Ký kết EVFTA: ‘Nên nhìn nhận lại các quy định hiện tại để tạo thuận lợi hơn cho ô tô nhập khẩu từ châu Âu'

Lê Ngà - 10/07/2019 15:17 (GMT+7)

(VNF) - "Sau khi ký kết EVFTA, chúng ta đang có lợi thế về việc hưởng thuế nhập khẩu ô tô 0% từ châu Âu khiến giá xe nhập từ thị trường này sẽ rẻ hơn và người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn”, ông Nguyễn Hải Minh, phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) chia sẻ tại buổi hội thảo “Nhận diện cơ hội kinh doanh - đầu tư trong bối cảnh EVFTA dự kiến sớm được thông qua” tổ chức sáng 10/7.

 

Toàn cảnh buổi hội thảo “Nhận diện cơ hội kinh doanh - đầu tư trong bối cảnh EVFTA dự kiến sớm được thông qua”

Theo ông Minh, việc ký kết EVFTA có hiệu lực sẽ giúp cho ô tô từ nhập khẩu thị trường châu Âu về Việt Nam sẽ có giá bán rẻ hơn và người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang muốn tự phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, do đó sẽ sinh ra đến vấn đề về bảo hộ.

“Khi chúng ta xác định sẽ bảo hộ nền công nghiệp ô tô trong nước thì cũng cần phải nhìn lại những cam kết trong EVFTA với liên minh châu Âu rằng chúng ta sẽ ứng xử như thế nào với ô tô nhập khẩu”, ông Minh nói. 

Đại diện của Eurocham lấy ví dụ, năm 2018 Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra quy định kiểm định theo lô đối với ô tô nhập khẩu về nước và gần như trong suốt thời điểm đó ô tô có nguồn gốc từ châu Âu không được nhập khẩu về Việt Nam.

Ông Nguyễn Hải Minh, phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham)

Trong trường hợp này, ông Minh cho rằng khi EVFTA có hiệu lực thì Việt Nam cũng phải công nhận kết quả kiểm định từ phía liên minh Châu Âu do đã cam kết sẽ xoá bỏ hàng rào thuế, phí.

“Tại thời điểm này, Việt Nam cũng nên nhìn nhận lại về các quy định của mình để tạo thuận lợi hơn cho ô tô nhập khẩu từ châu Âu theo đúng tinh thần của hiệp định. Có nghĩa là trên lý thuyết, ô tô có nguồn gốc từ châu Âu khi nhập khẩu về Việt Nam sẽ không còn chịu một kiểm định nào nữa”, ông Minh cho hay.

Bên cạnh đó, theo ông Minh, khi EVFTA có hiệu lực thì những “ông lớn” tại thị trường ô tô Việt Nam như Thaco Trường Hải, VinFast hay Hyundai Thành Công (3 ông lớn đang có mục tiêu hướng đến lắp ráp và xuất khẩu ngược ra nước ngoài) cũng sẽ nhận được nhiều cơ hội để phát triển, bởi lúc này mức thuế suất nhập khẩu phụ tùng, linh kiện để lắp ráp ô tô trong nước về 0% sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất.

Tuy nhiên dưới góc độ cá nhân, đại diện của Eurocham cho rằng cần khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và minh bạch.

“Chúng ta cần phải tạo ra sân chơi bình phẳng cho ô tô nhập khẩu từ châu Âu, ô tô nhập khẩu từ ASEAN và cả ô tô lắp ráp trong nước. Bởi chỉ có cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch như thế thì mới nâng cao được chất lượng của ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước. Lúc này, người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn, đồng thời sẽ có các quyết định thông minh hơn”, đại diện của Eurocham nói thêm.

Theo lộ trình EVFTA, đối với mặt hàng ô tô, xe máy, Việt Nam cam kết đưa thuế nhập khẩu từ EU về 0% sau từ 9 tới 10 năm; riêng xe máy có dung tích xi-lanh trên 150 cm3 có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu là 7 năm.

Cụ thể, ô tô phân phối lớn (trên 2.500 cm3 với xe chạy dầu diesel, trên 3.000 cm3 đối với xe chạy xăng) sẽ có thuế nhập khẩu về 0% sau 9 năm. Các loại ô tô khác được áp dụng lộ trình cam kết giảm thuế trong vòng 10 năm, các loại phụ tùng ô tô sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 7 năm. Đối với xe máy thường và xe máy trên 150 cm3 sẽ có thuế nhập khẩu 0% sau lần lượt là 10 năm và 7 năm.

Xem thêm: Ký kết EVFTA, thương hiệu ô tô nào tại Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất?

Cùng chuyên mục
Tin khác