Thế giới tuần qua: Biến chủng Delta tấn công Trung Quốc, Mỹ sa thải 182 nhân viên sứ quán người Nga

Mộc An - 31/07/2021 17:50 (GMT+7)

(VNF) - Trung Quốc trải qua đợt lây nhiễm Covid-19 tồi tệ nhất sau Vũ Hán; Mỹ sa thải 182 nhân viên sứ quán người Nga; chuyên gia nhận định Anh sắp đạt được miễn dịch cộng đồng; các nhà khoa học cảnh báo nguy cơ xuất hiện nhiều biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có thể kháng vaccine là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

VNF
Nhà chức trách thành phố Nam Kinh đã bắt đầu chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn.

Trung Quốc đang trải qua đợt lây nhiễm tồi tệ nhất sau Vũ Hán

Là một trong những nước thành công trong việc dập dịch Covid-19 sớm nhất, thế nhưng trong khoảng 1 tuần trở lại đây, Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức do đợt bùng phát dịch mới xuất phát từ thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô ở miền Đông nước này.

Nhà chức trách Nam Kinh cho rằng đợt bùng phát dịch hiện tại có liên quan đến biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm siêu nhanh và siêu mạnh.

Làn sóng dịch lần này xuất phát từ sân bay quốc tế Lộc Khẩu ở Nam Kinh. Ngày 20/7, trong một cuộc kiểm tra định kỳ, 9 nhân viên dọn vệ sinh tại sân bay này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Chỉ trong 11 ngày tính đến hết ngày 30/7, Nam Kinh đã ghi nhận ít nhất 210 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và năm ca nhiễm không triệu chứng.

Hiện chưa rõ các ca Covid-19 ở Trung Quốc hiện tại đã được tiêm vắc xin hay chưa.

Theo SCMP, đợt bùng phát Covid-19 mới từ ổ dịch sân bay Nam Kinh, tỉnh Giang Tô đã lan ra 26 thành phố khác ở Trung Quốc. Đây là đợt lây lan sâu rộng nhất ở Trung Quốc kể từ sau đợt bùng dịch ở thành phố Vũ Hán cuối năm 2019.

Nhà chức trách thành phố Nam Kinh đã bắt đầu chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn. Theo Tân Hoa Xã, toàn bộ 9,3 triệu người ở Nam Kinh, bao gồm cả du khách, sẽ được xét nghiệm Covid-19.

Mỹ sa thải gần 182 nhân viên sứ quán người Nga

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 30/7 thông báo cơ quan này phải cho thôi việc 182 nhân viên người địa phương làm việc tại đại sứ quán và các lãnh sự quán của mình ở Nga.

"Bắt đầu từ tháng 8, chính phủ Nga cấm Mỹ giữ lại, thuê hoặc ký hợp đồng với nhân viên người Nga hoặc nước thứ ba, ngoại trừ lực lượng bảo vệ của chúng tôi. Chúng tôi rất tiếc khi phải thông báo rằng quyết định này buộc chúng tôi phải sa thải 182 nhân viên địa phương và hàng chục nhà thầu tại các cơ sở ngoại giao của chúng tôi ở Moscow, Vladivostok và Yekaterinburg", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo ngày 30/7.

"Biện pháp đáng tiếc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của các đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ tại Nga, trong đó có an toàn của nhân viên chúng tôi, cũng như khả năng làm việc với Chính phủ Nga”, ông Blinken nói thêm.

Bộ Ngoại giao Nga và Đại sứ quán Nga ở Washington chưa có phản ứng trước động thái này của Mỹ.

Hồi đầu năm nay, Nga thông báo cấm tất cả người không phải công dân Mỹ làm việc tại Đại sứ quán Mỹ đặt ở Moscow, cũng như hai tổng lãnh sự quán ở Yekaterinburg và Vladivostok.

Đây là biện pháp đáp trả việc Mỹ trục xuất các nhà ngoại giao Nga, sau khi hai nước đóng cửa các cơ quan đại diện của nhau.

Sau khi lệnh cấm được Moscow công bố, Đại sứ quán Mỹ ở Nga đã dừng dịch vụ lãnh sự thông thường. Từ tháng 5 đến nay, đơn xin visa nhập cảnh vào Mỹ chỉ được xem xét trong trường hợp đe dọa tính mạng khẩn cấp.

Nguy cơ xuất hiện nhiều biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có thể kháng vaccine

Giới khoa học toàn cầu tuần qua kêu gọi người dân các nước tăng tốc tiêm vaccine và tiếp tục tuân thủ tất cả các biện pháp an toàn, bao gồm đeo khẩu trang cho đến khi kết thúc đại dịch, để ngăn chặn sự xuất hiện của dòng coronavirus kháng vaccine.

Các nhà nghiên cứu từ Thụy Sĩ, Áo và Tây Ban Nha dưới sự lãnh đạo của ông Fedor Kondrashov thuộc Đại học Y khoa Geneva đã xây dựng một mô hình về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 trong khoảng thời gian 3 năm.

Mô hình đã tính đến các thông số sau: tỷ lệ tiêm chủng, tần suất đột biến virus và sự thay đổi tốc độ lây truyền tùy thuộc vào biện pháp can thiệp bên ngoài, chẳng hạn như áp đặt hạn chế và giãn cách xã hội.

Kết quả cho thấy các chủng virus kháng vaccine nhiều khả năng xuất hiện ở những cộng đồng cư dân mà tỷ lệ tiêm chủng khoảng 60%, còn ít khả năng nhất là ở nơi tiêm chủng 100%. Đó là xu thế phát triển các chủng kháng vaccine so với chủng loại nguyên sơ ban đầu.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tuần qua, số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã tăng 8% và số ca tử vong tăng 21%.

Nguy hiểm hơn, số ca mắc Covid-19 với biến thể Delta đã tăng trung bình lên 540.000 ca/ngày và gần 70.000 ca tử vong/tuần trên toàn cầu. Sự gia tăng này xảy ra trong các điều kiện tương tự như tại đỉnh dịch vào năm 2020, thời điểm xuất hiện 4 biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan cao.

WHO cũng cho biết virus SARS-CoV-2 có thể đã phát triển thành nhiều biến thể nguy hiểm hơn, song cho đến nay chưa được phát hiện do mức độ lây nhiễm trong cộng đồng chưa đủ lớn.

Chuyên gia: ‘Anh đã tiến rất gần tới miễn dịch cộng đồng’

Làn sóng dịch thứ ba, bắt đầu vào tháng 6, đã trở nên nghiêm trọng ở Anh khi tỷ lệ mắc ở nhóm người trẻ tuổi tăng vọt. Nguyên nhân được đưa ra là tại thời điểm đó nhóm dân số trẻ tuổi của Anh có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 rất thấp.

Theo dữ liệu vừa được Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) công bố, số ca mắc mới Covid-19 đã giảm tại 313 trong 315 khu vực khắp nước Anh trong tuần qua. Trong đó, số ca mắc mới ở nhóm tuổi 20-29 ở nước này đã giảm khoảng 15%.

Bất chấp tình hình dịch bệnh đã được cải thiện, giới chức Anh vẫn kêu người dân thận trọng. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học lại tỏ ra lạc quan và cho rằng đại dịch đã "gần kết thúc".

"Nếu không có bước ngoặt bất ngờ nào nữa thì đại dịch ở Anh gần như đã kết thúc", tiến sĩ David Matthews cho biết hôm 29/7 đồng thời nhận định rằng khả năng chính quyền Anh tái áp đặt hạn chế là rất thấp.

“Tôi không nghĩ số ca mắc cũng như mức độ tử vong sẽ tăng cao đột biến trong mùa đông này. Khi chỉ còn khoảng 10% dân số chưa tiêm vaccine, mọi chuyện sẽ trở nên tốt hơn”, ông Matthews nhận định thêm.

Vị tiến sĩ cho rằng miễn dịch cộng đồng nghĩa là số ca nhập viện vì Covid-19 chậm tới ngưỡng có thể kiểm soát được. Nhờ đó, các bệnh viện công của Anh có thể bắt đầu giải quyết dần lượng bệnh nhân lớn tồn đọng.

Các chuyên gia cũng cho rằng quyết định dỡ bỏ phong tỏa từ ngày 19/7 đến nay vẫn chưa có tác động tiêu cực đến tình hình dịch bệnh như nhiều người lo ngại.

Cho tới nay Anh đã tiêm chủng được 84,3 triệu người, trong đó 37,6 triệu người được tiêm đủ hai mũi, tương đương 56,4% dân số, theo số liệu của trang thống kê Our World Data.

Xem thêm >> Mỹ dừng các vụ IPO của doanh nghiệp Trung Quốc

Cùng chuyên mục
Tin khác