Tài chính

LDG khớp lệnh ‘khủng' gần 15% vốn: NĐT nhỏ lẻ bắt đáy hay 'cá mập' ra tay?

(VNF) - Giao dịch khớp lệnh “khủng" tương đương 15% vốn điều lệ diễn ra trong bối cảnh LDG thiếu bóng cổ đông lớn làm không ít nhà đầu tư nghi ngờ về việc công ty trở thành "miếng mồi ngon" bị thâu tóm khi giá cổ phiếu ở mức rất thấp.

LDG khớp lệnh ‘khủng' gần 15% vốn: NĐT nhỏ lẻ bắt đáy hay 'cá mập' ra tay?

Ảnh minh hoạ

Khớp lệnh "khủng" gần 15% vốn điều lệ

Ngày 30/11 vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (HoSE: LDG) để điều tra về hành vi “Lừa dối khách hàng” quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tại LDG, cổ đông lớn duy nhất được ghi nhận trong nhiều năm gần đây là ông Nguyễn Khánh Hưng. Theo đó, thời điểm đầu năm 2023, ông Hưng nắm giữ hơn 18,5 triệu cổ phiếu LDG, tương đương tỷ lệ sở hữu là 7,23%. Sau nhiều lần bị bán giải chấp cổ phiếu LDG, chủ tịch Nguyễn Khánh Hưng giảm số lượng nắm giữ xuống còn hơn 10 triệu đơn vị tính đến cuối tháng 5/2023, tỷ lệ sở hữu giảm xuống còn 3,92%.

Việc ông Hưng đưa tỷ lệ sở hữu về dưới mức 5% đã làm LDG không còn ghi nhận cổ đông lớn nào. Trước đó vào giai đoạn năm 2020, nhóm cổ đông liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) từng là cổ đông lớn của LDG với tỷ lệ nắm giữ ở thời điểm trước khi thoái vốn lên đến trên 36,72% vốn. 

Sau khi chủ tịch Nguyễn Khánh Hưng bị bắt, trong 2 phiên giao dịch 1/12 và 4/12, cổ phiếu LDG "nằm sàn" với khối lượng dư bán lên tới hàng chục triệu đơn vị. Đến phiên 5/12, LDG bất ngờ khớp lệnh “khủng" hơn 37 triệu đơn vị, với tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 116 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu này chiếm gần 15% vốn điều lệ của LDG. 

Giao dịch khớp lệnh “khủng" này diễn ra trong bối cảnh LDG thiếu bóng cổ đông lớn làm không ít nhà đầu tư nghi ngờ về việc công ty trở thành "miếng mồi ngon" bị thâu tóm khi giá cổ phiếu ở mức rất thấp. 

Công ty đã phát đi thông báo trấn an nhà đầu tư, cho biết sự việc của ông Nguyễn Khánh Hưng chỉ liên quan đến dự án khu dân cư Tân Thịnh tại Đồng Nai, không liên quan đến các dự án khác mà LDG đang đầu tư phát triển. Trước sự việc của ông Nguyễn Khánh Hưng, LDG khẳng định vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo hoạt động của công ty đúng kế hoạch, mục tiêu đã thông qua. Trên thực tế, vụ việc của ông Hưng chỉ liên quan đến 1 dự án của LDG là khu dân cư Tân Thịnh tại Đồng Nai. 

Về sức hấp dẫn của LDG, doanh nghiệp này đã và đang thực hiện nhiều dự án khác tại các tỉnh thành trên cả nước, phủ sóng từ phía Bắc vào Nam tại các địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP .HCM… với tổng mức đầu tư từ vài trăm tới vài chục nghìn tỷ đồng. 

Đơn cử, LDG có 2 dự án với mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng ở TP. HCM là Saigon Intela và High Intela, dự án LDG Sky tại Bình Dương có mức đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng, dư án LDG Grand Đà Nẵng có mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng. Đặc biệt, với quy mô gần 419ha, dự án LDG Grand Hạ Long của công ty tại Quảng Ninh có mức đầu tư lên tới hơn 26.500 tỷ đồng, là khu đô thị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay do LDG phát triển.

Ngoài các dự án trên, quỹ đất mà công ty nắm giữ cũng lên đến cả nghìn ha trên cả nước. 

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn trước dịch Covid-19, LDG đạt đỉnh lợi nhuận với mức kỷ lục trên 600 tỷ đồng mỗi năm (2018-2019). Do ảnh hưởng của đại dịch, năm 2020, dù đạt mức doanh thu cao hơn 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận thu về chỉ vỏn vẹn gần 13 tỷ đồng. Dù vậy công ty đã nhanh chóng vực lại, lợi nhuận sau thuế năm 2021 tăng gấp 10 lần lên 140 tỷ đồng. 

Năm 2022, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, hàng loạt công ty trong lĩnh vực bất động sản báo lỗ, LDG ghi nhận mức lãi khiêm tốn 4,2 tỷ đồng. 

Trong năm 2023, công ty đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 1.448 tỷ đồng, tăng 424,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 3,9 tỷ đồng, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Từ câu chuyện FLC, nghĩ về khả năng "cá mập" ra tay ở LDG

Trước diễn biến cổ phiếu LDG sau khi chủ tịch Nguyễn Khánh Hưng bị bắt, giới đầu tư lại liên tưởng đến câu chuyện về Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (UPCoM: FLC) sau khi cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt. 

Nhìn lại sự việc, vào ngày 29/3/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC, để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.

Phản ứng với thông tin xấu này, cổ phiếu FLC đã "nằm sàn" trong vòng 4 phiên liên tiếp từ ngày 28/3 đến 31/3/2022. Ghi nhận trong phiên 30/3/2022 và phiên 31/3/2022, số lượng dư bán giá sàn cổ phiếu FLC là hơn 75 triệu và hơn 83 triệu đơn vị. 

Cổ phiếu FLC bất ngờ khớp lệnh “khủng" trong phiên 1/4/2022 với mức thanh khoản tăng vọt. Cụ thể, tổng khối lượng khớp lệnh trong phiên sáng là 59 triệu đơn vị. Kết thúc phiên giao dịch, khối lượng khớp đạt hơn 100 triệu đơn vị và đóng cửa ở giá 10.850 đồng/cổ phiếu.

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, cổ phiếu FLC "nằm sàn" vài phiên rồi bỗng dưng khớp lệnh khủng, đặt ra nghi vấn về khả năng bị thâu tóm

Đây là số lượng giao dịch khớp lệnh “khủng" không chỉ đối với cổ phiếu FLC mà đối với toàn thị trường. FLC ngay sau đó đã đề nghị các cơ quan xem xét làm rõ những dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1/4 đối với cổ phiếu FLC, kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1/4/2022 của cổ phiếu FLC và xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch đã thực hiện trong ngày 1/4/2022 nếu phát hiện các vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.

FLC cũng đặt nghi vấn về việc có tổ chức, cá nhân phát tán tin giả (ngày 31/3/2022, xuất hiện thông tin lan truyền trên các mạng xã hội rằng Chủ tịch FLC Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu FLC) có thể xem là hành vi có mục đích thâu tóm doanh nghiệp, làm mất an ninh an toàn thị trường, gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin của nhà đầu tư.

Không chỉ FLC thấy được sự bất thường, các nhà đầu tư trên thị trường cũng đặt nhiều nghi vấn về việc công ty bị thâu tóm, đổi chủ sau khi chủ tịch rơi vào vòng lao lý.  Theo các chuyên gia ở thời điểm đó, việc doanh nghiệp niêm yết như FLC bị thâu tóm là bình thường. Cũng có ý kiến cho rằng, việc nhà đầu tư có mục đích thâu tóm FLC là không rõ ràng. 

“Theo logic, nếu một nhà đầu tư mạnh, có nguồn vốn lớn, có ý định thâu tóm thì với 2-3 phiên giảm mạnh của cổ phiếu FLC là cơ hội tốt để mua vào, chứ không để tình trạng dư bán sàn diễn ra", một chuyên gia cho biết. 

Có thể thấy, diễn biến bán tháo và khớp lệnh “khủng" sau thông tin xấu liên quan đến ban lãnh đạo tại LDG diễn ra có phần tương tự như FLC.

Trên thực tế, FLC sau thời điểm có giao dịch khớp lệnh “khủng" vẫn "chật vật" với các cuộc ĐHCĐ, việc tìm kiếm công ty kiểm toán hay sự thay máu liên tục của ban lãnh đạo, phần nào cho thấy khả năng về việc "đổi chủ" tại FLC đến nay vẫn chưa rõ ràng. Nhìn sang câu chuyện tại LDG hiện nay, nhà đầu tư có lẽ cần thận trọng khi nghĩ về khả năng có "cá mập" thừa cơ ra tay khi chủ tịch công ty này bị bắt.

Tin mới lên