Kinh tế Việt Nam phục hồi nhưng chưa vững chắc
(VNF) - Kinh tế nước ta dần phục hồi, với dấu hiệu tốt dần lên theo từng quý, tuy vậy có những tháng sự phục hồi khá mong manh. Doanh nghiệp - thực thể kinh tế quan trọng nhất đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức.
Kinh tế Việt Nam dần phục hồi
Năm 2024, hoạt động của nền kinh tế nước ta diễn ra trong bối cảnh thương mại toàn cầu bấp bênh, tăng trưởng của kinh tế thế giới suy giảm, lại chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thiên tai.
Cụ thể, trong quý I/2024 có đến 55,1% số doanh nghiệp phản ánh nhu cầu của thị trường trong nước thấp; 34,2% đề cập về thị trường thế giới suy giảm; 30,4% khó khăn về tài chính và 19,8% không tuyển được lao động theo yêu cầu.
Sang quý II/2024, số doanh nghiệp phản ánh nhu cầu của thị trường trong nước thấp giảm 1,7 điểm phần trăm, xuống còn 53,4%; có 31,6% số doanh nghiệp đề cập về thị trường thế giới suy giảm; 27,9% gặp khó khăn về tài chính; đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp không tuyển được lao động theo yêu cầu tăng 1,1 điểm phần trăm, lên mức 20,9%.
Tình hình doanh nghiệp gia nhập và rút khỏi thị trường đã có tín hiệu khá tích cực. Trong quý I/2024, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường gấp 1,24 lần số doanh nghiệp gia nhập thị trường. Chỉ số này của 6 tháng đầu năm 2024 giảm xuống còn 0,92 lần, tức là số doanh nghiệp rút khỏi thị trường đã thấp hơn số doanh nghiệp gia nhập. Luỹ kế 8 tháng năm 2024, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường chỉ bằng 0,8 lần số doanh nghiệp gia nhập.
Trong 8 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực dịch vụ chiếm tới 75,8%, hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ hoàn toàn phụ thuộc vào tổng cầu tiêu dùng trong nước của nền kinh tế. Năng lực của doanh nghiệp tạo ra sản phẩm vật chất phục vụ chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, tích luỹ và tiêu dùng trong nước tăng không đáng kể.
Chỉ số PMI trong 8 tháng đầu năm 2024 phản ánh sự phục hồi nhẹ, mong manh của công nghiệp chế biến chế tạo. Sản lượng và đơn hàng tăng trở lại ở mức thấp; năng lực sản xuất không thay đổi; việc làm biến động tăng, giảm nhẹ trước thực tế đáng lo ngại đó là doanh nghiệp không thể tuyển đủ lao động theo yêu cầu, dẫn tới công việc bị tồn đọng; giá nguyên vật liệu đầu vào và giá sản phẩm đầu ra tăng lên, tạo áp lực lạm phát, làm suy giảm tổng cầu tiêu dùng trong nước.
Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho các trang trại, hộ trồng lúa, hoa mầu, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phải cần thời gian và nguồn tài chính để tái sản xuất. Nhiều cơ sở du lịch, lưu trú bị hư hỏng, phải đóng cửa để sửa chữa, bỏ lỡ mùa khách du lịch quốc tế cuối năm nay và đầu năm sau, đồng thời cũng khó thu hút được khách nội địa.
Theo ước tính, hậu quả của cơn bão số 3 làm giảm giá trị tăng thêm của cả 3 khu vực: Nông - lâm nghiệp - thuỷ sản giảm khoảng 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%, làm giảm GDP cả năm 2024 khoảng 0,15%.
Khó đạt được kỳ vọng xuất siêu vượt năm ngoái
Kinh tế nước ta có độ mở lớn, nguyên vật liệu dùng trong sản xuất phụ thuộc khá lớn từ nhập khẩu. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa vào “cỗ xe tam mã” với tầm quan trọng khác nhau của ba “ngựa kéo”, cũng là ba động lực tăng trưởng, đó là: Xuất khẩu, giải ngân đầu tư công và giải ngân vốn FDI, tiêu dùng cuối cùng trong nước.
Với xuất khẩu hàng hóa, có triển vọng lập mốc lịch sử mới, thặng dư thương mại đóng góp cho tăng trưởng có thể thấp hơn năm trước.
