TP. HCM: 'Xu hướng rơi vào bẫy thu nhập trung bình một cách nhanh chóng'
Kỳ Thư -
28/02/2024 22:56 (GMT+7)
(VNF) - Đây là cảnh báo được Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đưa ra tại Hội thảo Tham vấn đối với dự thảo Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
'Không được trao đủ quyền, không được tự chủ đủ mức'
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, TP. HCM đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhiều tiềm năng, thế mạnh của địa phương và các đột phá sáng tạo chưa được khai thác hiệu quả, tăng trưởng kinh tế chưa tương ứng tiềm năng lợi thế, kỳ vọng, vai trò đầu tàu, dẫn dắt đang có xu hướng suy giảm.
“Mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chậm thay đổi, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động đóng góp vào tăng trưởng thấp hơn trung bình cả nước; tỷ trong công nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm dần; cơ cấu nội bộ của ngành công nghiệp còn lạc hậu, dựa nhiều vào thâm hụt lao động”, ông Dũng nói.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nói, địa phương chủ yếu dựa vào lợi thế có sẵn, không có giá trị gia tăng mới. TP. HCM đang có xu hướng rơi vào bẫy thu nhập trung bình một cách nhanh chóng.
Ông Cung phân tích, thành phố đang đối diện một số vấn đề như các ngành công nghiệp thế hệ sau không phát triển đủ mạnh, lớn để thay thế cho thế hệ đầu tiên (thâm dụng lao động lớn) trong khi đang phải công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các ngành dịch vụ hiện đại, có giá trị gia tăng cao cũng chưa xuất hiện đủ nhanh.
Ông Cung chỉ rõ, thực chất thành phố có đủ tiềm lực, điều kiện để hướng đến mục tiêu, các kịch bản tăng trưởng cao hơn nhưng bị vướng bởi chưa có chính sách, thể chế đúng.
“Gốc rễ là TP. HCM không được trao đủ quyền, không được tự chủ đủ mức để có tư duy mới với dư địa chính sách, thể chế đặc thù đủ lớn trong xây dựng bộ máy, đội ngũ lãnh đạo, công chức đủ năng lực xây dựng, thực thi, giải quyết yêu cầu, mẫu thuẫn trong phát triển kinh tế - xã hội”, ông Cung nhấn mạnh.
Chủ tịch TP. HCM Phan Văn Mãi cũng cho rằng mô hình, thể chế là điểm nghẽn gốc của địa phương.
Và thực tế, trong nhiều cuộc họp trước đó, ông Mãi từng nói, bản thân TP. HCM chỉ cần cơ chế, không cần tiền.
TP.HCM đã bị lấy đi quá nhiều nguồn thu ngân sách
Theo ông Nguyễn Đình Cung, cần đẩy mạnh đầu tư phát triển cho TP. HCM vì mức chi hiện nay quá thấp.
“Nhiều năm, TP. HCM đã bị lấy đi quá nhiều nguồn thu ngân sách nhưng đổi lại không có cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp, đủ hấp dẫn để huy động nguồn lực xã hội. Gần đây TP. HCM có Nghị quyết 98 nhưng mới chỉ là nửa chừng xuân”, ông Cung nói.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng đặt vấn đề về tính cần thiết tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại của thành phố (hiện là 21%) trong bối cảnh nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển tại địa phương là rất lớn.
“TP. HCM không xin hoàn toàn mà chỉ cần vốn mồi. Việc phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng cần hàng tỷ USD nhưng nếu làm tốt thì khi đi vào vận hành, thành phố sẽ có nguồn thu trả lại ngân sách”, ông Sơn nói.
TP. HCM hiện đóng góp gần 20% GDP cả nước và 25% tổng thu ngân sách. Theo nhìn nhận của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đây là đô thị đặc biệt, cửa ngõ kết nối vùng, đồng thời là đầu tàu kinh tế với sức lan tỏa lớn. Nhưng thời gian qua, TP. HCM đối diện với nhiều thách thức khi nhiều tiềm năng, thế mạnh cùng các đột phá sáng tạo chưa được khai thác hiệu quả; tăng trưởng kinh tế chưa tương ứng lợi thế; vai trò đầu tàu, dẫn dắt đang có xu hướng suy giảm.
Do đó, trong quy hoạch tới đây, thành phố cần xác định được trọng tâm, các khâu đột phá, các ngành kinh tế ưu tiên để khai mở các tiềm năng, động lực phát triển.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.