Webtoon tỷ USD của Hàn Quốc: Tính phí truyện tranh, nổi danh toàn cầu
(VNF) - “Webtoon”, hay truyện tranh trực tuyến, đang ngày càng phổ biến với các độc giả toàn cầu. Từ những bộ truyện tranh đăng tải miễn phí trên mạng của Hàn Quốc, khó mà tưởng tượng được lĩnh vực này lại trở thành một “ngành công nghiệp" trị giá hàng tỷ USD.
Một sản phẩm từ văn hoá Hàn Quốc
Được tạo nên một cách rất đơn giản từ “web" và “cartoon" (hoạt hình), webtoon là truyện tranh dạng ngắn được tạo ra bằng kỹ thuật số và tối ưu hóa để đọc trên thiết bị di động. Định dạng này bắt đầu ở Hàn Quốc cách đây hai thập kỷ, có chi phí sản xuất rẻ và bất kỳ ai có máy tính bảng cũng có thể tạo ra.
Chỉ vài năm trước, thuật ngữ "webtoon" còn khá xa lạ với nhiều người nhưng giờ đây, thuật ngữ này đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới, trở thành một xu hướng mới sau những làn sóng như K-pop (âm nhạc Hàn Quốc), K-drama (phim ảnh Hàn Quốc). Đây vốn là những sản phẩm truyền bá văn hoá của xứ sở kim chi và cũng là những “ngành công nghiệp" tỷ USD thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc.
Trước khi có webtoon, đã có “truyện tranh kỹ thuật số” (truyện tranh in được số hoá để đọc trực tuyến), hay “webcomics” - truyện tranh online với phương thức đọc lật trang. Phải đến tháng 4/2000, khi một tờ báo Hàn Quốc sử dụng thuật ngữ “webtoon” để chỉ những bộ truyện tranh trực tuyến được xem cùng với video và nhạc nền, một “chân trời mới” đã được mở ra. Hơn nữa, nhờ việc xuất hiện phương thức đọc cuộn dọc, các webtoon dần trở nên thân thiện hơn với độc giả trong nước, tạo ra một góc rất riêng trong văn hóa giải trí của người trẻ Hàn Quốc.
Trước đây, để thu hút người truy cập, nhiều trang thông tin Hàn Quốc hay đăng tải webtoon miễn phí. Nhưng kể từ thời điểm một số công ty giải trí bắt đầu tính phí truy cập truyện hoặc yêu cầu chi tiền để đọc trước các chương truyện, ngành công nghiệp webtoon Hàn Quốc mới được hình thành.
Mô hình này dần chín muồi với sự xuất hiện của các nền tảng webtoon vừa và nhỏ. Lezhin Entertainment là một ví dụ điển hình, khi công ty này bắt đầu tính phí việc mua chương truyện và sau đó đạt doanh số tới 40 tỷ won (28 triệu USD), thúc đẩy cho hơn 40 nền tảng chuyên về webtoon đi vào hoạt động từ năm 2018.
Mới đây, Webtoon Entertainment, “gã khổng lồ” về nền tảng truyện tranh trực tuyến, đã chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ. Công ty này đã huy động thành công 315 triệu USD và đạt mức định giá 2,71 tỷ USD. Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của ngành công nghiệp K-culture (văn hoá Hàn Quốc). Webtoon Entertainment cho hay công ty có kế hoạch đẩy nhanh tăng trưởng ở Bắc Mỹ cho đến khi webtoon có vị thế tương tự như Hàn Quốc hoặc Nhật Bản về lượng người dùng và doanh thu quảng cáo.
Ngành công nghiệp màu mỡ “go global”
Năm 2023, thị trường webtoon tại Hàn Quốc có giá trị 1,09 tỷ USD, tăng đáng kể so với mức khoảng 112,56 triệu USD vào năm 2013. Thị trường này đã tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 khiến hàng triệu người bị phong tỏa và phải tìm cách giải trí tại nhà. Ở một quốc gia mà 80% dân số sở hữu điện thoại thông minh như Hàn Quốc, rõ ràng, những nội dung số như webtoon đã dễ dàng trở nên phổ biến.
Hơn nữa, theo trang Daxue Consulting, thị trường webtoon đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 15,23% từ năm 2023 đến năm 2033. Thị trường webtoon tại Hàn Quốc dự kiến sẽ đạt 4,50 tỷ USD vào năm 2033. Dịch vụ webtoon phổ biến nhất tại Hàn Quốc là Naver Webtoon, tiếp theo là các nền tảng Kakao Page và Kakao Webtoon (trước đây là Daum Webtoon).
Các dịch vụ webtoon của Naver Webtoon và Kakao đang cạnh tranh để giành vị trí dẫn đầu không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường nước ngoài. Các công ty này cũng đã ra mắt nền tảng webtoon tại châu Mỹ, châu Âu và các nước châu Á khác. Theo Spherical Insights & Consulting, ngành công nghiệp webtoon toàn cầu đã thu về 4,7 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng lên 60,1 tỷ USD vào năm 2030.
Cả Naver và Kakao đều có lượng người tiêu dùng lớn nhất bên ngoài Hàn Quốc là Nhật Bản. Theo Naver, Nhật Bản chiếm hơn 50% tổng khối lượng hàng hóa cho webtoon, đạt khoảng 219 tỷ won trong tổng số 406,5 tỷ won trong quý II/2022. Mỹ là thị trường đứng thứ 2 với doanh số 21 tỷ won.
Kakao đã thành lập một công ty con webtoon tại Nhật Bản, Kakao Piccoma, đạt khối lượng giao dịch hàng năm cao kỷ lục là 100 tỷ yên (673 triệu USD) vào năm 2023. Nền tảng này đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19, với khối lượng giao dịch trong năm 2023 tăng hơn 7 lần so với năm 2019.
Người phát ngôn của Kakao Webtoon cho biết: "Webtoon đã chiếm được một nhóm nhân khẩu học hoàn toàn khác so với truyện tranh giấy. Đối tượng chính của webtoon là những người sinh ra và lớn lên trong thời kỳ kỹ thuật số, một số người thậm chí còn chưa từng chạm vào truyện tranh giấy trước đây".
Chính phủ Hàn Quốc cũng đã để mắt đến tiềm năng của hoạt động kinh doanh webtoon, khi Bộ Văn hóa nước này đặt mục tiêu thiết lập một nền tảng webtoon toàn cầu tương đương với sức ảnh hưởng của gã khổng lồ phát trực tuyến Netflix. Được biết, Bộ này đang cố gắng mở rộng quy mô kinh doanh webtoon lên 4.000 tỷ won vào năm 2027 và tăng khối lượng xuất khẩu lên 250 triệu USD, tăng 132,3% so với con số năm 2022.
“Chất liệu" cho nhiều ngành khác
Ngành công nghiệp webtoon đã chứng minh được tiềm năng của mình mặc dù còn khá non trẻ. Ông Kazuhiko Torishima, biên tập viên truyện tranh "Weekly Shonen Jump" tại Nhật Bản, đã từng nhận xét rằng webtoon là đối thủ nghiêm túc đầu tiên của manga (truyện tranh) Nhật Bản. Nói cách khác, webtoon không bị so sánh với truyện tranh mà chúng đang viết nên một lịch sử mới của riêng mình.
Không chỉ tự tạo ra một con đường riêng, webtoon còn trở thành “chất liệu” cho nhiều ngành khác, điển hình như công nghiệp phim ảnh. Các hãng sản xuất và biên kịch sớm phát hiện ra rằng nội dung webtoon là một kho tàng chứa đầy cốt truyện, nhân vật và tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc thú vị mà họ có thể sử dụng cho phim truyền hình hoặc phim điện ảnh của mình.
Việc sản xuất một bộ phim chuyển thể từ webtoon, nhất là các webtoon nổi tiếng, sẽ thuận lợi hơn vì chúng đã có lượng người hâm mộ đông đảo và trung thành. Và ngược lại, nếu một bộ phim xây dựng từ webtoon thành công, người xem sẽ đổ xô đến các tác phẩm gốc của loạt phim đó để tìm hiểu sâu hơn về cốt truyện. Một trường hợp điển hình là webtoon "Itaewon Class", đã tìm được đường đến Netflix dưới dạng chuyển thể thành phim truyền hình vào năm 2020, thậm chí tạo ra một cơn “sốt” trong cộng đồng người thích phim Hàn trên toàn cầu.
Các dịch vụ phát trực tuyến trên toàn thế giới như Netflix và Disney+ đã sản xuất các chương trình truyền hình ăn khách dựa trên webtoon, nhận được nhiều lời khen ngợi cho thể loại này. Ngay cả Apple và Amazon cũng đã tham gia vào lĩnh vực kinh doanh webtoon.
Ngoài ra, các nền tảng webtoon cũng đang hợp tác với các nhà phát triển trò chơi để phát hành các game dựa trên webtoon phổ biến. Leda Games đã phát hành một trò chơi vào năm 2023, xây dựng trên webtoon nổi tiếng "Strangers from Hell". Trò chơi đã huy động thành công 100 triệu won trong quá trình gây quỹ cộng đồng trước khi phát hành.
Các công ty game vừa và nhỏ cũng đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng thông qua hợp tác với webtoon. Năm 2023, Naver Webtoon, Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc và Google Play đã đồng ý hợp tác trong dự án “The Global Webtoon Games”. Sáng kiến này hỗ trợ việc mở rộng các doanh nghiệp game vừa và nhỏ bằng cách tận dụng lượng người hâm mộ webtoon đã có.
IPO tại Mỹ, 'gã khổng lồ' truyện tranh Hàn Quốc đặt mục tiêu định giá 2,67 tỷ USD
- Nhu cầu xe điện suy giảm, 3 ông lớn sản xuất pin Hàn Quốc 'kêu cứu' 09/07/2024 03:57
- Chaebol Hàn Quốc muốn khai thác đất hiếm, xây đô thị thông minh ở Việt Nam 03/07/2024 01:00
- Tập đoàn Hàn Quốc bỏ 100 triệu USD mở 'lò' rượu Soju ở Việt Nam 16/06/2024 09:39
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.