'Một triệu tỷ đồng vẫn đang nằm im, tiền không ra được là lãng phí'

Kỳ Thư - 28/11/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Chuyên gia cho rằng, chúng ta không thiếu tiền song điều đáng tiếc giải ngân đầu tư công chậm. Tiền trong kho bạc một triệu tỷ đồng vẫn đang nằm im một chỗ; tiền không ra được là một nguồn lãng phí.

Tiền khó ra được nền kinh tế: Một triệu tỷ đồng nằm im

Mới đây, tại phiên trả lời chất vấn của Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tăng trưởng tín dụng đến ngày 31/10 đạt 10,08% so với cuối năm 2023. Con số này còn cách khá xa mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% đặt ra hồi đầu năm.

Tiền khó ra được nền kinh tế.

Nguyên nhân là sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân còn thấp. Bởi sau Covid 19, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính bị giảm sút. Còn người dân có xu hướng thắt chặt, giảm chi tiêu dẫn đến cầu tín dụng thấp.

“Ngân hàng Nhà nước đang tìm mọi cách để đưa tiền ra, nhưng đúng là tiền khó ra được nền kinh tế", TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương nhận định.

Ông Tú Anh phân tích, trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng ở khoảng 8,8%, không thấp so với cùng kỳ những năm trước nhưng cung tiền M2 tăng rất thấp.

Cung tiền M2 tăng thấp dẫn đến hiệu ứng thứ hai làm cho lãi suất không giảm được, tỷ lệ tăng huy động vốn tức tốc độ tăng huy động trên hệ thống ngân hàng chỉ 5,8%, gây sức ép rất lớn so với tốc độ tăng tín dụng, làm chi phí huy động vốn của ngành ngân hàng tăng lên.

Lý giải nguyên nhân khiến huy động vốn lại trở nên khó khăn như vậy, ông Nguyễn Tú Anh đưa ra hai vấn đề.

Thứ nhất, tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán. “Chúng ta phải bán ngoại tệ ra từ dự trữ ngoại hối để thu tiền về. Thông thường, khi thặng dư trên cán cân thanh toán thì chúng ta sẽ mua ngoại tệ, đẩy tiền ra một cách rất tự nhiên và tiền ra thì tăng cung tiền”, chuyên gia phân tích.

Thứ hai, bế tắc trong đầu tư công, tiền kẹt trong Kho bạc Nhà nước. Tiền kho bạc Nhà nước hiện nay khoảng 70 - 80% nằm trong Ngân hàng Nhà nước, điều đó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế cũng việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

"Chúng ta không thiếu tiền song điều đáng tiếc giải ngân đầu tư công chậm. Tiền trong kho bạc một triệu tỷ đồng vẫn đang nằm một chỗ; tiền không ra được là một nguồn lãng phí. Vì vậy, phải gắn chặt trách nhiệm với việc sợ thì không làm, không làm thì gây ra lãng phí mà lãng phí thì phải chịu trách nhiệm", ông Tú Anh cho hay.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tiền của Kho bạc Nhà nước khi chưa sử dụng chủ yếu được gửi ở các ngân hàng thương mại lớn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số tiền này được chuyển về gửi tại Ngân hàng Nhà nước và thực tế khoảng 80% trong 1 triệu tỷ đồng tiền nhàn rỗi của ngân sách đang nằm tại Ngân hàng Nhà nước.

Bà Hồng cho biết, theo kinh nghiệm điều hành của các nước, cách thức điều chuyển tiền gửi ngân sách về Ngân hàng Nhà nước là một trong những giải pháp được thực hiện khi lạm phát tăng quá cao, tức cần hút tiền về ngân hàng trung ương. Còn trong điều kiện bình thường, có thể điều chuyển ngược lại.

“Tuy nhiên, gửi tiền ngân sách nhàn rỗi với khối lượng lớn tại các nhà băng cũng có tác động nhất định tới chính sách tiền tệ, thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Do đó, NHNN và Bộ Tài chính đã có quy chế phối hợp, trao đổi thông tin và chủ động điều tiết tiền tệ”, Thống đốc cho hay.

Sắp 'bơm' gần 670.000 tỷ đồng ra nền kinh tế

Với KPI tăng trưởng tín dụng 15% mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho cả năm nay, hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ra nền kinh tế hơn 2 triệu tỷ đồng.

Sắp 'bơm' gần 670.000 tỷ đồng ra nền kinh tế.

Trong khi, tính đến cuối tháng 10, tín dụng đã tăng khoảng 10,08% - con số này cao hơn so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm ngoái. đồng nghĩa sẽ có gần 670.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế 2 tháng cuối năm nay.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP. HCM, nhận định: Vốn là "mạch máu" của nền kinh tế vì vậy một trong những đột phá được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024 là việc đẩy tiền ra nền kinh tế.

"Việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần phải hợp lý và không nên đánh đổi bằng mọi giá, đặc biệt là phải kiểm soát được lạm phát. Nếu 670.000 tỷ đồng chảy vào sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, có thể tạo ra tăng trưởng GDP vượt 6%", ông Huân kỳ vọng.

Một số ý kiến cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay có thể đang quá cao, tuy nhiên mức 13,5-14% thì vẫn có thể đạt được. Quan trọng nhất là dòng vốn tín dụng cần đi vào các hoạt động kinh tế thực. Điều đáng mừng là cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, sức mua của người dân cũng đang dần tăng trở lại. Tín dụng tiêu dùng nhờ đó cũng kỳ vọng được phục hồi.

Theo nhóm chuyên gia MBS Research, từ nay đến cuối năm, tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi và bứt phá mạnh, được dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô.

'Bất động sản dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận trong 2025'

"Bất động sản dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận trong 2025'

Tài chính
(VNF) - VinaCapital dự báo tăng trưởng EPS của VN-Index sẽ tăng từ 18% trong năm 2024 lên 23% vào năm 2025. Trong đó, nhóm bất động sản sẽ dẫn đầu tăng trưởng về lợi nhuận.
Cùng chuyên mục
Tin khác