Loạt ngân hàng trung ương thay đổi chính sách tiền tệ, nợ công Mỹ đạt kỷ lục

Hà Vy - 04/08/2024 12:41 (GMT+7)

(VNF) - Trong tuần qua, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới có nhiều biến động, trong đó phải kể đến cái chết của thủ lĩnh Hamas cùng những thay đổi trong chính sách tiền tệ của loạt ngân hàng trung ương lớn.

Thủ lĩnh Hamas tử vong

Ngày 31/7, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) xác nhận Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh và một vệ sĩ người Iran thiệt mạng sau cuộc tấn công vào nơi ở của ông ở Tehran. Trước đó, ông Haniyeh đã tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian vào ngày 30/7.

Ông Ismail Haniyeh thiệt mạng sau cuộc tấn công hồi cuối tháng 7.

Ismail Haniyeh là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Hamas, đã dành phần lớn thời gian của mình trong những năm gần đây ở Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2006, ông từng giữ chức vụ thủ tướng Palestine sau khi Hamas giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử quốc hội cùng năm. Năm 2017, Haniyeh được bầu làm lãnh đạo cơ quan chính trị của Hamas.

Ông Haniyeh đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả việc làm nhà đàm phán trong các cuộc thảo luận về ngừng bắn tại Dải Gaza. Ông cũng liên hệ với Iran, đồng minh chính của Hamas, và gặp gỡ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, ông được cho là duy trì mối quan hệ tốt với các lãnh đạo của nhiều phe phái Palestine, kể cả những đối thủ của Hamas.

Loạt ngân hàng trung ương ra quyết định lãi suất

Vào ngày 31/7, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell thông báo rằng Fed dự kiến sẽ tiến hành đợt giảm lãi suất đầu tiên của chu kỳ này vào tháng 9, sau khi đạt được tiến bộ trong việc kiềm chế lạm phát tại Mỹ.

Cục Dự trữ Liên bang đang chuẩn bị cho đợt cắt giảm 25 điểm cơ bản đầu tiên sau một năm duy trì lãi suất ở mức 5,25% đến 5,5%, khi cơ quan này chuyển sự chú ý sang những rủi ro của nền kinh tế suy yếu và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Trong khi đó, với kết quả bỏ phiếu 5 ủng hộ, 4 phản đối, Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã quyết định hạ lãi suất từ 5,25% xuống 5%. Trước đợt giảm này, BOE đã duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong 16 năm kể từ tháng 8/2023.

BOE quyết định hạ lãi suất.

Vào ngày 1/8, BOE cũng phát hành báo cáo chính sách tiền tệ hàng quý, bao gồm các dự báo về tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Ủy ban Chính sách Tiền tệ sẽ họp lần tiếp theo vào ngày 19/9 và dự kiến có thêm hai cuộc họp nữa trong tháng 11 và 12.

Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) là một ngoại lệ đáng chú ý. Ngày 31/7, BOJ đã quyết định tăng lãi suất chính sách từ 0-0,1% lên 0,25%, mức cao nhất trong 15 năm qua, đồng thời công bố kế hoạch giảm dần chương trình mua trái phiếu quy mô lớn.

Thống đốc BOJ, ông Kazuo Ueda, không loại trừ khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay và nhấn mạnh rằng ngân hàng này sẵn sàng nâng chi phí vay lên mức trung lập đối với nền kinh tế. Những động thái này đã khiến đồng đô la lần đầu tiên giảm xuống dưới 150 yên kể từ tháng 3.

Nợ công Mỹ tăng chóng mặt, lần đầu tiên vượt mốc 35.000 tỷ USD

Ngày 29/7 (giờ địa phương), Bộ Tài chính Mỹ công bố số liệu cho thấy nợ công của Mỹ hiện đang ở mức trên 35.000 tỷ USD. Con số này đồng nghĩa với việc khối nợ tính trên đầu người hiện đã tăng lên gần 104.000 USD.

Cột mốc này đạt được chỉ vài tháng sau khi Mỹ vượt qua ngưỡng nợ công 34.000 tỷ USD vào đầu tháng 1/2024, trong khi mốc 33.000 tỷ USD ghi nhận vào tháng 9/2023. Để so sánh, cách đây 4 thập kỷ, nợ công nước này chỉ dao động quanh mức 907 tỷ USD.

Nợ công của Mỹ tăng vọt.

Tổng nợ của Washington vượt mức 35.000 tỷ USD khi nợ do công chúng nắm giữ (không bao gồm nợ được nắm giữ trong các tài khoản nội bộ chính phủ như quỹ tín thác An sinh xã hội) được dự đoán sẽ đạt 99% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm nay và tăng lên 122% GDP vào năm 2034.

Trước đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) đã dự báo nợ công sẽ đạt mức kỷ lục hơn 106% GDP vào năm 2027, phá vỡ kỷ lục gần 80 năm được thiết lập vào năm 1946.

Nền kinh tế Nga đang trong 'vùng biển đầy sóng gió chưa đượckhám phá'

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina, mô tả nền kinh tế nước này đang ở "vùng biển đầy sóng gió chưa được khám phá" do chịu tác động từ lệnh trừng phạt của phương Tây và cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Kể từ khi Nga đưa quân tới Ukraine vào tháng 2/2022, Nga đã chứng kiến sự di cư ồ ạt về nhân tài và vốn.

Kinh tế Nga gặp khó vì chiến sự với Ukraine và nhận đòn trừng phạt của phương Tây.

Financial Times dẫn thống kê của Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy hơn 253 tỷ USD vốn tư nhân đã rời khỏi đất nước và ước tính có tới 1 triệu lao động có tay nghề cao đã di cư, chiếm khoảng 10% lực lượng lao động công nghệ của Nga và 1/3 số triệu phú của nước này.

Làn sóng tháo chạy vốn này cản trở nghiêm trọng khả năng đổi mới và duy trì tăng trưởng công nghệ và kinh tế của Nga.

Theo Money Week, các lệnh trừng phạt cũng dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm từ khoảng 100 tỷ USD mỗi năm trước khi chiến sự diễn ra xuống gần bằng 0 hiện nay.

EU chính thức kích hoạt Đạo luật quản lý AI

Bắt đầu từ ngày 1/8, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức triển khai Đạo luật quản lý trí tuệ nhân tạo (AI), với hy vọng bảo vệ quyền của công dân trong khi vẫn thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo. Để đi đến quyết định này, EU đã trải qua nhiều phiên tranh luận căng thẳng.

Trước đó, trong đầu năm nay, EU đã nhất trí thông qua bộ quy tắc toàn diện đầu tiên trên thế giới để quản lý AI, đặc biệt đối với các hệ thống phổ biến như ChatGPT của OpenAI. Mặc dù các công ty sẽ cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định này vào năm 2026, một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

EU chính thức kích hoạt Đạo luật quản lý AI từ 1/8.

Đạo luật AI (AI Act) là một phần trong nỗ lực của EU nhằm điều chỉnh trí tuệ nhân tạo, lần đầu tiên được Ủy ban châu Âu đề xuất vào năm 2020, với mục tiêu giải quyết các tác động tiêu cực tiềm tàng của AI.

Đạo luật này đưa ra một khung quản lý toàn diện và thống nhất cho AI trên toàn EU, sử dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro để điều chỉnh công nghệ. Nó sẽ ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty phát triển hệ thống AI, cũng như các doanh nghiệp không chuyên về công nghệ nhưng triển khai hoặc sử dụng AI trong một số trường hợp nhất định.

Cách tiếp cận dựa trên rủi ro có nghĩa là các ứng dụng khác nhau của AI sẽ được quản lý theo các mức độ khác nhau, tùy thuộc vào mức độ rủi ro mà chúng có thể gây ra cho xã hội. Ví dụ, các nhà cung cấp AI có rủi ro cao sẽ phải tiến hành đánh giá rủi ro và đảm bảo sản phẩm của họ tuân thủ luật pháp EU trước khi ra mắt công chúng. Những nội dung như hình ảnh, văn bản hay video do AI tạo ra sẽ cần được ghi chú rõ ràng là sản phẩm của AI.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.