Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: ‘2-3 nhiệm kỳ qua, chúng ta không đạt chỉ tiêu về năng suất lao động’

Kỳ Thư - 08/11/2023 20:42 (GMT+7)

(VNF) - Tại Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận năng suất lao động là một trong các chỉ tiêu mà 2-3 nhiệm kỳ qua đều không đạt.

VNF
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất giải pháp sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao sau xuất khẩu lao động.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện tại mỗi năm Việt Nam đưa trung bình 120.000 - 143.000 người đi lao động nước ngoài. Năm 2023, đến thời điểm này, cả nước đã đưa được 112.000 người đi làm việc ở nước ngoài, riêng Nhật Bản là 55.000 người và Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 30.000 người. Mỗi năm lực lượng lao động này đem lại cho đất nước khoảng 3,5 - 4 tỷ USD.

Cũng theo ông Dung, năng suất lao động là một trong các chỉ tiêu mà 2-3 nhiệm kỳ qua đều không đạt. 

Về giải pháp để nâng cao năng suất lao động, ngoài vấn đề quản lý nhà nước cần quan tâm đến một số vấn đề quan trọng.

“Một là là công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động. Hai là vốn và nguồn vốn chất lượng cao để xây dựng nền tảng sản xuất, chế biến. Ba là nguồn nhân lực chất lượng cao. Kinh nghiệm cũng cho thấy, các quốc gia phát triển, có năng suất lao động cao thường có tỷ lệ lực lượng lao động phi chính thức thấp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích.

Bộ trưởng cho biết, sau kỳ họp trước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có phân công rất rõ ràng. Trong đó, đề án về nâng cao năng suất lao động giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Đề án nâng cao năng suất, đặc biệt đào tạo chất lượng cao do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.

Về hệ thống đào tạo trường nghề, ông Dung cho biết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhận. Toàn bộ các trường nghề ở địa phương do địa phương quản lý. Các bộ, ngành chuyên ngành khác nắm 99 trường. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý nhà nước nói chung về giáo dục nghề nghiệp.

"Trách nhiệm quản lý nhà nước của chúng tôi trong vấn đề này là có", Bộ trưởng thẳng thắn nói. 

Về giải pháp căn bản để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng nhấn mạnh trước hết là tuyên truyền, nâng cao nhận thức để tạo sự ủng hộ của xã hội, người học và gia đình.

Cùng với đó là việc sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới; chuyển đổi cơ cấu lao động; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường; kết nối doanh nghiệp và đào tạo kép, mỗi doanh nghiệp phấn đấu trở thành một trường nghề.

"Đây là kinh nghiệm của các nước phát triển, đặc biệt là các nước có trình độ cao như Đức, Australia…. Theo mô hình này, doanh nghiệp được coi là một trường nghề", Bộ trưởng Dung trình bày.

Cùng chuyên mục
Tin khác