Cụ thể, năm 2024, hoạt động thương mại hàng hoá quốc tế đóng vai trò đậm nét hơn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế so với đầu tư công và tiêu dùng cuối cùng. Bức tranh xuất khẩu hàng hoá của nước ta ghi dấu ấn đậm nét với kim ngạch xuất khẩu bình quân những tháng sau cao hơn những tháng trước. Bình quân mỗi tháng trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 33,12 tỷ USD. Nếu duy trì được mức xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước trong những tháng còn lại thì tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024 ước tính lập mốc lịch sử mới, vượt mốc 371,82 tỷ USD của năm 2022.
Tuy vậy, nhìn đầy đủ bức tranh xuất, nhập khẩu hàng hoá của nước ta trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn, là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam cắt giảm lãi suất, sẽ tác động tới tỷ giá hối đoái giữa VNĐ và USD theo hướng nâng giá trị của VNĐ. Điều này sẽ thúc đẩy nhập khẩu nhiều hơn, đồng thời hạn chế xuất khẩu. Thêm nữa, sản xuất trong nước phụ thuộc khá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, trong những tháng tới, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gia tăng vào cuối năm, kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh, làm giảm bớt mức xuất siêu cao như trong những tháng gần đây, thậm chí nền kinh tế có thể nhập siêu trong vài tháng cuối năm, làm suy giảm mức thặng dư của cán cân thương mại cả năm.
Năm 2023, cán cân thương mại hàng hoá xuất siêu 27,78 tỷ USD, góp phần rất quan trọng trong tăng trưởng GDP đạt 5,05%. Để hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá năm 2024 đóng góp cho tăng trưởng GDP cao hơn mức 5,05% của năm trước, khi đó cán cân thương mại cả năm 2024 phải xuất siêu vượt mức 27,78 tỷ USD của năm trước. Đây là kịch bản không dễ đạt được.
Để phát huy tối đa động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp và chính phủ phải đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường, duy trì cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu ở mức cao nhất có thể.
Cần quyết liệt giải ngân đầu tư công
Đầu tư công có vai trò quan trọng, có tác động lan tỏa, dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế. Nếu môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh ổn định, khi đó cứ giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước; vốn đầu tư công thực hiện tăng thêm 1% so với cùng kỳ năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%.
Năm 2024, Chính phủ dành 677,3 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công. Nếu giải ngân được 95% tổng nguồn vốn này, tương đương với khoảng 643,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với số vốn giải ngân của năm 2023, khi đó GDP sẽ tăng thêm 0,6%.
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/8/2024 mới đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 cả về tỷ lệ và số tuyệt đối. Để cả năm 2024 giải ngân đạt 95% kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, trong 4 tháng còn lại, các dự án đầu tư công cần giải ngân 369 nghìn tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ không dễ thực hiện nếu không có những giải pháp đột phá.
Bên cạnh giải ngân vốn đầu tư công chậm, việc đầu tư dàn trải, với thời gian thi công kéo dài, quản lý vốn đầu tư chưa chặt chẽ, thất thoát, tham nhũng khá phổ biến, dự án công trình chậm đưa vào sử dụng dẫn tới hiệu quả vốn đầu tư thấp, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hệ số ICOR phản ánh vốn đầu tư của Việt Nam sử dụng kém hiệu quả. Chẳng hạn, năm 2020 hệ số ICOR ở mức 14,27, nghĩa là phải bỏ ra 14,27 đồng vốn đầu tư để thu được 1 đồng tăng trưởng kinh tế, năm 2023 phải bỏ ra 7,89 đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công rất cần sự quyết tâm chính trị mạnh mẽ từ trung ương tới địa phương, từ các cấp sở ban ngành chứ không chỉ có chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu để tháo gỡ nhanh chóng các vướng mắc trong quá trình thực hiện; trình tự thủ tục cần đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện; cần linh hoạt hơn trong thu hút các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, chứ không chỉ dựa vào nguồn vốn nhà nước để cùng thời điểm có thể thực hiện nhiều dự án thành phần.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, với sự chỉ đạo quyết liệt, xử lý những bất cập chồng chéo trong môi trường pháp lý; với tư duy đổi mới, phương pháp, cách tiếp cận khác hẳn so với cách làm trước đây của Thủ tướng Chính phủ và địa phương, Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đã rút ngắn thời gian thi công từ 3-4 năm xuống còn 7 tháng. Đây là điển hình sinh động về tập trung nguồn lực, tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công, tạo sự lan toả và thu hút đầu tư từ các nguồn vốn của nền kinh tế. Thành công của dự án là minh chứng cho khả năng vượt qua mọi khó khăn khi có quyết tâm cao và tinh thần trách nhiệm của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của toàn dân.
Trong 3 “ngựa kéo” cỗ xe kinh tế năm 2024, các nhà quản lý chỉ có thể chủ động cao nhất trong điều khiển “ngựa đầu tư” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm đạt mức cao nhất có thể.
Trong khi đó, vốn đầu tư ngoài nhà nước chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư của toàn nền kinh tế. Giai đoạn trước đại dịch Covid-19, giải ngân vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước có tốc độ tăng trên 10% mỗi năm, phản ánh vai trò rất quan trọng đối với nâng cao năng lực, thúc đẩy tăng trưởng nhanh của nền kinh tế. Hiện nay, nguồn vốn quan trọng này chưa được khơi thông, Chính phủ cần giải pháp hữu hiệu về thể chế, cơ chế, chính sách đối với nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước.
Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước, là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.
Cùng với giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ và các địa phương tiếp tục có chính sách và giải pháp thực hiện vốn đầu tư ngoài nhà nước, thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện giải ngân vốn FDI nhiều nhất có thể để gánh vác và bù đắp cho các động lực tăng trưởng khác.
Giảm gánh nặng thuế để kích thích tiêu dùng
Tiêu dùng cuối cùng chiếm tỷ trọng trên 63% GDP, phản ánh vai trò rất quan trọng của động lực này đối với tăng trưởng kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và Chính phủ tăng 5,78%.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 5,3%, thấp hơn 2,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh khó khăn của các hộ gia đình khi việc làm và thu nhập vẫn bị ảnh hưởng do sự phục hồi chậm và yếu của nền kinh tế; tỷ lệ hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính còn cao; niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, người dân thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn và trì hoãn các khoản mua sắm có giá trị lớn.
Nguyên nhân của thực trạng này có nguồn gốc từ hậu quả nặng nề do đại dịch Covid-19 gây nên, nền kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi như trước đại dịch. Xuất hiện làn sóng di cư của người lao động từ các khu công nghiệp về quê, chấp nhận việc làm bấp bênh trong khu vực phi chính thức với thu nhập thấp hơn, nhưng đổi lại người lao động được sống yên bình tại quê hương, không phải trang trải chi phí thuê nhà, có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, thu nhập giảm nhưng cuộc sống thư thái, an yên.
Tăng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và Chính phủ là giải pháp quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, giảm phụ thuộc vào tổng cầu thế giới. Chính phủ cần thực hiện chính sách an sinh xã hội trợ cấp cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở xã hội cho người lao động để nâng cao tỷ lệ lao động của khu vực chính thức, tạo việc làm ổn định đáp ứng đủ yêu cầu lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nâng mức thu nhập chịu thuế, giảm thuế GTGT hàng tiêu dùng thiết yếu để tăng nhu cầu chi tiêu.
Niềm tin của người tiêu dùng có ý nghĩa rất lớn, đảm bảo hiệu quả của các giải pháp kích cầu tiêu dùng, vì vậy cùng với chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm ổn định, chính sách về lãi suất ngân hàng, thị trường bất động sản, giá vàng, giá ngoại tệ ổn định..., sẽ tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng, thúc đẩy chi tiêu, xử lý được bài toán nhu cầu thị trường trong nước thấp đối với doanh nghiệp.
Năm 2024, hoạt động của nền kinh tế nước ta diễn ra trong bối cảnh thương mại toàn cầu bấp bênh, tăng trưởng của kinh tế thế giới suy giảm. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, biến đổi khí hậu và thiên tai gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống người dân, làm suy giảm tăng trưởng GDP, khu vực sản xuất dễ bị tổn thương, tổng cầu tiêu dùng trong nước phục hồi chậm và yếu.
Với nỗ lực của Nhà nước và tinh thần chủ động, linh hoạt vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, các hộ sản xuất, tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2024 có thể đạt mục tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua, tạo cơ sở và niềm tin với nền kinh tế bứt tốc trong những năm tới.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 8/2024 ước đạt 526,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.148,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,0%).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2024 ổn định so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 8 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%.
ADB lạc quan về kinh tế Việt Nam, dự báo tăng trưởng 6%
- 'Fed cắt giảm lãi suất là con dao 2 lưỡi đối với kinh tế Việt Nam' 21/09/2024 01:15
- Yếu tố 'không thể kiểm soát': Rủi ro cho kinh tế Việt Nam 07/09/2024 07:00
- Để 'ngôi sao kinh tế' Việt Nam thành nước thu nhập cao vào 2045 02/09/2024 09:00
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone