Ngân hàng

Lãi suất tiết kiệm giảm sâu trước Tết

Hơn một tháng sau đợt giảm lãi suất tiết kiệm hồi tháng 12/2020, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất tiền gửi với xu hướng giảm sâu sát Tết Nguyên đán 2021.

Lãi suất tiết kiệm giảm sâu trước Tết

Lãi suất tiền gửi giảm dịp sát Tết có nguyên nhân từ việc hệ thống ngân hàng vẫn "thừa tiền" từ năm 2020 đến nay. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm mới nhất tại Vietcombank, ngân hàng này đã giảm 0,1 điểm % lãi suất tại hầu hết kỳ hạn tiền gửi.

Đây là lần giảm lãi suất tiền gửi đầu tiên của Vietcombank trong năm 2021 này nhưng đã là lần điều chỉnh thứ 6 của kể từ đầu năm 2020.

Gần Tết, lãi tiền gửi giảm sâu

Hiện tại, mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại nhà băng này chỉ vào khoảng 5,5%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.

Trong khi đó, nếu gửi 1 tỷ đồng vào Vietcombank với kỳ hạn 24, 36, 48 và 60 tháng, mức lãi suất người gửi nhận được chỉ là 53 triệu đồng/năm, tương đương 5,3%/năm.

Tại các kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng), Vietcombank cũng giảm 0,1 điểm %, hiện phổ biến ở mức 2,9%/năm với kỳ hạn 1-2 tháng và 3,2%/năm với kỳ hạn 3 tháng.

Trước đó, hồi tháng 1/2020, mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại ngân hàng này vẫn là 6,8%/năm áp dụng cho các kỳ hạn 12 tháng trở lên, lãi tiền gửi dưới 6 tháng dao động trong khoảng 4,3-4,8%/năm. Như vậy, sau một năm, tổng mức giảm lãi suất tiết kiện tại ngân hàng này đã lên tới 1,3-1,7 điểm %.

Hiện tại, mức lãi suất 5,3%/năm áp dụng với các khoản tiền gửi kỳ hạn 24 tháng trở lên tại Vietcombank cũng thuộc hàng thấp nhất thị trường. Mức lãi suất kể trên thấp hơn cả nhóm ngân hàng quốc doanh khác như VietinBank, BIDV, Agribank cùng niêm yết ở 5,6%/năm.

Không riêng Vietcombank, đợt điều chỉnh lãi suất tiền gửi tháng 2 này còn có sự tham gia của nhóm ngân hàng tư nhân lớn.

Biểu lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng hiện nay (%/năm):

Trong đó, Techcombank điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng còn 2,35-2,5%/năm với khách hàng thường dưới 50 tuổi và 2,6-2,7%/năm với khách hàng thường trên 50 tuổi.

So với cuối năm 2020, mức lãi suất này đã giảm 0,1-0,15 điểm % tùy khoản tiền gửi. Thậm chí, với nhóm khách hàng ưu tiên, mức lãi suất Techcombank áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 1 tháng hiện cũng chỉ dao động ở 2,8-2,9%/năm với khách hàng dưới 50 tuổi và 2,9-3%/năm với khách hàng trên 50 tuổi.

Mức lãi suất thấp nhất nhà băng này áp dụng cho các kỳ hạn 3, 6, 9 tháng lần lượt là 2,75%/năm, 4%/năm và 4%/năm, trong khi lãi suất cao nhất cũng chỉ là 3,4%/năm và 4,9%/năm.

Theo biểu lãi suất mới, mức lãi suất tối đa Techcombank đưa ra hiện nay là 5,9%/năm áp dụng với khách hàng ưu tiên trên 50 tuổi và gửi trên 3 tỷ đồng kỳ hạn 36 tháng. So với 3 tháng trước, mức lãi suất này đã giảm 0,3 điểm %.

Tại VPBank, nhà băng này cũng giảm đồng loạt lãi tiền gửi tại hầu hết kỳ hạn. Hiện tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại nhà băng này được áp dụng lãi suất khoảng 3,25-3,45%/năm tùy giá trị gửi, thấp hơn 0,3 điểm % so với tháng 9/2020. Các kỳ hạn 3-9 tháng đều ghi nhận mức giảm tương đương.

Đặc biệt, với việc áp dụng lãi tiền gửi 12 tháng hiện ở mức 4,9-5,3%/năm, VPBank đã giảm 0,9-1 điểm % lãi suất kỳ hạn này so với 3 tháng trước. Hiện lãi suất tối đa nhà băng này đưa ra là 5,5%/năm áp dụng với các khoản tiền gửi trên 50 tỷ đồng kỳ hạn trên 24 tháng, giảm 1 điểm %.

Cùng xu hướng giảm lãi suất huy động đợt này còn có SHB, ABBank, OceanBank, PVCombank, CBBank… với mức giảm phổ biến 0,1-0,7 điểm % ở hầu hết kỳ hạn.

Vì sao lãi tiết kiệm giảm sâu?

Theo chia sẻ của một số ngân hàng, thông thường lãi suất tiền gửi thường có xu hướng tăng vào dịp cuối năm (Âm lịch) khi các doanh nghiệp trả lương, thưởng cho người lao động. Để huy động được nguồn vốn này, các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất để khuyến khích người gửi tiền.

Tuy nhiên, việc lãi suất tiền gửi giảm vào dịp sát Tết năm nay có nguyên nhân từ việc thanh khoản dồi dào và số cho vay ra cả năm 2020 thấp hơn kế hoạch tại nhiều nhà băng.

Dù tốc độ tăng trưởng tín dụng đã hồi phục trong dịp cuối năm, mức tăng này vẫn thấp hơn so với tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng dẫn đến tình trạng “thừa tiền” trong hệ thống.

Cụ thể, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết đến cuối năm 2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,56% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,1%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,87% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,48%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,14% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,14%).

Như vậy, tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng tới 2,73 điểm%. Đây là dấu hiệu cho thấy hệ thống ngân hàng vẫn đang dư thừa nguồn vốn từ cuối năm 2020 trong bối cảnh tín dụng chưa tăng tương xứng.

Ngoài ra, việc nhu cầu vay giảm trong thời điểm doanh nghiệp nghỉ Tết Nguyên đán 2021 cũng khiến số dư vốn trong hệ thống ngân hàng tăng lên. Vì vậy, để giảm chi phí vốn đầu vào, nhiều ngân hàng có xu hướng giảm lãi suất huy động dịp sát Tết.

Báo cáo mới nhất của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research cho biết đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây có thể khiến cầu tín dụng yếu đi và lãi suất sẽ vẫn duy trì ở vùng thấp hiện tại và có thể còn giảm thêm nếu dịch bệnh phức tạp hơn.

Trong tuần đầu của tháng 2, sau gần 7 tháng không phát sinh giao dịch, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bơm ròng 24.100 tỷ đồng thông qua công cụ mua kỳ hạn 7 và 14 ngày, lãi suất 2,5%/năm trên thị trường mở (OMO).

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã đẩy mạnh việc sử dụng công cụ vay liên ngân hàng thời gian qua khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tuần gần nhất tăng mạnh, chốt tuần ở mức 2,13%/năm với kỳ hạn qua đêm.

Theo báo cáo hoạt động ngân hàng trong tuần cuối tháng 1/2021 của NHNN, lãi suất tiền gửi VND hiện phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng hiện ở mức 3,1-3,8%/năm; tiền gửi kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng ở 4-6%/năm; và tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên ở mức 5,6-6,8%/năm.

Các mức lãi suất tiền gửi bình quân kể trên đã giảm 0,1-0,3 điểm % so với tháng 11/2020 và giảm 0,2-0,4 điểm % với tháng 9/2020.

Tin mới lên