Lợi nhuận SCIC sụt giảm 63% vì khoản đầu tư vào Vietnam Airlines
Bảo Duy -
03/07/2023 19:25 (GMT+7)
(VNF) - Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa công bố BCTC hợp nhất năm 2022 ghi nhận tổng doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận lại giảm mạnh tới 63% so với năm trước.
Cụ thể, năm 2022, SCIC ghi nhận doanh thu đạt 10.221 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu đến từ doanh thu cổ tức và lợi nhuận được chia đạt 7.625 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ. Doanh thu còn lại đến từ doanh thu bán vốn đạt 1.933 tỷ đồng, doanh thu từ lãi tiền gửi, lãi trái phiếu đạt 1.430 tỷ đồng và doanh thu cho thuế BĐS và khác đạt 9,6 tỷ đồng.
Tổng doanh thu dù tăng mạnh nhưng lợi nhuận lại giảm mạnh 63%, ghi nhận 3.064 tỷ đồng so với mức 8.330 tỷ đồng năm 2021. Nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm mạnh đến từ việc công ty ghi nhận khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư hơn 3.419 tỷ đồng. Bên cạnh đó, SCIC cũng ghi nhận lỗ từ công ty liên doanh liên kết hơn 3.100 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của SCIC, hiện nay công ty có một công ty con là Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC và 5 công ty liên kết gồm: Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào Việt (27%); Công ty Cổ phần Đầu tư SCIC – Bảo Việt (50%); Công ty Cổ phần Tháp Truyền hình Việt Nam (33%); Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam (30%); Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (31,14%).
Trong nhóm các công ty liên kết, nổi bật là Vietnam Airlines với kết quả tiêu cực nhất trong năm 2022. Hiện tại Vietnam Airlines chưa công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán. Theo báo cáo tự lập, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 10.369 tỷ đồng trong năm 2022, vốn chủ sở hữu tại ngày cuối năm âm 10.200 tỷ, lỗ lũy kế 34.200 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ thực góp.
Trong tháng 7/2022, SCIC đã chuyển nhượng thành công toàn bộ vốn cổ phần tại Công ty Cổ phần Thuốc ung thư Benovas và đến tháng 11/2022 chuyển nhượng tiếp toàn bộ vốn cổ phần tại Công ty Cổ phần Hạ tầng Bất động sản Việt Nam. Do đó, 2 công ty trên không còn là công ty liên kết của SCIC.
SCIC trước đó cũng đã công bố danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2023. Theo đó, danh sách bao gồm 73 doanh nghiệp với những cái tên lớn như Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh, Seaprodex, Tổng Công ty LICOGI - Công ty Cổ phần, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, Tổng Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng số 1…
Trong số 73 doanh nghiệp trong danh sách, không xuất hiện những “ông lớn” mang lại nguồn cổ tức dồi dào cho SCIC mỗi năm như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty Cổ phần FPT, Công ty Cổ phần Nhựa thiếu niên Tiền Phong, Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn hay Tập đoạn Bảo Việt…
SCIC cho biết đã thoái vốn thành công tại 4/73 doanh nghiệp nêu tại danh sách. Cụ thể, tổng công ty đã bán 29% vốn tại Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Quảng Ngãi, 53% vốn tại Công ty Cổ phần Sửa chữa đường bộ và Xây dựng Tổng hợp II Quảng Bình, 65% Công ty Cổ phần Sửa chữa đường bộ và Xây dựng Tổng hợp Quảng Bình và 51% Công ty Cổ phần Quản lý đường thủy nội địa số 9.
Năm 2023, SCIC lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu 6.657 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 2.903 tỷ đồng. SCIC dự kiến nộp ngân sách nhà nước 2.881 tỷ đồng và giải ngân 9.400 tỷ đồng vốn đầu tư.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.