Mới đầu năm đã xin trả vốn đầu tư công: Xử lý nghiêm để 'bệnh nan y' không tái phát
Kỳ Thư -
15/03/2024 23:57 (GMT+7)
(VNF) - Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, phải xử lý trách nhiệm của cả các bộ, ngành chậm giải ngân vốn và các bộ, ngành không giải ngân được nhưng đề xuất trả lại vốn. Nếu không xử lý nghiêm để răn đe thì 'bệnh nan y' này sẽ còn tiếp diễn không chỉ những tháng cuối năm mà còn cả năm sau.
Giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm thấp
Theo Bộ Tài chính, ước tính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong hai tháng đầu năm đạt 59.998,1 tỷ đồng, bằng 8,7% tổng kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 9,13%, tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, theo tổng hợp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong hai tháng đầu năm có 5 bộ, cơ quan trung ương và hai địa phương đề xuất điều chỉnh giảm 1.520,7 tỷ đồng để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan và địa phương khác có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Dù tỷ lệ giải ngân đầu tư công đang có xu hướng tích cực, song nhiều bộ, ngành, địa phương đề xuất điều chỉnh giảm từ đầu năm đã và đang tạo thêm áp lực cho các cơ quan quản lý, sử dụng vốn này.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng hiện tượng bộ ngành trả lại vốn đầu tư công là bình thường.
“Đó có thể là nguồn vốn đầu tư công được phân bổ nhưng không dùng hết, hoặc là dự án đã gần hoàn thiện nên không cần thêm quá nhiều vốn. Đây là câu chuyện bình thường”, ông Cung nói.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia tài chính nói, Luật Đầu tư công có quy định được điều chỉnh vốn nếu dự án đó giải ngân chậm, nhưng việc tưởng chỉ hãn hữu xảy ra thì trong gần 4 năm trở lại đây đã phổ biến hơn.
Lý do của việc xin điều chỉnh giảm vốn có nhiều như thời gian chuẩn quá dài khiến cho dự án quá lạc hậu và không còn tính hiệu quả như tính toán ban đầu; một số các dự án yêu cầu các thủ tục hành chính giấy tờ phức tạp chưa thể hoàn, hay giải phóng mặt bằng chưa thể kịp tiến độ …
“Đây cũng là những nguyên nhân khiến cho công tác giải ngân vốn đầu tư công bị kéo chậm lại trong những năm qua”, ông Thịnh quan ngại.
Xem xét nguyên nhân xin điều chỉnh vốn
Ông Thịnh cũng cho rằng, phần vốn trả lại sẽ được Thủ tướng Chính phủ điều chuyển cho bộ ngành và địa phương có đề xuất bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án để không làm thay đổi tổng mức vốn kế hoạch hằng năm đã được Quốc hội thông qua.
Tuy vậy, với 33.500 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2024 chưa được phân bổ cộng thêm 1.520 tỷ đồng được đề nghị điều chuyển sẽ tạo thêm áp lực cho quản lý, sử dụng vốn đầu tư công trong bối cảnh đầu tư công chính là động lực để “tăng tốc” cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
"Cần xem xét kỹ nguyên nhân các đơn vị xin điều chỉnh kế hoạch vốn. Nếu do chủ quan, không tiêu được, tính toán sai, xin trả lại, thì cần chế tài xử lý nghiêm, như cắt giảm kế hoạch vốn năm sau. Còn nếu vì nguyên nhân khách quan, cần phân tách rõ khó khăn ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai để khắc phục", ông Thịnh cho biết.
Ông cũng cho rằng phải xử lý trách nhiệm của cả các bộ, ngành chậm giải ngân vốn và các bộ, ngành không giải ngân được nhưng đề xuất trả lại vốn vì nếu không xử lý nghiêm để răn đe thì bệnh nan y này sẽ còn tiếp diễn không chỉ những tháng cuối năm mà còn cả năm sau.
Theo tính toán, tổng vốn đầu tư công năm nay hơn gần 665.000 tỷ đồng, số vốn muốn trả lại (hơn 1.520 tỷ đồng) mới chiếm khoảng 0,2%.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone