Can thiệp sự độc lập của Fed: Luật không cho phép nhưng ông Trump phá rào?

Quỳnh Anh - 08/11/2024 14:31 (GMT+7)

(VNF) - Việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ đã đặt ra câu hỏi liệu ông có tìm cách hạn chế tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hay không.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump từng nói rằng ông không nghĩ một tổng thống có thể ra lệnh cho Fed phải làm gì và ông cảm thấy người đứng đầu chính phủ nên có "tiếng nói" về chính sách lãi suất của ngân hàng trung ương.

Ông Trump trước đó cũng nói rằng ông sẽ cho phép Chủ tịch Fed Jerome Powell, người mà ông đã thảo luận sa thải vào năm 2018, phục vụ hết nhiệm kỳ của mình nhưng sẽ không tái bổ nhiệm ông Powell làm người đứng đầu ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, trong buổi họp báo công bố lãi suất vào ngày 7/11 của Cục dự trữ Liên bang, Chủ tịch Jerome Powell đã thẳng thắn cho biết ông sẽ không từ chức nếu ông Trump yêu cầu.

Theo ông Powell, Tổng thống không có quyền sa thải hoặc giáng chức ông. “Luật không cho phép điều đó”, ông Powell trả lời các phóng viên.

Tổng thống Donald Trump bắt tay ông Jerome Powell tại Nhà Trắng năm 2017 sau khi công bố đề cử ông vào vị trí chủ tịch Fed.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại năm 2018, có thể thấy vị trí Chủ tịch Fed của ông Jerome Powell được bổ nhiệm bởi chính Tổng thống thời bấy giờ là ông Trump, trước khi hai bên nảy sinh những mâu thuẫn về việc nới lỏng chính sách.

Điều đó cho thấy chức vụ Tổng thống hoàn toàn có thể can thiệp vào vấn đề nhân sự của Fed, và có thể là cả những vấn đề khác. Mặc dù ngân hàng trung ương Mỹ đã duy trì sự độc lập trong một thời gian dài, sự trở lại của ông Donald Trump rất có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho thời kỳ này, khi ông sử dụng quyền lực của mình để can thiệp vào những cơ quan ông thấy có vấn đề.

Bổ nhiệm các quan chức của Fed

Quyền lực trực tiếp nhất của Tổng thống đối với Fed là thông qua việc bổ nhiệm những vị trí để lấp chỗ trống trong Hội đồng Thống đốc và bổ nhiệm họ vào các vị trí chủ chốt, bao gồm cả Chủ tịch.

Các thống đốc có nhiệm kỳ 14 năm và các chủ tịch Fed có nhiệm kỳ 4 năm. Tất cả đều tham gia Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (hay FOMC) nhóm hoạch định chính sách thiết lập lãi suất.

Ông Powell kế nhiệm bà Janet Yellen, hiện là Bộ trưởng Tài chính, vào năm 2018. Năm 2017, ông Trump đã phá lệ khi bổ nhiệm ông Powell làm Chủ tịch Fed, vì thông thường các tổng thống mới không bổ nhiệm lại vị trí này. Tổng thống Joe Biden sau đó đã tái bổ nhiệm ông Powell vào năm 2021.

Ông Jerome Powell kế nhiệm bà Janet Yellen vào năm 2018.

Nhiệm kỳ chủ tịch của ông Powell sẽ hết hạn vào năm 2026 và tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ có cơ hội bổ nhiệm một chủ tịch Fed mới.

Bên cạnh đó, nhiệm kỳ thống đốc kéo dài 14 năm của ông Powell sẽ kết thúc vào năm 2028, điều này sẽ mang đến cho ông Trump một trong hai cơ hội theo lịch trình để bổ nhiệm người mới vào ban quản trị Fed.

Cơ hội còn lại sẽ diễn ra vào tháng 1/2026, thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của Thống đốc Fed Adriana Kugler.

Nhưng hai vị trí đó chỉ đại diện cho một bộ phận nhỏ trong số 19 nhà hoạch định chính sách của Fed — tất cả các thống đốc Fed và chủ tịch của 12 ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực.

Các chủ tịch khu vực không phải do tổng thống lựa chọn mà do các giám đốc của từng ngân hàng lựa chọn, tùy thuộc vào sự chấp thuận của Hội đồng Thống đốc Fed.

Ngoài ra, những người được tổng thống bổ nhiệm vào các vị trí thống đốc, chủ tịch và phó chủ tịch Fed phải nhận được sự xác nhận của Thượng viện. Mặc dù Đảng Cộng hòa của ông Trump đã giành được quyền kiểm soát Thượng viện trong cuộc bầu cử ngày 5/11, nhưng trong lịch sử từ năm 2017 đến 2021, đảng này cũng từng từ chối phê duyệt các đề xuất ông Trump đưa ra liên quan tới các quan chức Fed.

Tạo sức ép

Cách trực tiếp nhất để gửi thông điệp đến Fed là bãi nhiệm chủ tịch của Fed, như ông Trump đã thảo luận vào năm 2018 khi ông tức giận với ông Powell về một loạt các đợt tăng lãi suất. Tuy nhiên, cách này cũng không dễ thực hiện.

Mục 10 của Đạo luật Dự trữ Liên bang nêu rõ các thành viên của Hội đồng Thống đốc, trong đó có chủ tịch, có thể bị "Tổng thống bãi nhiệm vì lý do chính đáng". "Lý do chính đáng" ở đây có thể hiểu là hành vi sai trái nghiêm trọng hoặc lạm dụng quyền lực.

Peter Conti-Brown, giáo sư và nhà sử học Fed tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, cho biết liệu tổng thống có thể bãi nhiệm chủ tịch hay không vẫn còn mơ hồ vì luật không nêu rõ quyền bảo vệ "có lý do" cho vai trò này.

Trong một quãng thời gian, các Tổng thống đến từ cả hai đảng, từng cố gắng tác động đến Fed bằng cách gây sức ép cả công khai và riêng tư, từ khiếu nại trực tiếp cho tới gọi tới khuôn viên riêng để chỉ trích.

Trong nhiệm kỳ trước tại Nhà Trắng, chính ông Trump đã công khai chỉ trích Fed và ông Powell vì một loạt các lần tăng lãi suất.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2024 của mình, ông Trump tiếp tục gợi ý rằng ông sẽ tìm cách tác động đến cách Fed thiết lập chính sách. Ông cũng chỉ trích việc hoạch định chính sách của Fed, nói rằng ngân hàng trung ương đã "sai rất nhiều" và Chủ tịch Powell đã "hơi sớm và hơi muộn" trong các quyết định chính sách.

"Tôi cảm thấy rằng tổng thống ít nhất cũng nên có tiếng nói ở đó", ông Trump nói tại câu lạc bộ Mar-a-Lago của mình ở Palm Beach ngày 8/8.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10, ông Trump cho biết ông không nghĩ rằng Tổng thống có thể ra lệnh cho Fed hành động nhưng có quyền bình luận về hướng đi của lãi suất.

Việc ông Trump liên tục có những phát ngôn liên quan tới quyền hạn của Fed khiến dư luận phải đặt dấu hỏi với ngân hàng trung ương, dẫn tới việc Chủ tịch Fed Jerome Powell thường xuyên phải khẳng định lại về sự độc lập của cơ quan này trong những cuộc họp báo lãi suất gần đây.

Theo Bloomberg
Fed cắt giảm lãi suất 0,25%, Chủ tịch Jerome Powell cứng rắn với ông Trump

Fed cắt giảm lãi suất 0,25%, Chủ tịch Jerome Powell cứng rắn với ông Trump

Tài chính quốc tế
(VNF) - Ngày 7/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất 0,25%, chỉ vài ngày sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ xướng tên ông Donald Trump là người chiến thắng.
Cùng chuyên mục
Tin khác