Chuyển đổi số: Đòn bẩy tăng năng suất, vượt bẫy thu nhập trung bình
Trần Thuỷ -
29/04/2023 22:32 (GMT+7)
(VNF) - Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây chính là cơ hội để đưa đất nước thoát bẫy thu nhập trung bình, vươn tới nước có thu nhập cao vào 2045.
2020-2030 là giai đoạn đột phá
Tại một công ty may lớn nhất nhì miền Bắc, lãnh đạo doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, thực hiện số hóa nhiều công đoạn trên các dây chuyền sản xuất. Nhờ đó, năng suất đã tăng theo cấp số nhân, thời gian để sản xuất một sản phẩm giảm từ 1.980 giây xuống còn 690 giây. Thậm chí, mỗi công nhân có thể điều khiển một lúc 2 máy và năng suất lao động đã tăng lên 52%, tỷ lệ hàng lỗi giảm xuống còn 8%. Khi năng suất cao thì thu nhập người lao động tăng lên hơn 10%.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, số hoá đã giải quyết thách thức lớn nhất của dệt may Việt Nam là chi phí sản xuất ngày càng tăng lên, nhân công giá rẻ không còn là lợi thế so với các nước trong khu vực. Các đơn hàng luôn cần tiến độ sản xuất nhanh và giá cả cạnh tranh, chỉ có chuyển đổi số mới mang đến sự thay đổi toàn diện, đáp ứng được những đòi hỏi này.
Trong khi đó, ở một hãng nước giải khát hàng đầu Việt Nam, quyết định đầu tư dây chuyền công nghệ ứng dụng công nghệ số, tự động 100% đã đưa nhà máy từ chỗ hơn 100 công nhân xuống còn 20 người và mỗi ca điều hành không quá 5 người. Năng suất tăng nhiều lần nhưng quan trọng hơn là đã cắt giảm toàn bộ sự tham gia của bàn tay con người, qua đó giảm chi phí lao động. Chu trình khép kín đã đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính, xuất khẩu với giá cao.
Với những doanh nghiệp trên, việc đầu tư các dự án mới đều dựa trên tiêu chí cốt lõi số hoá để tăng năng suất, nâng cao chất lượng, sáng tạo sản phẩm mới và giải pháp mới… để tạo hiệu quả và lợi thế cạnh tranh.
Thực tế, tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, ít dựa vào gia tăng hiệu quả sử dụng lao động và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất. Chỉ số ICOR cao, giai đoạn 2011-2015 là 6,25%, giai đoạn 2016-2019 là 6,14%, tuy có giảm nhưng không đáng kể. Trong khi đó, theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của công nhân Việt Nam đứng gần cuối bảng trong các nước ASEAN. Nếu giữ được mức tăng trưởng năng suất 5%-6%/năm như các năm trước đại dịch Covid-19, thì Việt Nam cũng chỉ hy vọng đạt trình độ tương đương với Philippines vào năm 2038 và Thái Lan vào năm 2069.
Việt Nam mong muốn trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Theo kinh nghiệm của thế giới, để trở thành quốc gia có thu nhập cao thì tăng trưởng kinh tế phải đạt tốc độ cao, khoảng 8-9%/năm, liên tục trong vòng 20 năm tương tự như Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam chưa đạt được sự tăng trưởng cao liên tục và ổn định như vậy. Thậm chí, do ảnh hưởng Covid-19 hay các đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có năm, tăng trưởng kinh tế xuống dưới 5%.
Theo tính toán của các kịch bản phát triển, giai đoạn 2020-2030 là thời kỳ tốt nhất để tạo nên đột phá vì sau năm 2030, Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn già hoá dân số. Kinh nghiệm từ những nước đang phát triển cho thấy, nếu không bứt phá trong giai đoạn “dân số vàng”, sẽ khó vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” và khó có cơ hội vươn lên trở thành quốc gia phát triển.
Động lực từ chuyển đổi số
Trao đổi tại một diễn đàn kinh tế gần đây, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Mặc dù có mức tăng trưởng năng suất lao động cao trong 10 năm qua (bình quân hơn 5%/năm) nhưng Việt Nam vẫn chưa thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác trong khu vực. Theo ước tính của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Còn Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) công bố cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.
Theo các chuyên gia, muốn đạt mức tăng trưởng GDP hàng năm cao thì phải dựa vào sự gia tăng năng suất lao động, thay vì thâm dụng vốn như hiện nay. Và chuyển đổi số sẽ tạo nguồn lực tăng trưởng mới và đây là cơ hội cho Việt Nam bứt phá vươn lên. Nếu không chuyển đổi số thì tăng năng suất lao động trung bình trong những năm tới vẫn chỉ từ 5 - 6%/năm, nhưng nhờ chuyển đổi số mà chúng ta có thể tăng năng suất lên 8 -10%/năm. Khi năng suất lao động tăng lên từ 8 - 10%/năm, sẽ giúp nâng cao tăng trưởng GDP và chính là cơ hội thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.
Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, số hoá là cách tất yếu để tăng năng suất lao động và giúp cho nền kinh tế vận hành hiệu quả. Những năm gần đây tốc độ số hoá của Việt Nam rất nhanh. Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế số như: Dân số trẻ, tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh cao và có nền kinh tế internet tăng trưởng nhanh thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy năng suất lao động.
Theo ước tính của công ty tư vấn Mckinsey, chuyển đổi số sẽ mang lại hàng nghìn tỷ USD lợi ích, nhờ tăng hiệu quả quản lý, tăng sản lượng, tăng giá trị và giảm chi phí vật tư.
Một kết quả nghiên cứu gần đây của Tổ chức Data 61 (Úc) cho thấy, giai đoạn 2020-2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số đóng góp từ 7% cho đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tổng thể. Như vậy, có thể thấy, đóng góp của kinh tế số là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.