Tăng trưởng GDP 2025: 'Có thể đạt mức 7,5 - 8%'

Anh Vũ - 24/11/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) -Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 là 6,5 - 7%. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là mục tiêu thận trọng và trong bối cảnh nền kinh tế đnag tốt dần lên, chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua được.

Nhiều động lực tăng trưởng mới

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với gần 89% đại biểu tán thành. Trong đó, xác định mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2025 đạt từ 6,5 - 7%.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu này khá thận trọng. Với những yếu tố tích cực như hiện nay thì việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP như kế hoạch hoàn toàn khả thi.

Các chuyên gia cho rằng mục tiêu tăng trưởng 2025 vẫn còn thận trọng.

Theo đó, các động lực truyền thống như đầu tư công, đầu tư tư nhân, và xuất nhập khẩu đang được thúc đẩy mạnh. Các động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, và phát triển du lịch cũng đang trở thành những động lực quan trọng. Việc phân cấp, giảm thủ tục hành chính, và tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tiềm năng riêng sẽ giúp huy động thêm nguồn lực và sáng tạo địa phương.

“Có thể thấy, Việt Nam đang có nhiều động lực tăng trưởng mới, kết hợp với việc cải thiện môi trường kinh doanh, sẽ tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Kịch bản tích cực, dự báo năm 2025 GDP Việt Nam có thể tăng trưởng tới 7,5 - 8%”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nói.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, mục tiêu GDP 6,5 - 7% trong năm 2025 mà Chính phủ trình và Quốc hội thông qua là khá cẩn trọng và chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua được. Nếu không có yếu tố bất ngờ như thiên tai, chiến tranh hay tình hình lãi suất thay đổi mạnh mẽ, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng vượt mức mục tiêu.

Ông Thịnh phân tích, thời gian qua, dù đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động do cơ bão Yagi song nền kinh tế của Việt Nam đã có bước phục hồi ngoạn mục.

Ở thời điểm hiện tại, cùng với các đơn hàng trong nước lẫn xuất khẩu của lĩnh vực sản xuất đang có những bước tăng trưởng rất tốt, thì nội lực cơ bản của kinh tế như nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng và du lịch dần lấy lại đà tăng trưởng. Theo đó, về cơ bản kinh tế Việt Nam năm nay có thể đạt GDP tới 7,2 - 7,3%.

Trên cơ sở này, ông Thịnh dự báo hai kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Cụ thể, ở điều kiện bình thường, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng GDP từ 6,8 - 7,3% với lạm phát ổn định trong khoảng 3,2 - 3,5%.

Còn trong điều kiện tích cực như nguyên nhiên vật liệu hạ giá, các doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các cơ hội xuất ra thị trường thế giới, tình hình giao thương quốc tế thuận lợi, GDP Việt Nam có thể đạt từ 7,3 - 7,8% và lạm phát nằm trong mức 3,5 - 3,8%.

Kinh tế thế giới đã phục hồi tốt hơn trước

Phân tích sâu hơn về các yếu tố hỗ trợ kinh tế Việt Nam, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, kinh tế thế giới đã phục hồi tốt hơn so với dự báo trước đó, lạm phát cũng đã giảm về gần mục tiêu mà nhiều Chính phủ đặt ra.

Do đó, nhiều nước cũng đã hạ lãi suất cơ bản, như Mỹ hạ lãi suất liên tiếp hai lần về 4,5 - 4,75% hay Liên minh châu Âu (EU) cũng ba lần hạ lãi suất trong năm về mức 3,25%.

Đối với động thái hạ lãi suất của Mỹ, ông Thịnh cho rằng sẽ mang đến hai tác động chính. Thứ nhất, giúp ổn định kinh tế vĩ mô Việt Nam vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta, với tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 98,4 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, chiếm trên 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ hai, với việc lãi suất giảm, đồng USD sẽ yếu hơn, đồng nghĩa với việc các nhà nhập khẩu Mỹ có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, hỗ trợ mạnh cho xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, theo ông Thịnh, việc ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2025 có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho thế giới ổn định hơn. Từ đó kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân các nước này tăng cao thì nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.

Với việc ông Trump sắp tới sẽ trở lại Nhà Trắng, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng, trường hợp vị ông Trump tăng thuế nhập khẩu cao với hàng Trung Quốc như đã từng làm trong nhiệm kỳ 2017-2021, các doanh nghiệp Mỹ sẽ tìm những nguồn cung có tính cạnh tranh hơn về giá và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

"Nếu đúng như vậy, tỷ lệ hàng xuất khẩu của công ty vào Mỹ có thể tăng từ 50% lên 70% trong thời gian tới", theo VASEP.

Cũng theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), doanh thu xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2024 dự báo đạt 44 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm gần 40%. Do vậy, mỗi chính sách mới từ thị trường này đều có tác động rất lớn đến ngành dệt may của Việt Nam.

Theo ông Giang, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ có lợi hơn cho ngành này. Bởi nhiều năm qua, quan hệ Việt Nam - Mỹ ổn định, giúp các doanh nghiệp Mỹ chuyển dịch từ các nước khác sang thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, thời gian qua, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã chọn Việt Nam là nhà cung ứng bởi họ tin vào chất lượng, giá cả và khả năng giao hàng của doanh nghiệp Việt. Một số doanh nghiệp ngành dệt may hiện có đơn hàng xuất khẩu vào Mỹ đến hết năm nay và cả quý I/2025.

Một số doanh nghiệp còn dự báo, nếu ông Trump áp thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến chủ các nhãn hàng chuyển sang đặt hàng gia công cho doanh nghiệp Việt Nam.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Nền kinh tế thiệt đơn, thiệt kép

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Nền kinh tế thiệt đơn, thiệt kép

Diễn đàn
(VNF) - Theo ước tính của Kho bạc Nhà nước, tính đến hết tháng 10/2024, tổng khối lượng vốn đầu tư công giải ngân là 355.616 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch, bằng 52,29% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Điều này được nhìn nhận có thể cản trở quá trình phục hồi và khiến nền kinh tế thiệt đơn, thiệt kép.
Cùng chuyên mục
Tin khác