'Lạm phát cao là cái giá phải trả cho tăng trưởng'

Ái Châu Tử - 25/02/2022 13:15 (GMT+7)

(VNF) - Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, quá trình tăng cường đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cộng hưởng với đà tăng của giá nguyên vật liệu, chắc chắn sẽ khiến lạm phát thiết lập mặt bằng mới. Song, chúng ta cần phải thừa nhận rằng đó là điều không tránh khỏi để phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

VNF
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo.

Năm 2022 với những bối cảnh mới đang mở ra nhiều hứa hẹn cho sự hồi phục và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tạp chí Đầu tư Tài chính đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP. HCM, về vấn đề này.

Nhiều thuận lợi cho tăng trưởng

- Dịch bệnh đã được kiểm soát, gói hỗ trợ đã được thông qua, cơ hội phục hồi, tăng trưởng kinh tế năm 2022 dường như rất sáng sủa và rõ rệt. Ông có nhận thấy như vậy không?

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Chúng ta đã đón Tết dương lịch và Tết Nguyên đán với nhiều hoạt động đi lại, vui chơi giải trí mà không phát sinh những tình huống thiếu kiểm soát về dịch bệnh. Số ca bệnh nặng và tử vong vì dịch bệnh thời gian qua đã giảm liên tục, biến chủng Omicron cũng không gây ra lây nhiễm diện rộng như lo ngại. Đó là những tín hiệu rất lạc quan, cho thấy dịch bệnh đã nằm trong vòng kiểm soát, hay nói như các chuyên gia y tế là dịch đã qua giai đoạn cao điểm, đã sang bên kia sườn của đồ thị. Triển vọng xem Covid-19 như một loại bệnh thông thường đang rất khả quan. Và nếu điều này trở thành hiện thực, đó sẽ là điều kiện tuyệt vời cho sự phục hồi kinh tế năm 2022.

Trong bối cảnh đó, nghiên cứu các hoạt động kinh tế - xã hội và đọc kĩ chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế, chúng tôi cho rằng nếu Chính phủ quyết tâm, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2022 là khả thi, thậm chí còn có thể cao hơn.

Có ba nguyên do đưa đến nhận định này. Một là nếu quay lại một năm trước đây, chúng ta thấy Chính phủ đương nhiệm đã bắt đầu nhiệm kỳ trong một tình thế vô cùng khó khăn, cam go khi dịch bùng lên dữ dội. Việc phải giải quyết hàng loạt bài toán về chống dịch, đảm bảo kinh tế, an sinh xã hội lớn chưa từng có trong hơn 30 năm qua đã giúp Chính phủ có được kinh nghiệm điều hành, chỉ huy nền kinh tế từ trung ương đến địa phương. Đó là những kinh nghiệm quý báu, năng lượng hữu ích cho sự phục hồi kinh tế.

Hai là suốt hơn 2 năm qua, cả cung và cầu đều bị nén chặt lại, vì tác động của dịch bệnh và các biện pháp chống dịch. Việc tái lập trạng thái bình thường mới từ cuối năm 2021 đã tạo ra sự bùng nổ về nhu cầu chi tiêu, là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp quay lại sản xuất, mạnh dạn tăng cường đầu tư. Cầu và cung đều tăng sẽ đưa nền kinh tế quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao. Ba là quyết tâm chính trị. Chúng ta biết rằng các nhà lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đều muốn thể hiện bản lĩnh, tài năng thao lược của mình. Năm 2021, năng lực được thể hiện qua việc chống dịch, còn năm 2022 trở đi, phục hồi, tăng trưởng kinh tế mới là trọng tâm “đua tài”.

- Bối cảnh đã thuận lợi, vậy động lực tăng trưởng năm 2022 sẽ đến từ đâu?

Trước hết, chúng tôi khẳng định, nền kinh tế có khả năng tự phục hồi. Nền kinh tế cũng như một cơ thể, có khả năng tự chữa lành những vết thương. Nhưng muốn quá trình tự phục hồi, tự chữa lành nhanh hơn thì cần bàn tay hỗ trợ, can thiệp của Chính phủ. Với đặc thù của Việt Nam, chúng tôi cho rằng việc hỗ trợ bằng nới lỏng tài khóa, tiền tệ có giới hạn, nên cơ bản nhất vẫn là hỗ trợ về cơ chế. Ví dụ, Chính phủ đã tạo ra một chính sách chung, thống nhất toàn quốc về kiểm soát dịch bệnh, tránh tình trạng “mở ra đóng vào” tùy tiện, dẹp bỏ tư duy “phép vua thua lệ làng” của các địa phương, để các doanh nghiệp yên tâm, tự tin khôi phục sản xuất; hoặc tạo ra lưới an sinh xã hội tốt hơn, có chính sách giúp đỡ, hỗ trợ người lao động khi họ từ những vùng quê trốn tránh dịch trở lại các thành phố lớn. Đó là những ví dụ cho thấy cách Chính phủ hỗ trợ quá trình tự chữa lành của nền kinh tế.

Ngoài nguyên lý tổng quát trên, có thể nói, cách thúc đẩy tăng trưởng nhanh nhất là khôi phục nhu cầu đầu tư của cả hai khu vực công – tư, khiến tổng cung, tổng cầu lớn lên. Khu vực công cần chủ động làm trước để tạo hiệu ứng “mồi” cho khu vực tư nhân, và thực tế cho thấy Chính phủ đang làm khá quyết liệt, đó là tăng tốc độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công để “bơm tiền” ra nền kinh tế nhanh hơn, mạnh hơn. Ví dụ điển hình nhất gần đây chính là việc Chính phủ quyết định chỉ định thầu 12 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam.

Động lực tăng trưởng thứ hai là tiêu dùng nội địa. Chúng tôi cho rằng năm nay tiêu dùng nội địa sẽ tăng khá mạnh vì hai lý do. Một là người dân tự động khôi phục nhu cầu chi tiêu, ví như mua sắm cho con em tới trường; thay mới, bảo dưỡng các thiết bị, máy móc gia dụng và công nghiệp. Hai là năm 2022, lạm phát sẽ tăng. Người dân biết rằng “đồng tiền hôm nay có giá trị cao hơn đồng tiền tương lai”, do đó trước kỳ vọng lạm phát, họ sẽ tăng chi tiêu, mua sắm hơn là tiết kiệm.

Động lực thứ ba là xuất khẩu. Chúng tôi tin rằng khi triển vọng phục hồi của các nền kinh tế lớn trên thế giới – các đối tác quan trọng nhất về thương mại của Việt Nam – trở nên vững chắc hơn, đầu ra cho các sản phẩm quốc nội cũng sẽ thông thoáng. Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục gặt hái được thành tựu về xuất khẩu như 6 năm qua đã đạt được.

Nhìn tích cực về chỉ định thầu

- Nói riêng về đầu tư công, ông đã nhắc đến việc Chính phủ chỉ định thầu 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam. Quyết định chỉ định thầu làm dấy lên một số lo ngại và dường như cũng cho thấy hình bóng của một nhà nước chỉ huy. Ông có bình luận gì về động thái này của Chính phủ?

Chúng tôi thấy rằng đầu tư công là động lực quan trọng nhất và cũng hữu hiệu nhất lúc này để phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Nhưng thực tế nhiều năm trước cho thấy quá trình giải ngân vốn đầu tư công thường phức tạp và kéo dài cũng như thường không đạt kỳ vọng. Trong khi đó, những vấn đề của nền kinh tế năm 2022 lại không cho phép Chính phủ chần chừ thêm nữa. Do đó, nếu cứ tuân theo cách làm cũ thì không sao phát huy được vai trò của đầu tư công. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng thì không còn cách nào khác là phải làm nhanh và mạnh. Việc chỉ định thầu 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam chính là sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ.

Cho tới giờ, tất cả quyết định kinh tế đều dựa trên nguyên tắc đánh đổi, không có chính sách nào toàn ưu điểm. Đương nhiên chúng ta biết rằng chỉ định thầu có mặt trái, như: rủi ro thiếu minh bạch, thiếu công bằng, thân hữu, không tiết kiệm ngân sách... Nhưng cái gì cũng muốn thì sẽ hỏng bài toán chung. Trước đây, lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ đã nhấn mạnh một nguyên tắc “trong điều kiện bất thường phải có chính sách bất thường”. Chúng tôi cho rằng đó là tư duy đúng.

Mặt khác, ta cũng nên thấy rằng Covid-19 là một hoàn cảnh “tốt” để quyết liệt hơn trong đầu tư hạ tầng. Mấy chục năm qua, Việt Nam mở cửa nền kinh tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài, làm ăn đông tây nhộn nhịp mà không có nổi một tuyến đường cao tốc xuyên quốc gia. Tuyến cao tốc ấy, lẽ ra Việt Nam phải có từ lâu rồi. Covid-19 là sức ép để buộc ta phải làm bằng được. Một con đường cao tốc xuyên quốc gia sẽ mở ra nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế. Chỉ định thầu là một cách làm táo bạo, quyết liệt trong một hoàn cảnh đặc biệt, nên được nhìn nhận ở góc độ phát triển, để kỳ vọng tới 2025, tuyến cao tốc Bắc – Nam cơ bản thành hình, tháo gỡ nhiều hạn chế, chắp cánh cho tăng trưởng.

Khó tránh lạm phát

- Nói về thách thức, năm 2022, lạm phát là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Nếu lạm phát lên cao, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới khả năng điều hành của Chính phủ và quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam?

Cho tới bây giờ, kỳ vọng lạm phát của thế giới và Việt Nam là hiện hữu, tất yếu và không còn tranh cãi. Thời gian qua, giá cả nguyên vật liệu trên thế giới đều tăng. Chi phí vận tải, giao nhận hàng hóa cũng tăng. Trong nước, giá xăng dầu đã tăng sau kỳ nghỉ Tết. Chắc chắn, sự gia tăng chi phí sẽ phản ánh vào giá cả hàng hóa. Mặt khác, việc gia tăng nhu cầu chi tiêu của người dân khi nền kinh tế trở về trạng thái bình thường cũng làm tăng giá cả các mặt hàng. Chúng ta quan sát giá cả sau Tết đều tăng là thấy rất rõ điều này. Trong tương lai gần, việc Chính phủ gia tăng giải ngân vốn đầu tư công, chấp nhận nới bội chi ngân sách, bơm tiền hỗ trợ người dân... cũng sẽ kéo lạm phát đi lên.

Bên trên, khi nói về việc có đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% hay không, chúng tôi khẳng định rằng Chính phủ hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí đạt cao hơn nữa. Nhưng tăng trưởng thì phải trả giá, giá đó là lạm phát. Nếu đặt câu hỏi lạm phát gây khó khăn gì cho điều hành kinh tế, chúng tôi nói rằng đó không phải là khó khăn mà cần ý thức rằng đó là cái giá phải trả. Chúng ta phải chấp nhận. Không có chính sách nào tạo ra tăng trưởng cao mà lạm phát thấp. Không chính phủ nào đạt được trạng thái đó cả. Vấn đề chỉ là làm sao dung hòa được hai mục tiêu: tăng trưởng và lạm phát, tìm ra đâu là điểm cân bằng tối ưu.

- Ngoài lạm phát, Việt Nam còn đối diện thách thức nào khác năm 2022?

Tiền được bơm ra để làm gì chăng nữa, phần lớn cũng đều chảy qua hệ thống ngân hàng, cho nên năm nay khu vực tài chính – ngân hàng sẽ rất nhộn nhịp, tạo ra sự hưng phấn và tăng trưởng giá trị của các sản phẩm tài chính. Mà không chỉ trong lĩnh vực này thôi đâu, kỳ vọng lạm phát sẽ tạo ra tâm lý đầu cơ, người dân sẽ đổ tiền vào các kênh tài sản: vàng, USD, bất động sản... Bong bóng giá tài sản, một nguy cơ và một thực tế, đã được cảnh báo từ năm trước, sẽ càng hiện hữu rõ nét hơn. Bong bóng giá là một tình trạng nguy hiểm cho nền kinh tế, tạo ra những rủi ro ngầm nhưng có sức phá hoại lớn, gây bất ổn vĩ mô, tạo rủi ro nợ xấu và đe dọa sức khỏe của hệ thống ngân hàng.

- Vậy ông có khuyến nghị gì đối với nhà chức trách?

Điều hành tiền tệ, tài khóa thận trọng, linh hoạt, đảm bảo ổn định vĩ mô vẫn là nguyên tắc cơ bản trong giai đoạn này. Hơn ai hết, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ hiểu rất rõ điều này, nhất là giai đoạn cuối năm 2021 đã chứng kiến một số sự vụ điển hình cho những nguy cơ vừa nêu trên.

Như trên có nói, bài toán của Chính phủ năm 2022 là làm sao dung hòa giữa mục tiêu tăng trưởng cao và nguy cơ lạm phát tăng mạnh. Khuyến nghị của chúng tôi là có thể phải kìm nén ham muốn tăng trưởng mạnh năm nay để giữ được ổn định vĩ mô, bởi người dân vừa trải qua 2 năm dịch bệnh với nhiều thương tổn, khó lòng chịu cảnh giá cả tăng quá cao khi thu nhập chưa hồi về mức cũ, doanh nghiệp cũng sẽ lao đao nếu đang yếu ớt lại bị giáng thêm đòn lãi suất mạnh.

Dài hạn hơn, việc chạy theo con số tăng GDP chưa hẳn là một chiến lược phát triển tốt. Nền kinh tế Việt Nam bao lâu nay như người đạp xe đạp, lúc nào cũng cố đạp thật nhanh nhưng không phải khi nào cũng về đích trước. Bởi vậy, đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, y tế và khoa học công nghệ phải là ưu tiên quốc sách hàng đầu để tạo ra căn cơ, tạo thay đổi bước ngoặt. Mặt khác, một nền kinh tế tăng trưởng cao mà không tạo ra sự thịnh vượng chung và luôn đối diện với những bất ổn tiềm ẩn thì chưa phải là một nền kinh tế mạnh.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Báo động hàng không: Chỉ còn 170 máy bay, hãng bay không tìm thuê được

Báo động hàng không: Chỉ còn 170 máy bay, hãng bay không tìm thuê được

(VNF) - Tính đến ngày 2/5/2024, tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 199 chiếc, trong đó số lượng tàu bay đang khai thác thực tế dao động từ 165-170 chiếc.

TP. HCM: Cầm đầu đường dây sản xuất tiền giả lĩnh án chung thân

TP. HCM: Cầm đầu đường dây sản xuất tiền giả lĩnh án chung thân

(VNF) - Trần Văn Miên với vai trò cầm đầu đường dây sản xuất, tiêu thụ tiền giả bị tòa tuyên mức án chung thân.

'Công thần' gắn bó 30 năm với Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ xin từ nhiệm

'Công thần' gắn bó 30 năm với Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ xin từ nhiệm

(VNF) - Gia nhập Hoàng Anh Gia Lai từ tháng 3/1994, ông Nguyễn Chí Thắng bất ngờ xin từ nhiệm sau 30 năm gắn bó với doanh nghiệp này.

Đằng sau khoản nợ gần 20.000 tỷ của Đèo Cả

Đằng sau khoản nợ gần 20.000 tỷ của Đèo Cả

(VNF) - Với đặc thù là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư - thi công - quản lý vận hành các dự án hạ tầng giao thông, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) khẳng định các khoản nợ dài hạn là vấn đề rất bình thường và lịch trả nợ đã được doanh nghiệp sắp xếp phù hợp.

Bảo hiểm thắng lớn nhờ doanh thu tài chính, lợi nhuận tăng tới hơn 100%

Bảo hiểm thắng lớn nhờ doanh thu tài chính, lợi nhuận tăng tới hơn 100%

(VNF) - Khác với dự báo của giới phân tích thời điểm đầu năm, doanh thu tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn vẫn ghi nhận tín hiệu tích cực trong quý I.

Khủng hoảng ngành y, loạt bệnh viện Hàn Quốc căng thẳng vì cạn tiền

Khủng hoảng ngành y, loạt bệnh viện Hàn Quốc căng thẳng vì cạn tiền

(VNF) - Khi cuộc khủng hoảng ngành y tế tại Hàn Quốc vẫn đang trong tình thế giằng co, ngày càng có nhiều bệnh viện tại nước này gặp khó khăn về tài chính.

Vì sao Quốc Cường Gia Lai phản đối trả cho bà Trương Mỹ Lan 2.882 tỷ đồng?

Vì sao Quốc Cường Gia Lai phản đối trả cho bà Trương Mỹ Lan 2.882 tỷ đồng?

(VNF) - Liên quan đến vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm, Công ty Quốc Cường Gia Lai đã có kháng cáo về việc bị tòa tuyên buộc trả 2.882 tỷ đồng cho bà Trương Mỹ Lan.

'FED và ECB bắt đầu nới lỏng: Tỷ giá và lãi suất sẽ dễ thở hơn'

'FED và ECB bắt đầu nới lỏng: Tỷ giá và lãi suất sẽ dễ thở hơn'

(VNF) - Ông Park Won Sang - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam dự báo, FED và ECB sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2024, thị trường tài chính nhờ đó sẽ hưởng lợi. Việc điều hành vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là tỷ giá và lãi suất sẽ “dễ thở” hơn.

VN-Index nối dài đà tăng: Lỡ sóng cũng chưa nên sốt ruột

VN-Index nối dài đà tăng: Lỡ sóng cũng chưa nên sốt ruột

(VNF) - Rủi ro điều chỉnh trong một vài phiên tới là hiện hữu. Mặc dù mức điều chỉnh có thể không quá lớn nhưng đây mới là cơ hội mua vào, thay vì lao vào thị trường khi đà tăng ngắn hạn đã qua đoạn cao trào.

HUT: Quý I/2024 lãi đột biến, đạt 5.186 tỷ đồng, tăng 1.658%

HUT: Quý I/2024 lãi đột biến, đạt 5.186 tỷ đồng, tăng 1.658%

(VNF) - Công ty cổ phần Tasco (HUT) cho biết cho biết, doanh thu và lợi nhuận của công ty tăng mạnh do các mảng hoạt động đều tăng trưởng, đặc biệt đến từ mảng kinh doanh xe ô tô sau khi hoàn thành hợp nhất Tasco Auto trở thành công ty con từ tháng 9/2023 nên lợi nhuận quý I/2024 tăng đột biến.

Hình ảnh ấn tượng tại Lễ Kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hình ảnh ấn tượng tại Lễ Kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(VNF) - Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành là điểm nhấn quan trọng Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) nhằm biểu dương lực lượng, khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ.