Loạt công ty bị Mỹ trừng phạt, Nga nói ‘xói mòn triển vọng hợp tác’

Minh Đăng - 10/08/2021 10:33 (GMT+7)

(VNF) - Nga có phản ứng gay gắt sau khi 3 tập đoàn lớn hứng đòn trừng phạt của Mỹ với cáo buộc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt liên quan đến Iran, Triều Tiên và Syria.

VNF
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp thượng đỉnh tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 16/6.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 9/8 đăng thông báo về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 3 thực thể Nga với cáo buộc phổ biến vũ khí hạt nhân liên quan đến Iran, Triều Tiên và Syria.

Rơi vào diện bị trừng phạt có Doanh nghiệp Nghiên cứu và Sản xuất Pulsar, Asia-Invest LLC và Charter Green Light Moscow (CGLM).

Trong danh sách trừng phạt lần này còn gồm cả các công ty từ Iraq và Syria.

Các biện pháp trừng phạt dự kiến sẽ cấm bất kỳ bộ và ban ngành nào của Mỹ mua hoặc bán các sản phẩm và dịch vụ với các thực thể này. Bên cạnh đó cũng không được gửi cho các công ty này bất cứ khoản viện trợ hoặc cấp phép cho các sản phẩm của họ.

Phản ứng trước động thái này của Mỹ, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov cho rằng việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các công ty Nga là đi ngược lại nỗ lực ổn định quan hệ song phương của các bên.

“Chúng tôi cho rằng lối tiếp cận này là không thể chấp nhận và về cơ bản là trái với ‘tinh thần Geneva’ cũng như những nỗ lực ổn định quan hệ của hai nước. Bằng hành động như vậy, Washington đang xói mòn triển vọng cho bất kỳ sự hợp tác mang tính xây dựng nào giữa hai nước”, ông Antonov phát biểu trước báo giới ngày 9/8.

Cũng theo Đại sứ Antonov, chính quyền Mỹ không cung cấp bất cứ bằng chứng nào liên quan tới các cáo buộc và “đang đi theo con đường đưa ra những hạn chế đơn phương bỏ qua luật pháp quốc tế và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.

Ông Antonov tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới của Washington đối với Nga là không thể chấp nhận được và trái với tinh thần của các thỏa thuận mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden và đạt được trong thời gian Hội nghị thượng đỉnh Geneva.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp thượng đỉnh tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 16/6.

Họp báo sau thượng đỉnh, ông Biden cho biết hai bên đã tìm được “ngôn ngữ chung” và chứng minh được rằng Moscow và Washington có thể ngồi trên bàn đàm phán để nói chuyện hòa bình thay vì cứ liên tục đe dọa lẫn nhau.

Tuy nhiên, sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc hai bên liên tục có những động thái căng thẳng với nhau.

Gần đây nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 30/7 thông báo cơ quan này phải cho thôi việc 182 nhân viên người địa phương làm việc tại đại sứ quán và các lãnh sự quán của mình ở Nga.

Từ ngày 1/8, Nga cũng cấm tất cả người không phải công dân Mỹ làm việc tại Đại sứ quán Mỹ đặt ở Moscow, cũng như 2 tổng lãnh sự quán ở Yekaterinburg và Vladivostok. Đây là biện pháp đáp trả việc Mỹ trục xuất các nhà ngoại giao Nga, sau khi hai nước đóng cửa các cơ quan đại diện của nhau.

Xem thêm >> Amazon thưởng gần 2 triệu USD cho nhân viên tuyến đầu tiêm vaccine Covid-19

Theo Sputnik, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.