Thị trường

Lãnh đạo FPT Shop, Hoàng Hà mobile, Mai Nguyên... nói gì về điện thoại của Vingroup?

(VNF) - Lãnh đạo FPT Shop cho rằng quyết định sản xuất điện thoại của Vingroup "là một quyết định đầu tư rất dũng cảm và hơi có phần mạo hiểm". Giám đốc chuỗi cửa hàng Mai Nguyên thì nhận định "Vsmart đánh rất rộng chứ không phải như một số thương hiệu khác".

Lãnh đạo FPT Shop, Hoàng Hà mobile, Mai Nguyên... nói gì về điện thoại của Vingroup?

Điện thoại Vsmart Active 1+ của Vingroup. Ảnh: VnReview

Ngày 14/12 vừa qua, tại Tòa tháp Landmark 81 – TP. HCM, Công ty VinSmart (Tập đoàn Vingroup) đã chính thức công bố 4 mẫu điện thoại thông minh Vsmart đầu tiên. Các sản phẩm Vsmart sử dụng hệ điều hành VOS phát triển trên nền tảng Android, có giá từ 2,5-6,3 triệu đồng/sản phẩm.

Cụ thể, Vsmart Joy 1 có giá 2,49 triệu đồng; Vsmart Joy 1+ có giá 3,39 triệu đồng; Vsmart Active 1 có giá 4,99 triệu đồng; cuối cùng là Vsmart Active 1+ có giá 6,29 triệu đồng.

Đặc biệt, điện thoại Vsmart sẽ lần lượt được đưa tới hơn 3.000 cửa hàng thuộc các chuỗi cửa hàng điện thoại di động lớn như Thế giới di động, FPT Shop, Viễn Thông A, Viettel Store, VinPro, Nguyễn Kim…, hơn 1.500 cửa hàng tự doanh và hệ thống các kênh bán hàng trực tuyến.

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc FPT Retail (doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng FPT Shop) chia sẻ rằng ông không tin việc ra mắt điện thoại Vsmart chỉ sau vài tháng triển khai là có thể xảy ra. "Vì đây là việc chưa bao giờ có tiền lệ", ông Việt Anh cho hay.

"Tôi làm trong ngành này cũng lâu, đã đi thăm nhiều nhà máy của các hãng điện thoại lớn nên tôi cũng biết được mức độ phức tạp của việc xây dựng một cơ sở sản xuất điện thoại thông minh. Chính vì vậy, chỉ trong vòng 3-4 tháng mà Vsmart làm ra được một nhà máy như thế này thì đúng là một sự thần kỳ. Tôi nghĩ những gì Vingroup và Vsmart làm được đã khơi dậy niềm tự hào của người Việt Nam", lãnh đạo chuỗi cửa hàng FPT Shop cho biết.

Ông Nguyễn Việt Anh nhấn mạnh nhà máy Vsmart là nhà máy đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam thực sự sản xuất từ A đến Z.

Theo ông Việt Anh, ngày xưa thì nhiều nhà máy gọi là made in Việt Nam mà chỉ mua bo mạch về rồi lấy mấy cái màn hình, linh kiện để lắp ráp thành cái điện thoại. "Còn ở đây thì đúng là chúng ra có dây chuyền đi từ đầu, từ sản xuất bảng mạch điện tử (SMT), từ bảng mạch chưa in rồi lắp con chip, con IC lên thì chúng ta đã làm chủ công nghệ để sản xuất từ đầu đến cuối, có nghĩa là cái hàm lượng made in Việt Nam rất cao", ông nói.

Phó Tổng giám đốc FPT Retail cho rằng cách làm của Vsmart khi xây dựng một chuỗi sản xuất điện thoại mà Vsmart là chủ chuỗi để thu hút các nhà cung cấp tham gia là hướng đi hoàn toàn đúng. Theo ông, Việt Nam chưa xây dựng được ngành công nghiệp điện tử, rồi ô tô xe máy hay cái gì cả, chỉ làm thuê, cung cấp công nhân cho doanh nghiệp các nước đến sản xuất.

Vị này đánh giá, việc Vingroup đầu tư vào một nhà máy trong lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh và sở hữu công nghệ sản xuất hiện đại "là một quyết định đầu tư rất dũng cảm và hơi có phần mạo hiểm. Bởi với những người làm kinh doanh đơn thuần, bỏ ra một số tiền đầu tư không nhỏ, làm một cách rất bài bản mà chưa biết được đầu ra như thế nào, thì trường chấp nhận ra sao thì thực sự là một quyết định cực kỳ dũng cảm và phi thường".

Ông Hoàng Hữu Huỳnh, Giám đốc chuỗi cửa hàng Hoàng Hà mobile thì đánh giá nhà máy VinSmart "hơn hẳn HTC và Blackberry, ngang ngửa với LG ngay tại trụ sở chính tại Hàn Quốc".

"Không chỉ riêng Hoàng Hà mobile, mà các đại lý khác cũng vậy thôi, các sản phẩm của Vsmart rất đáng chờ đợi, hơn nữa Vsmart là sản phẩm mang thương hiệu Việt, đó cũng là một lợi thế để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng", Giám đốc Hoàng Hà mobile nhìn nhận.

Ông Huỳnh đánh giá năng lực tự sản xuất của Vsmart với 5 triệu chiếc/năm là khổng lồ, chiếm khoảng 1/4 thị trường.

Lãnh đạo chuỗi Hoàng Hà mobile nhận định Vingroup có thể sẽ chấp nhận hi sinh phần cứng, bán ra giá có sức cạnh tranh để sớm chiếm lĩnh thị trường, từ đó "ăn" được phần mềm. "Tiềm năng còn rất lớn ở phía trước đủ để Vsmart tung hoành". ông nói.

Ông Hoàng Hữu Huỳnh cho rằng Vsmart chỉ cần bán bằng giá điện thoại Trung Quốc, rồi với chế độ hậu mãi vượt trội hơn, Vsmart sẽ thắng.

Nói về mức giá điện thoại Vsmart, ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc chuỗi cửa hàng Mai Nguyên Luxury Mobile đánh giá là "rất tốt, so với mặt bằng chung trên thị trường thì đang rẻ hơn từ 20% - 30% tuỳ sản phẩm". Theo ông Nguyên, một điểm cộng nữa cho Vsmart là thời gian bảo hành dài hơn những hãng khác 6 tháng cộng với chuỗi bảo hành rộng khắp.

"Một sản phẩm vừa ra mắt mà đã đầu tư được chuỗi bảo hành và các điểm tiếp nhận bảo hành rộng lớn lên tới 500-600 điểm như vậy, rồi chương trình hậu mãi, mang tới rất nhiều các điểm trải nghiệm ở khắp mọi nơi, từ những cửa hàng di động dưới huyện, những địa phương nhỏ lẻ, tức là Vsmart đánh rất rộng chứ không phải như một số thương hiệu khác", ông Mai Triều Nguyên nói.

Giám đốc chuỗi cửa hàng Mai Nguyên cho rằng thị trường Việt Nam "dễ mà khó, khó mà dễ". Theo ông, nhiều thương hiệu vào Việt Nam đã thất bại do họ chưa am hiểu thị trường và quyết tâm chưa cao, nhưng lại dễ cho những thương hiệu am hiểu thị trường Việt Nam và quyết tâm, máu lửa, làm nghiêm túc, bài bản.

Còn theo quan điểm của ông Đặng Duy Huy, Chủ tịch HNam Mobile, sở hữu chuỗi cửa hàng HNam mobile thì Vsmart đang nắm lợi thế về thương hiệu, quan trọng là ra được sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp với người tiêu dùng.

Tin mới lên