Để 'ngôi sao kinh tế' Việt Nam thành nước thu nhập cao vào 2045
(VNF) - Trong 20 năm tới Việt Nam phải đạt GDP trung bình 7%/năm mới có thể trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Sau gần 40 năm Đổi mới đất nước, Việt Nam đã chuyển mình từ quốc gia có thu nhập thấp, sang quốc gia có thu nhập trung bình tương đối dễ dàng và thành công. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Tuy nhiên, một rào cản rất lớn để đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao, theo các chuyên gia đó là nước ta phải đối mặt với “bẫy thu nhập trung bình”. Thực tế, nhiều quốc gia có nền kinh tế đi trước, được đánh giá là có nền kinh tế thị trường hơn, cởi mở hơn hiện vẫn đang mắc kẹt trong thu nhập trung bình. Điều này cho thấy, quá trình vượt qua bẫy thu nhập trung bình không phải là dễ.
Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình khá lớn
Theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), Việt Nam đang có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình khá lớn.
Giải thích cho điều này, ông Việt cho biết: Thứ nhất, mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua, song vẫn dựa trên mô hình tăng trưởng cũ, phụ thuộc vào tài nguyên, nhân công giá rẻ, FDI,...
Trong khi đó, các mô hình tăng trưởng mới, như tăng trưởng xanh, tăng trưởng dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, mô hình tăng trưởng dựa trên thực lực của nền kinh tế, đặc biệt là nền sản xuất của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế.
Thứ hai, Việt Nam đẩy mạnh quá trình cải cách thể chế, nhưng chưa đủ mạnh. Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí khó cạnh tranh ngay trên “sân nhà”. Năng suất lao động, ý thức và trình độ lao động của Việt Nam vẫn còn thấp so với khu vực Đông Nam Á.
Chưa kể, trong 10 năm tới, Việt Nam có thể đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Nếu bây giờ không tận dụng được khoảng thời gian giai đoạn “dân số vàng” để nâng cao trình độ, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng của người lao động Việt Nam, sẽ rất khó để vượt bẫy thu nhập trung bình.
Trước đó, GS. Kenichi Ohmo - Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản đánh giá: dưới góc nhìn chuyên gia quốc tế về nền kinh tế Việt Nam, có rất nhiều biểu hiện về bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam.
Theo đó, tăng trưởng Việt Nam đang chậm lại ở mức thu nhập trung bình với các biểu hiện ở việc: bộ phận kỹ sư, nhà đổi mới và nhà khoa học có tay nghề cao còn thiếu; năng suất lao động và chỉ số TFP ở mức trung bình; phụ thuộc nhiều vào FDI và tham gia chưa sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Cũng theo GS. Kenichi Ohmo, phần lớn các doanh nghiệp FDI coi Việt Nam là nơi thực hiện các quy trình đơn giản hơn là thiết kế, sản xuất công nghệ cao và các doanh nghiệp này hài lòng với lao động tay nghề thấp, giá rẻ của Việt Nam. Từ đầu những năm 2000, nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động đơn giản (may mặc, giày dép, lắp ráp điện tử...) thay vì cơ khí, khai thác mỏ hoặc công nghệ thông tin.
Nước thu nhập cao: Tăng trưởng GDP đạt bình quân 7%/năm
Trước thách thức “bẫy thu nhập trung bình” như vậy, liệu “ngôi sao kinh tế” như Việt Nam có thể vượt qua và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 vẫn còn nhiều dấu hỏi.
Theo phân tích của TS. Nguyễn Quốc Việt, để trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam phải đạt bình quân 7%/năm, đây là mức tăng trưởng khá thách thức.
Nguyên nhân được lý giải bởi trong hơn 20 năm tới (từ nay đến 2045), kinh tế Việt Nam có thể đối mặt với những rủi ro mới phát sinh và không thể dự báo từ trước. Trong đó có những tác động như quá trình biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt hoặc các diễn biến bất thường từ thế giới. Chính vì những biến đổi khó có thể dự báo đó, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều khó có thể nói trước được điều gì.
Với mục tiêu trong 5 - 6 năm tới, tức đến năm 2030, nếu Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng trưởng như hiện tại và không có biến động mạnh (như đại dịch COVID-19), nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá theo đúng mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra thì GDP của Việt Nam mới có thể đạt được tăng trưởng khoảng 6-7%/năm.
Song, tốc độ tăng trưởng từ 6% - 7% đến năm 2030 không hề dễ dàng bởi một số rủi ro đang âm ỉ tồn tại. TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh, Việt Nam phải có các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ các rủi ro này.
Thứ nhất, các rủi ro đến từ thế giới như căng thẳng địa chính trị, xung đột vũ trang, lạm phát,... Các rủi ro này có thể gây ra hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, gây biến động giá cả đầu vào trong sản xuất. Từ đó ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế đối ngoại cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở trong nước.
Thứ hai, các rủi ro cố hữu của nền kinh tế. Chẳng hạn, Việt Nam chưa thực sự bứt phá nhiều trong một số cải cách thể chế để tạo ra sự đổi mới sáng tạo, tạo ra năng suất và hiệu quả tốt hơn.
Đề cập đến những giải pháp để Việt Nam có thể vươn lên từ mức thu nhập trung bình cao đến mức thu nhập cao vào năm 2045, tránh được bẫy thu nhập trung bình và tiếp tục phát triển bền vững trong hai thập niên tới, GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo Việt Nam từng cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu để tăng năng suất. Chính thức hóa khu vực phi chính thức và tăng qui mô doanh nghiệp để đẩy mạnh tích lũy tư bản và cách tân công nghệ (đổi mới sáng tạo).
"Kết quả là tích lũy tư bản sẽ được tăng cường, mở rộng theo hướng hiệu suất và kích thích sử dụng công nghệ", ông Thọ nhận định.
Đồng thời, Việt Nam cũng cần cải cách và phát triển thị trường các yếu tố sản xuất để việc phân bổ nguồn lực có hiệu quả và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu; cũng như chú trọng cung cấp lao động có kỹ năng và khuyến khích hoạt động R&D để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu.
TP.HCM: Thoát bẫy thu nhập trung bình bằng cách nào?
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.