Hai kịch bản cho tăng trưởng 2024
(VNF) - Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng ở kịch bản tích cực, tăng trưởng GDP 2024 có thể đạt 7% và CPI bình quân đạt 4,12%.
- Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của nền kinh tế trong những tháng cuối năm?
Ông Nguyễn Anh Dương: Bên cạnh những rủi ro từ nền kinh tế toàn cầu như xung đột địa chính trị, diễn biến bất lợi của thời tiết, cạnh tranh thương mại, công nghiệp giữa các nền kinh tế lớn… vẫn có những xu hướng tích cực như: chuyển động của các công nghệ mới, một số nền kinh tế đang phục hồi rõ nét hơn, triển vọng hạ lãi suất điều hành đã tăng lên rất nhiều, các hiệp định thương mại tự do được ký kết nhiều hơn giữa một số nhóm ngành kinh tế và nếu phát huy được các hiệp định này sẽ giúp việc lưu chuyển hàng hóa và đầu tư thời gian tới sẽ cải thiện hơn.
Từ những phân tích trên, tôi cho rằng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm sẽ đi theo hai kịch bản.
Một là kịch bản thông thường, kịch bản này dựa trên những xu hướng, diễn biến chính sách trong thời gian vừa qua và điều kiện 6 tháng cuối năm, chúng ta vẫn duy trì những động lực từ chính sách như vậy, kèm theo những yếu tố như niềm tin của nhà đầu tư, đánh giá của các tổ chức quốc tế về triển vọng của nền kinh tế thế giới, diễn biến lạm phát từ phía Mỹ.
Hai là kịch bản tích cực, ở kịch bản này, chúng tôi nhìn nhận kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn hay một số nền kinh tế lớn quyết liệt hơn trong việc hạ lãi suất ảnh hưởng đến tiêu dùng và nhu cầu nhập khẩu. Với kịch bản này, Việt Nam phải có những cải cách mạnh mẽ để tăng cường chất lượng về tăng trưởng, tập trung vào năng suất, chất lượng đầu tư cũng như liên kết vùng cũng như các mô hình kinh tế mới. Từ đó, Việt Nam có thể hy vọng một kết quả tích cực về tăng trưởng, lạm phát và nếu có thêm một chút thuận lợi từ diễn biến kinh tế toàn cầu thì Việt Nam có thể đạt 7% về tăng trưởng và 4,12% về CPI bình quân.
- Thời gian qua, để hỗ trợ cho kinh tế, chúng ta đã thực hiện chính sách mở rộng tài khoá. Liệu trong những tháng cuối năm chúng ta có cần tiếp tục mở rộng chính sách tài khoá để tạo đà cho tăng trưởng không?
Hiện tại, Việt Nam vẫn còn các dư địa về tài khóa để thực hiện cho các nội dung chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, tại thời điểm này, khi nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi tích cực, Việt Nam chỉ cần thực hiện tốt những chính sách tài khóa đã đề ra từ đầu năm, trong đó có việc giải ngân tối đa đầu tư công theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời tạo sân chơi, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn tạm thời, từ đó phục hồi sớm và có niềm tin vào các chính sách, bởi đây cũng là một trong những động lực chính cho phục hồi kinh tế.
Nếu làm được điều đó, chúng ta có thể vừa hỗ trợ được cộng đồng doanh nghiệp với các giải pháp tài khóa ở mức phù hợp, vừa giữ được dư địa tài khóa để đối phó với những “cú sốc” trong tương lai.
- Nếu như trong trường hợp đạt được kịch bản cao như ông đề ra là khoảng 7% trong năm nay, áp lực đối với chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm là gì?
Trong 6 tháng đầu năm, việc điều hành tiên tệ có rất nhiều điểm sáng. Thứ nhất, về điều hành lãi suất, Việt Nam vẫn duy trì mặt bằng lãi suất thấp và so với các nước trong khu vực, nước ta là nước đi đầu trong việc hạ lãi suất. Thứ hai, việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước rất linh hoạt, chủ động và chặt chẽ. Có thể thấy, tỷ giá trung tâm tăng chậm hơn so với tỷ giá trên thị trường tự do cũng như thị trường bán ra của các ngân hàng thương mại. Mặt khác, mức độ biến động của tỷ giá hàng tháng của chỉ số VNĐ và USD trên thị trường Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với chỉ số USD trên thị trường quốc tế. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư ở Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc tỷ giá ổn định, đồng thời cũng rất thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc điều hành tiền tệ phải đáp ứng yêu cầu về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, có chất lượng phù hợp với năng lực hấp thụ của nền kinh tế, phù hợp với đáp ứng của doanh nghiệp. Đây là yêu cầu khó khăn đối với Ngân hàng Nhà nước, nhưng nếu có sự thuận lợi từ đà phục hồi của nên kinh tế thế giới, tôi tin rằng với những kinh nghiệm điều hành của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến chính sách tiền tệ sẽ phát huy được vai trò tích cực trong kết quả tăng trưởng của Việt Nam năm 2024.
- Ông có khuyến nghị như thế nào để nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng như mong muốn?
Có thể khẳng định việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm hay việc tăng lương từ ngày 1/7 đã cho thấy nỗ lực lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cả hệ thống chính trị. Những giải pháp này cũng dựa trên những đánh giá rất chặt chẽ về dư địa của chính sách tài khoá. Những giải pháp, chính sách đã thực hiện đều phù hợp với dư địa tài khoá Việt Nam. Việt Nam vẫn còn dư địa để thực hiện không ít các nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
Hiện nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn, vì vậy, cần thực hiện tốt các chính sách tài khoá đã đề ra từ đầu năm, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch giao, đồng thời tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn tạm thời, từ đó phục hồi sớm.
Cần mạnh dạn đặt niềm tin vào cộng đồng doanh nghiệp, vì đây là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Nếu làm được điều này, chúng ta vừa hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp với các giải pháp tài khoá ở mức độ phù hợp nhưng vẫn giữ được dư địa tài khoá để ứng xử với các cú sốc trong tương lai.
Bên cạnh đó, để cải thiện chất lượng tăng trưởng cần cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo, thích ứng với các xu hướng lớn (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh), đồng thời tăng năng suất lao động, để năng suất lao động ở khu vực công trở thành động lực kích thích năng suất lao động ở các khu vực kinh tế khác; hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo).
Về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, cần có chính sách phù hợp, nếu chỉ tập trung nới lỏng tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng thì áp lực lạm phát sẽ gia tăng. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến lạm phát (tác động của tăng lương và tăng giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá). Cùng với đó là giữ gìn dư địa tài khóa để ứng phó với các cú sốc trong tương lai. Ngoài ra cần tiếp tục thực hiệu quả các FTA, tập trung hơn vào tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Sắp ra mắt Đặc san Toàn cảnh Đầu tư Tài chính 2024
- Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á 21/06/2024 08:45
- Phác thảo bức tranh báo chí kinh tế Việt Nam 20/06/2024 06:30
- Triển vọng kinh tế Việt Nam 2024: Giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi 21/05/2024 08:57
Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.