Lao động Việt ở Đài Loan khóc khi nhận tin... tăng lương

Sơn Nguyễn - 15/12/2023 11:20 (GMT+7)

Vừa hay tin sang năm Đài Loan (Trung Quốc) tăng lương cơ bản, anh Thắng (quê Thái Bình) chưa kịp mừng thì người môi giới thông báo tiền ký túc vọt lên gấp đôi.

Lương tăng, buồn nhiều hơn vui

Anh Đỗ Đức Thắng (28 tuổi, Vũ Thư, Thái Bình) quyết định sang Đài Loan (Trung Quốc) lao động hồi tháng 8 vừa qua. Đó là con đường anh tính khi cuộc sống tại Việt Nam có phần bế tắc, đồng lương công nhân may không đủ trang trải.

"Con vừa tròn 3 tháng là tôi bay, thương vợ con nên phải cố gắng, dứt áo đi, mong cuộc sống sau này đỡ hơn", anh Thắng chia sẻ.

Chi phí khi đi hết 160 triệu đồng, toàn bộ số tiền đó anh Thắng nhờ gia đình vay mượn, xoay cho. Theo hợp đồng, nam công nhân làm cho công ty chuyên sản xuất đồ thủy tinh tại thành phố Tân Trúc. Mỗi ngày, anh làm việc 8 tiếng, cả tăng ca là 12 tiếng.

"Mang tiếng là công ty tăng ca nhưng lương thấp hơn các công ty khác, làm 12 tiếng mỗi ngày, thu nhập chỉ mới bằng công nhân nơi khác làm 9-10 tiếng", anh Thắng than.

Lao động tìm kiếm cơ hội xuất ngoại (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Tuần trước, anh Thắng hay tin đầu năm 2024 Đài Loan tăng lương cơ bản cho lao động nước ngoài. Chưa kịp vui mừng, 1 tuần sau đó, người môi giới gửi anh thông báo công ty tăng tiền ký túc lên 1.800 đài tệ (khoảng 1,3 triệu đồng) mỗi tháng. Hiện khoản chi phí này, mỗi lao động chỉ mất 800 đài tệ (khoảng 600.000 đồng).

"Lương cơ bản tăng thêm được 1.000 đài tệ thì tiền ký túc cũng tăng lên hơn 1.000 đài tệ, trong khi phòng tôi ở không có thêm đồ đạc gì, hiên phơi quần áo còn bị dột. Thế này không tăng lương còn hơn", Thắng nói.

Tại xứ người, mỗi tháng, Thắng cầm về tay khoảng 20-21 triệu đồng, cả tăng ca. Anh giữ lại 4-5 triệu để trang trải cuộc sống, còn lại 15 triệu gửi về Việt Nam trả nợ.

"Cũng biết đi Nhật Bản, Hàn Quốc có thu nhập cao hơn nhưng điều kiện không cho phép nên bất đắc dĩ, tôi chọn đi Đài Loan. Sang đây, tôi không may, gặp phải công ty ít việc, lương thấp. Giờ nhiều lúc nghĩ biết thế không đi nữa nhưng lỡ vay mượn hơn 160 triệu đồng để đi rồi nên phải cố gắng bám trụ, vừa sang mà về không biết kiếm đâu tiền trả nợ", anh Thắng giải thích.

Với tình hình hiện tại, anh tính phải mất 1,5 năm mới trả hết được nợ. Thời gian còn lại trong hợp đồng, anh sẽ nỗ lực làm việc để kiếm chút vốn rồi đi nước khác.

Áp lực kiếm tiền của lao động xa xứ

Với Phạm Thị Hằng (25 tuổi, quê Đông Hà, Quảng Trị) đi làm việc ở nước ngoài là con đường cuối cùng để thay đổi cuộc đời. Học hết lớp 12, Hằng vào làm tại một công ty may gần nhà. Thu nhập mỗi tháng 6-7 triệu đồng chỉ đủ sống, Hằng quyết tâm nhờ bố mẹ vay cho hơn 150 triệu đồng để sang Đài Loan làm việc.

Đáp chuyến bay đến xứ Đài đầu năm 2020, dụng tâm duy nhất của Hằng là chăm chỉ đi làm, bởi ở nhà các khoản nợ đang chờ. Cô làm công nhân trong xưởng sản xuất linh kiện xe đạp ở thành phố Đài Trung cùng nhiều lao động đến từ các nước khác.

Công ty của Hằng làm một tuần 5 ngày, mỗi ngày 8 tiếng, ít tăng ca, thứ bảy và chủ nhật nghỉ. Những công nhân như Hằng không thích nghỉ, chỉ muốn "cày cuốc" luôn cả hai ngày cuối tuần để kiếm thêm tiền nhưng chẳng được.

Lao động thi tay nghề trước khi đi làm việc ở nước ngoài (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Vì áp lực kiếm tiền trả nợ, nhiều lao động bỏ trốn ra ngoài làm, còn Hằng không dám đánh cược tương lai của mình, cô nghĩ làm thêm bên ngoài không biết kiếm thêm được bao nhiêu nhưng nếu bị bắt, lao động sẽ bị đánh dấu visa, sau này gặp khó khăn khi gia hạn.

"Công ty ít việc nên mỗi tháng tổng thu nhập của tôi chỉ khoảng 20-21 triệu đồng, không có tăng ca. Trừ đi các khoản thuế, tiền đóng bảo hiểm rồi tiền điện nước, tiền phòng... hàng tháng tôi chỉ tích góp được 10-12 triệu đồng", Hằng nói.

Khoản tiền dư hàng tháng, Hằng gửi về để mẹ trả nợ chi phí vay khi đi. Nếu trong tháng có việc đột xuất, cô vay mượn bạn rồi sang tháng chắt bóp để trả, chứ không dám tiêu vào số tiền ấn định gửi về nhà. Sau gần 2 năm Hằng trả hết hơn 150 triệu đồng vay đi xuất ngoại.

Cuối năm, nghe tin nước sở tại tăng lương cơ bản, những lao động như Hằng buồn nhiều hơn vui bởi tiền lương tăng ít mà đủ thứ tăng theo. Cô chỉ nguyện, thay vì tăng lương, mong công ty nhiều việc cho công nhân tăng ca, còn môi giới đừng thu thêm tiền của người lao động.

"Lương lên cũng vui nhưng hàng hóa, chi phí sinh hoạt lại tăng, tiền gửi về thì rớt giá nên có lương tăng đôi chút chỉ như muối bỏ bể. Sắp hết 3 năm hợp đồng, tôi đặt mục tiêu về nước, sau đó tìm nước khác để đi lao động. Có thể tiếp theo đây tôi sẽ sang Hàn Quốc làm việc", Hằng nói.

Theo Dân trí
Cùng chuyên mục
Tin khác