Việt Nam tăng trưởng kinh tế nhanh nhất Asean: Rủi ro ẩn sau những kỳ vọng
(VNF) - Nhiều tổ chức quốc tế dự báo Việt Nam có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024. Tuy nhiên các triển vọng này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi nền kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt với một số thách thức không nhỏ.
- Hai kịch bản cho tăng trưởng 2024 24/07/2024 01:30
Triển vọng tăng trưởng nhanh nhất khu vực
Vừa qua, các nước trong khu vực ASEAN-6 gồm Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines đã công bố kết quả tăng trưởng GDP quý II. Theo đó, với mức tăng 6,93%, Việt Nam đã vươn lên để trở thành nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
Ở vị trí thứ hai là Philippines với 6,3%; vị trí thứ ba là Malaysia với 5,9%. Các vị trí còn lại lần lượt thuộc về Indonesia (5,05%), Singapore (2,9%) và Thái Lan (2,3%).
Đây là kết quả vượt xa so với mức kỳ vọng của các chuyên gia cũng như thị trường. Do vậy, nhiều tổ chức quốc tế đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 lên mức cao hơn.
Cụ thể, trong “Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam năm 2024” các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,1% thay vì mức 5,5% như dự báo vào tháng 4 trước đó.
Theo WB, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ cao hơn trong năm 2024 là nhờ sự phục hồi trong hoạt động xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến, du lịch, tiêu dùng và đầu tư.
Nâng mức dự báo báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam cao hơn WB là Ngân hàng HSBC. Theo đó, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của ngân hàng này đã nâng mức tăng trưởng dự báo từ 6% lên tới 6,5% trên cơ sở mức tăng trưởng 6,93% trong quý II của Việt Nam.
Giải thích cho dự báo này, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC cho rằng, tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam đã tăng lên 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây gần như là mức cao nhất trong hai năm đổ lại đây, vượt xa mức kỳ vọng của HSBC cũng như thị trường là 6%. Kết quả này cũng được phản ánh qua tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ của quý II, đạt 15% so với cùng kỳ năm trước.
“Không chỉ tăng trưởng đầy thuyết phục, tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu lan rộng. Và nếu tiếp tục lan rộng, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024, một vị trí Việt Nam đã tạm nhường cho Malaysia và Philippines trong năm 2022 và 2023", bà Yun Liu cho hay.
Bên cạnh WB và ngân hàng HSBC, ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 có khả năng sẽ dẫn đầu khu vực (cùng với Philippines) với mức tăng GDP 6,0% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của cả nhập khẩu và xuất khẩu và sự hồi phục của nhu cầu nội địa khi chính sách tiền tệ vẫn duy trì ở mức nới lỏng.
Ngoài ra, tăng trưởng được hỗ trợ bởi các biện pháp tài khóa như việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng và các nỗ lực để thực hiện tốt hơn đầu tư công.
Vẫn tiềm ẩn rủi ro
Tuy nhiên, ở góc độ khác, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cấp cao của WB tại Việt Nam cho rằng, tuy dự báo tăng trưởng 6,1% là rất tích cực, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn chưa quay về quỹ đạo tăng trưởng như trước đó.
“Sau khi phục hồi mạnh trong nửa đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong thời gian tới, chịu ảnh hưởng từ xu hướng tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc”, bà Dorsati Madani chia sẻ.
Các chuyên gia WB cho rằng, các triển vọng tăng trưởng trong năm nay vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi nền kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt với một số thách thức không nhỏ.
Cụ thể, theo phân tích, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn dừng ở mức thấp hơn so với trước đại dịch Covid-19. Doanh số bán lẻ tăng 8,8% (tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định kể từ cuối năm 2022) nhưng vẫn thấp hơn bình quân ghi nhận trước đại dịch (tăng 11,6%).
Bên cạnh đó, tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân dù có cải thiện trong nửa đầu năm 2024 (tăng 3,9%) song vẫn thấp hơn mức bình quân hàng năm là 4,7% trong giai đoạn 2017-2019. Mức tăng của đầu tư công cũng chững lại còn 4% trong nửa đầu năm 2024, so với mức 20,5% trong nửa đầu năm 2023.
Đáng chú ý, nợ xấu cao trong bối cảnh tín dụng không tăng trưởng mạnh. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu tính tới cuối tháng 6 là 4,56%, cao hơn gấp đôi so với cuối 2022.
Do đó, WB khuyến cáo, để duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, vừa góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng - đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và logistics - vốn đang là nút thắt cản trở tăng trưởng.
Đồng thời nâng cao quản lý, giám sát các rủi ro trong thị trường tài chính. Ngoài ra, việc đa dạng hóa thương mại để tăng cường hội nhập hơn nữa cũng sẽ là yếu tố giúp cải thiện khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam.
Bổ sung thêm về những thách thức, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam cho biết, nhu cầu toàn cầu suy giảm do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, đặc biệt ở các nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam và căng thẳng chính trị trên thế giới vẫn còn tiếp diễn. Cả hai quá trình này sẽ làm chậm lại quá trình phục hồi tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, tốc độ bình thường hóa lãi suất ở thị trường Mỹ và các nền kinh tế tiến tiến khác sẽ tác động lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam.
Trong khi đó, những năm gần đây tốc độ tăng trưởng chậm đã bộc lộ rủi ro về tính dễ đổ vỡ của cấu trúc nền kinh tế Việt Nam như phụ thuộc vào công nghiệp chế biến chế tạo và xuất khẩu của khối FDI, thị trường vốn còn non trẻ, và sự phụ thuộc quá mức vào tín dụng ngân hàng.
“Nếu những rủi ro này được giải quyết kịp thời thì Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Vì vậy, Chính phủ cần phải kết hợp cả hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn để thúc đẩy nhu cầu trong nước với biện pháp trong dài hạn để giúp Việt Nam tăng trưởng vững hơn”, ông Shantanu Chakraborty khuyến nghị.
‘Việt Nam có thể là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN’
- WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 lên 6,1% 26/08/2024 02:33
- 'Tăng trưởng xanh chưa được bao nhiêu, kinh tế tuần hoàn mới manh nha' 09/08/2024 07:00
- ‘Tăng trưởng kinh tế chưa đồng đều và thiếu bền vững’ 15/07/2024 06:00
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.