Yếu tố 'không thể kiểm soát': Rủi ro cho kinh tế Việt Nam
(VNF) -Trái ngược với những “tin vui” mà nền kinh tế đón nhận thời gian vừa qua, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại, nền kinh tế vẫn còn nhiều rủi ro khi phụ thuộc vào khu vực FDI và cầu bên ngoài, đây đều là những yếu tố không thể kiểm soát.
Những yếu tố “không thể kiểm soát”
Nền kinh tế Việt Nam đã nhận “tin vui” lớn khi mức tăng trưởng trong quý II/2024 đạt mức 6,93%. Đây là mức tăng trưởng vượt xa các kỳ vọng trước đó và cao hơn kịch bản điều hành của Chính phủ đề ra (5,58 – 6,32%).
Nhờ đó mà Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu khu vực ASEAN - 6 về tăng trưởng GDP.
Cũng nhờ kết quả tăng trưởng vượt kỳ vọng, nhiều chuyên gia đưa ra dự báo, tăng trưởng các tháng còn lại sẽ tiếp tục khả quan nhờ các động lực về xuất khẩu, đầu tư đã và đang phục hồi tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.
Tuy nhiên, trái ngược với những “tin vui” mà nền kinh tế đón nhận thời gian vừa qua, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại, tăng trưởng kinh tế vẫn còn nhiều rủi ro, khó có thể ổn định do còn phụ thuộc vào khu vực FDI và cầu bên ngoài, đây đều là những yếu tố không thể kiểm soát.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, về phía cung, chỉ duy nhất động lực tăng trưởng là phục hồi ngành công nghiệp và xây dựng. Nhưng yếu tố này lại chưa thể ổn định do phụ thuộc vào khu vực FDI và cầu bên ngoài, đây là những yếu tố không thể kiểm soát được.
Về nông nghiệp, trước đây, mức tăng trưởng thường duy trì ở mức hơn 2%,những năm gần đây đã tốt hơn ở mức 3 - 4 %. Tuy nhiên, con số này cũng khó có thể tăng cao do có nhiều hạn chế như phụ thuộc vào thời tiết, nguồn lực đất đai thu hẹp, ứng dụng công nghệ cao vẫn còn chậm,…
Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công đã bắt đầu có xu hướng chậm lại do lo ngại làm thất thoát tài sản nhà nước nên việc quyết định đầu tư thận trọng hơn, kéo dài hơn. Thực tế, nhiều bộ ngành và địa phương số giải ngân đầu tư công thấp hơn so với kế hoạch và năm ngoái và xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài.
Cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, khu vực trong nước vẫn còn nhiều khó khăn khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với với con số gia nhập thị trường có độ chênh chưa nhiều. Đầu tư công dù có nỗ lực nhưng không dễ vượt qua con số của năm ngoái, đầu tư tư nhân đã nhích lên nhưng vẫn ở mức thấp và mức tăng tiêu dùng đang chững lại.
Đặc biệt, kinh tế Việt Nam hồi phục thực tế là nhờ các yếu tố bên ngoài trong khi các yếu tố này lại không thể kiểm soát.
“Tình hình hiện nay chứa đựng rất nhiều tính bất ổn, bất ngờ và bất thường do yếu tố địa chính trị, có thể có rung lắc của thị trường thế giới”, ông Thành cho biết.
Nỗ lực hơn cho mục tiêu tăng trưởng
Bàn về giải pháp để vượt qua những thách thức trước mắt, hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ như tăng cường giải ngân đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ, tập trung ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, đảm bảo hài hòa, hiệu quả trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng hỗ trợ sản xuất - kinh doanh. Nâng cao mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy các yếu tố tạo giá trị gia tăng thực của nền kinh tế số.
Dưới góc nhìn của mình, ông Paulo Medas, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, trong trung hạn, Việt Nam cần áp dụng các cải cách cơ cấu mới trong bối cảnh những thách thức đáng kể do già hóa dân số và biến đổi khí hậu gây ra.
“Để duy trì tốc độ tăng trưởng cao một cách ấn tượng trong 2 thập kỷ qua - cao hơn các nền kinh tế thị trường mới nổi khác, sẽ cần phải nỗ lực tiếp tục cải thiện các chính sách và cải cách kinh tế. Việc cải thiện chất lượng và phổ biến dữ liệu kinh tế sẽ giúp cải thiện chất lượng của các chính sách”, ông Paulo Medas nói.
Cùng với đó, việc tiếp tục xây dựng khả năng phục hồi của khu vực tài chính cần được đặt lên hàng đầu, nhằm giúp duy trì tăng trưởng kinh tế trong trung hạn. Việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là một bước tiến đáng kể, nhưng việc thực hiện sẽ rất quan trọng. Tiếp đó là tiếp tục thực hiện những cải cách nhằm tăng cường chính sách và hoạt động giám sát ngân hàng.
Đồng thời, cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy nâng cao năng suất. Bao gồm thông qua việc áp dụng các cải cách cơ cấu để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư vào vốn con người và vật chất, bao gồm cả việc mở rộng quy mô năng lượng tái tạo. Ngoài ra, việc cải thiện hoạt động và quản trị thị trường vốn, cùng với tăng cường khung khổ thực thi các vấn đề về thanh toán nợ và phá sản cũng sẽ giúp thúc đẩy năng suất.
Việt Nam tăng trưởng kinh tế nhanh nhất Asean: Rủi ro ẩn sau những kỳ vọng
- Tăng trưởng tín dụng: Số đông ngân hàng nhỏ chia nhau phần ít 30/08/2024 09:00
- Kinh tế Nga tăng trưởng vững chắc bất chấp đòn giáng phương Tây 30/08/2024 08:15
- Chiến lược 'Point of life' - nền tảng để WinCommerce tiếp tục tăng trưởng 29/08/2024 08:30
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone