Lúc này, Việt Nam sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách tăng thuế nhập khẩu hàng hóa nhiều quốc gia của Mỹ”, Agriseco Research bình luận.
Đơn vị này chỉ ra rằng, xu hướng gia tăng áp thuế vào các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc góp phần tạo nên phản ứng dịch chuyển sản xuất tới các quốc gia mà Mỹ áp thuế nhẹ hơn. Việt Nam - với khoảng cách địa lý gần, chi phí nhân công rẻ, môi trường đầu tư ổn định - được kỳ vọng có lợi thế lớn trong việc đón nhận làn sóng đầu tư quốc tế mới.
Thực tế, trong năm 2019, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra khiến kim ngạch nhập khẩu giữa hai quốc gia này suy giảm, kim ngạch nhập khẩu Mỹ - Việt đã tăng mạnh. Theo Agriseco, xu hướng này sẽ tạo động lực tích cực cho nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp và các nhóm ngành xuất khẩu.
'Rủi ro với VN-Index cao hơn nếu ông Trump đắc cử'
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone