Lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm: Sáng - tối đan xen

Hải Đường - 19/02/2023 22:18 (GMT+7)

(VNF) - Bức tranh lợi nhuận quý IV của doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn bao gồm những mảng sáng - tối đan xen, có những doanh nghiệp đạt được tăng trưởng bằng lần, trong khi một số doanh nghiệp lại sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí thua lỗ.

VNF

Nhóm tăng trưởng lợi nhuận ngoạn mục

Nếu nói về điểm sáng của bức tranh lợi nhuận, Công ty Cổ phần PVI (HNX: PVI) là cái tên đầu tiêu cần nhắc đến. Đây là doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế “khủng” nhất trong số 12 doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của PVI tăng 194% so với mức thực hiện cùng kỳ (gấp 2,9 lần), đạt gần 174 tỷ đồng trong quý IV/2022.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, lợi nhuận sau thuế quý IV của PVI tăng trưởng mạnh một phần do mức nền thấp của quý IV/2021, cụ thể là 59 tỷ đồng. Các quý còn lại của năm 2022 đều đạt được mức lợi nhuận sau thuế trên 200 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc quý IV là quý kém sắc nhất của năm 2022.

Cũng tăng trưởng lợi nhuận bằng lần là trường hợp của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (UPCoM: AIC), đạt lãi sau thuế gấp 2,4 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do quy mô hoạt động nhỏ, lợi nhuận của AIC chỉ đạt vỏn vẹn gần 10,7 tỷ đồng.

Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (HNX: VNR) là cái tên tiếp theo trong nhóm có mức lợi nhuận sau thuế quý IV tăng trưởng ngoạn mục. Cụ thể, công ty báo lãi sau thuế hơn 126 tỷ đồng, tăng 77,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý nhất trong nhóm tăng trưởng lợi nhuận ngoạn mục là Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: ABI). So với khoản lỗ sau thuế 16,6 tỷ đồng trong quý IV/2021, việc ghi nhận lợi nhuận sau thuế 53 tỷ đồng trong quý cuối năm 2022 có thể coi là sự nỗ lực đáng khích lệ của ABI.

Ngoài những doanh nghiệp nêu trên, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BIC) và Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (HoSE: BMI) là 2 cái tên cuối cùng trong nhóm tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý IV với mức tăng trưởng lần lượt là 22,7% và 3,4%.

Mặc dù cùng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trong quý IV nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm trên lại không có chung động lực tăng trưởng. Cụ thể, tại PVI, ABI và BMI thì hoạt động kinh doanh bảo hiểm là động lực tăng trưởng chính khi doanh thu thuần và lợi nhuận gộp ở mảng cốt lõi này đều đi lên so với cùng kỳ.

Trong khi đó, ở VNR, AIC và BIC, hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong quý IV không mấy hiệu quả, trong đó riêng AIC thậm chí lỗ gộp 47 tỷ đồng do chi phí kinh doanh neo cao. Đóng góp chính vào lợi nhuận trong kỳ của các doanh nghiệp này đến từ hoạt động tài chính.

Mảng tối sụt giảm và thua lỗ

Bức tranh lợi nhuận quý IV của doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn chia rõ thành 2 mảng sáng - tối. Bên cạnh điểm sáng tăng trưởng thì trong quý IV, một nửa số doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn đã tập trung ở nhóm sụt giảm và thua lỗ.

Doanh nghiệp bảo hiểm thua lỗ nặng nề nhất trong quý IV là Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (UPCoM: BLI) với khoản lỗ 42 tỷ đồng. Tiếp theo là Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) với khoản lỗ hơn 4,4 tỷ đồng. Theo đó, nguyên nhân thua lỗ của BLI đến từ việc chi phí neo cao; nguồn thu từ hoạt động cốt lõi cũng như hoạt động tài chính không thể bù đắp được tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm và chi phí quản lý doanh nghiệp. Còn tại PTI, cả hoạt động kinh doanh cốt lõi và hoạt động tài chính của PTI đều không mấy khả quan trong quý cuối năm. Ngoài ra, việc phát sinh chi phí liên quan từ chương trình bảo hiểm “Vững Tâm An” cũng góp phần vào sự tụt dốc của doanh nghiệp này trong quý IV.

Về nhóm sụt giảm, “ông lớn” Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) là cái tên đầu tiên không thể bỏ qua với lợi nhuận sau thuế giảm 37,8% so với cùng kỳ, đạt hơn 352 tỷ đồng. Ở quy mô hoạt động nhỏ hơn, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (HoSE: MIG) và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (HoSE: PGI) lần lượt ghi nhận sụt giảm lợi nhuận sau thuế quý IV ở mức 67,6% và 50,3%, tương ứng đạt 24,4 tỷ đồng và 83,3 tỷ đồng.

Tại BVH và PGI, nguyên nhân sụt giảm đều đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Trong đó, BVH lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm hơn 409 tỷ đồng và hoàn toàn được hoạt động tài chính “cứu cánh” với khoản lợi nhuận hơn 2.140 tỷ đồng. MIG dù có hoạt động kinh doanh cốt lõi hiệu quả nhưng do chi phí neo cao và thiếu trợ lực từ hoạt động tài chính, doanh nghiệp này vẫn không đạt được tăng trưởng lợi nhuận dương trong kỳ.

Hoạt động tài chính sẽ khó khăn

Nhìn tổng thể bức tranh lợi nhuận quý IV của doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn, dù hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn là chủ lực nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của hoạt động tài chính khi đã “cứu cánh” lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp, chẳng hạn như BVH và AIC. Tuy nhiên, nhiều tín hiệu đang cho thấy hoạt động này có thể không thuận lợi trong năm 2023.

Cụ thể, sau một thời gian chạy đua, lãi suất tiền gửi đã có dấu hiệu hạ nhiệt, trong đó mức lãi suất 10%/năm đã biến mất trên thị trường. Lãnh đạo một số ngân hàng gần đây cho biết đã thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay. Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức cuộc họp kêu gọi và thống nhất hội viên là các tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa là 9,5%/năm.

Bên cạnh tuyên bố của các ngân hàng cũng như đơn vị liên quan, nhiều chuyên gia, tổ chức nghiên cứu cũng dự đoán về việc lãi suất huy động sẽ hạ nhiệt trong năm 2023.

Ngoài yếu tố về lãi suất ngân hàng, diễn biến của thị trường chứng khoán cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm. Được biết, không ít doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn ghi nhận khoản đầu tư khá lớn vào chứng khoán kinh doanh, bao gồm cổ phiếu và trái phiếu.

Về cổ phiếu, nếu thị trường chứng khoán tiếp tục có những diễn biến xấu trong năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm nắm giữ cổ phiếu niêm yết sẽ phải gia tăng trích lập dự phòng giảm giá và ảnh hưởng không nhỏ tới khoản đầu tư này. Hơn nữa, trong bối cảnh nhiều rủi ro hiện tại, khó có thể kỳ vọng đầu tư cổ phiếu sẽ thuận lợi trong năm 2023.

Về thị trường trái phiếu, đối với trái phiếu chính phủ, lãi suất trong tháng 1 vừa qua đã giảm mạnh so với tháng trước. Nếu xu hướng này tiếp tục duy trì trong những tháng còn lại của năm 2023 thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận tài chính của những doanh nghiệp bảo hiểm nắm giữ lượng lớn trái phiếu chính phủ.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp, thị trường này trong năm 2022 và đặc biệt là quý IV đã gần như đóng băng. Tình trạng này có thể khiến các doanh nghiệp bảo hiểm không thể giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ cũng như phải đối mặt với rủi ro mất trắng khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nếu nhà phát hành vỡ nợ.

Một tín hiệu tích cực đối với thị trường trái phiếu là việc sửa Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp. Việc sửa đổi đang được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành. Tuy nhiên, cho đến khi chính thức được hoàn thiện và áp dụng, các quy định mới cũng cần thời gian để đánh giá tác động vào thị trường.
 

Cùng chuyên mục
Tin khác